Năm 2018, tập trung vốn tín dụng cho sản xuất, kinh doanh

Thứ ba, 20/02/2018 12:20
(ĐCSVN) - Năm 2017, tỷ giá và lãi suất được đánh giá là ổn định, thậm chí có xu hướng giảm để hỗ trợ thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong năm 2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định vẫn sẽ quyết tâm, nỗ lực để hiện thực hóa các mục tiêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung vốn tín dụng cho sản xuất, kinh doanh.
Năm 2018 chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục ổn định (Ảnh minh họa:M.P)


Chính sách điều hành linh hoạt phát huy hiệu quả

NHNN cho biết, năm qua ngành đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ (CSTT) để ổn định thị trường tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức tín dụng (TCTD) giảm lãi suất cho vay và tăng cường khả năng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt 6,81% (cao nhất trong 10 năm và cao hơn mục tiêu 6,7%). Ước cả năm, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16%, sát với chỉ tiêu định hướng đề ra khoảng 16-18% từ đầu năm.

Đây là năm thứ 2 NHNN thực hiện việc điều hành tỷ giá mới theo cơ chế tỷ giá trung tâm giữa VND và USD, tỷ giá tính chéo giữa VND và một số ngoại tệ với cơ chế linh hoạt, biến động hàng ngày. Và đây có thể coi cơ sở giúp giúp tỷ giá ổn định trong năm vừa qua.

Trong năm 2017, có một điều đặc biệt là diễn biến trái chiều giữa tỷ giá trung tâm được NHNN niêm yết với tỷ giá giao dịch; theo đó, tính đến gần cuối năm, tỷ giá trung tâm đã tăng khoảng 1,2% so với đầu năm, nhưng tỷ giá tại các ngân hàng thương mại lại giảm nhẹ, thậm chí tỷ giá trên thị trường tự do có mức giảm mạnh lên tới khoảng 1,4% so với đầu năm.

Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, sự trái chiều của diễn biến tỷ giá giữa NHNN và các ngân hàng thương mại là do trước đây, tỷ giá được NHNN niêm yết một mức trần nhất định, NHNN sẽ điều chỉnh tăng mức trần này ở một thời điểm nhất định, với mức độ nhất định, cách quãng xa nên khi điều chỉnh, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại sẽ chịu sức ép tăng đột ngột, gây biến động tỷ giá. Nay với cơ chế tỷ giá trung tâm được điều chỉnh linh hoạt hàng ngày, tỷ giá của các ngân hàng thương mại cũng được điều chỉnh hàng ngày, tăng giảm với biên độ ngắn nên tránh được những cú sốc đột ngột, khiến “đường đi” của tỷ giá hài hòa, ổn định.

Rõ ràng, mặt được lớn nhất của việc điều hành tỷ giá ổn định là góp phần phát triển kinh tế vĩ mô, giúp lạm phát giữ vững ở mức dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra, hỗ trợ xuất khẩu tăng trưởng tốt, giúp DN chủ động trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch kinh doanh, phòng ngừa rủi ro tỷ giá; đồng thời, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và DN. Không những thế, nhờ tỷ giá ổn định, mà Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã phấn khởi cho biết, dự trữ ngoại hối từ đầu năm 2017 đến nay đã tăng lên mức 46 tỷ USD, nghĩa là từ đầu năm đến nay đã mua được khoảng 7 tỷ USD, cao nhất trong nhiều năm qua.

Đây là một kết quả rất đáng ghi nhận, bởi từ đầu năm, không ít chuyên gia kinh tế đã dự báo tỷ giá có thể tăng từ 2-3% dưới tác động của nhiều biến động kinh tế như tình hình nhập siêu, FED tăng lãi suất, lạm phát… Nhưng tất cả những kịch bản này đã được vượt qua do cả nước đã quay trở lại xuất siêu, lạm phát ổn định nên không có biến động nào đáng kể.

Năm 2017 ngành ngân hàng  tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp giảm lãi suất cho vay nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế. Trong điều kiện lãi suất chịu áp lực gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2017, NHNN đã nỗ lực điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo thanh khoản cho TCTD, duy trì lãi suất liên ngân hàng ở mức hợp lý, góp phần ổn định và giảm mặt bằng lãi suất thị trường.

Từ ngày 10/7/2017, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, trên cơ sở diễn biến lạm phát có chiều hướng tăng chậm và có khả năng kiểm soát theo mục tiêu 4% được Quốc hội đề ra, hoạt động các TCTD diễn biến tích cực, NHNN đã giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành; giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên. Kết quả, các TCTD đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên; tích cực giảm lãi suất thông qua một số chương trình tín dụng hỗ trợ phát triển doanh nghiệp với lãi suất thấp hơn trần của NHNN (thấp hơn khoảng 0,5-1%/năm); giảm lãi suất một số chương trình cho vay trung dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên xuống còn khoảng 8%/năm; triển khai các gói tín dụng ngắn hạn và trung dài hạn đa dạng với lãi suất ưu đãi cho các ngành thiết yếu trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội; áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, xếp hạng tín nhiệm cao khoảng 4-5%/năm.

Đáng chú ý, trong năm NHNN mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn chất lượng tín dụng, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn ngân hàng. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nguồn vốn tín dụng đã được khơi thông và tăng trưởng tốt ngay từ đầu năm, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế (đến ngày 31/12/2017, tín dụng tăng 18,17%). Đáng chú ý tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh (chiếm khoảng 80% tổng dư nợ), trong đó tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ diễn biến tích cực.

Năm 2018 chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục ổn định

Trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2018, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhận định, trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô thế giới và trong nước, Quốc hội đã xác định mục tiêu trong năm 2018 là kiểm soát lạm phát bình quân ở mức khoảng 4%, tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5-6,7%. Đây là nhiệm vụ không dễ thực hiện trong bối cảnh kinh tế thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, gây áp lực đến thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Tuy nhiên, với những chủ trương và định hướng từ Chính phủ, NHNN vẫn sẽ quyết tâm, nỗ lực để hiện thực hóa các mục tiêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, các giải pháp trọng tâm sẽ được NHNN chú trọng như: Nâng cao chất lượng công tác thống kê, dự báo, theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để chủ động phân tích tình hình, dự báo kinh tế vĩ mô, tiền tệ và triển khai đồng bộ, linh hoạt các công cụ CSTT nhằm ổn định thị trường tiền tệ, bảo đảm thanh khoản hệ thống, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ phù hợp với các cân đối vĩ mô và mục tiêu CSTT.

Đặc biệt, toàn hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp về tín dụng, lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; tập trung tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Phối hợp các Bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực, đặc biệt là đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP...; tăng cường phối hợp với địa phương đẩy mạnh hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn.

Đồng thời, kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán, BT, BOT giao thông, tín dụng tiêu dùng của các Công ty tài chính...

Trong thời gian tới, công tác điều hành của NHNN sẽ có nhiều hỗ trợ khi Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết 42/2017/QH14 Về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các Tổ chức tín dụng. Những văn bản pháp luật này sẽ đóng vai trò quan trọng trong công tác tái cơ cấu những ngân hàng yếu kém và xử lý nợ xấu nhưng vẫn bảo đảm quyền lợi người gửi tiền./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực