Năm 2024, các thị trường mua bán sáp nhập sẽ tiếp tục sôi động

Thứ tư, 13/03/2024 10:30
(ĐCSVN) - Trong năm 2024, các thị trường mua bán sáp nhập (M&A) sẽ tiếp tục sôi động, bởi vì các nhà đầu tư sẽ nhắm tới những doanh nghiệp có chiến lược đầu tư sản phẩm ổn định và lâu dài trong các ngành nông nghiệp và thực phẩm.

Đó là nhận định của TS Nguyễn Tuấn Anh (Đại học RMIT Việt Nam) tại Hội thảo “Ngành hàng tiêu dùng và phân phối: “Xu hướng mua bán sáp nhập (M&A) và chiến lược đầu tư gọi vốn cho doanh nghiệp Việt Nam” do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) tổ chức ngày 12/3.

Theo thống kê, kể từ năm 1996 đến hết năm 2022, có khoảng 6.550 thương vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tại Việt Nam. Còn trong 10 tháng năm 2023, có hơn 260 thương vụ M&A với tổng trị giá 4,4 tỷ USD, giá trị trung bình các thương vụ là 54,5 triệu USD.

Các diễn giả, chuyên gia kinh tế chia sẻ tại Hội thảo. (Ảnh: Minh Dung) 

Tại hội thảo, các diễn giả, chuyên gia kinh tế đã chia sẻ, phân tích các xu hướng lớn của hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trong ngành hàng tiêu dùng - bán lẻ thông qua: Tổng hợp tình hình mua bán sáp nhập trong ngành trong thời gian qua, nguồn vốn chủ lực đến từ đâu...

Theo nhận định của TS Nguyễn Tuấn Anh (Đại học RMIT Việt Nam), trong năm 2024, các thị trường M&A sẽ tiếp tục sôi động, bởi vì các nhà đầu tư sẽ nhắm tới những doanh nghiệp có chiến lược đầu tư sản phẩm ổn định và lâu dài trong các ngành nông nghiệp và thực phẩm. Nhà đầu tư cũng muốn chốt thương vụ trong lĩnh vực có thể tận dụng được mức định giá rẻ như: Bất động sản, xây dựng. Ngoài ra, sự tích cực và sôi động trên thị trường còn đến từ nguyên nhân nội tại của các doanh nghiệp nội địa, khi nguồn vốn trong nước bị thắt chặt, nhiều doanh nghiệp đang buộc phải tái cấu trúc, bán bớt tài sản, kêu gọi đầu tư để giải quyết sức ép về tài chính.

Tuy nhiên, để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhất là những nhà đầu tư có chiến lược đầu tư dài hạn, TS Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, môi trường chính sách ở Việt Nam phải thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thoái vốn. Bởi khi rót tiền vào, nhà đầu tư cân nhắc phải lấy ra được. Một yếu tố khác là phải làm sao để tạo điều kiện rút ngắn thời gian hoàn tất thương vụ.

“Tìm kiếm các nhà đầu tư mới, tìm kiếm các nhà đầu tư từ bên ngoài là điều mà các doanh nghiệp Việt Nam đang cần, nhưng cái cần hơn là chính sách vĩ mô phải tốt để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn bên ngoài và giúp nâng cao vị thế của doanh nghiệp Việt trong quá trình M&A”, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cho biết.

Minh Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực