Nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy trực tuyến trong đại dịch COVID-19

Thứ ba, 28/04/2020 22:01
(ĐCSVN) - Hội thảo trực tuyến về “Tiến trình chất lượng và mô hình kinh tế của một chương trình đào tạo trực tuyến” nhằm hỗ trợ các trường Đại học (ĐH) tại Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả của các biện pháp dạy học trực tuyến trong đại dịch COVID-19.

Ngày 28/4, tại Hà Nội, Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) tổ chức hội thảo trực tuyến về “Tiến trình chất lượng và mô hình kinh tế của một chương trình đào tạo trực tuyến” với sự tham gia của đại diện Bộ Giáo dục & Đào tạo Việt Nam cùng 377 hiệu trưởng, giảng viên và nhà nghiên cứu thuộc 47 trường đại học tại Việt Nam, từ 153 điểm kết nối.

Hội thảo nằm trong chuỗi các hoạt động mà AUF triển khai nhằm hỗ trợ các trường ĐH tại Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả của các biện pháp dạy học trực tuyến đã được triển khai cấp bách trong thời gian đại dịch COVID-19, đồng thời gắn với tầm nhìn lâu dài về việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) trong đào tạo nói chung.

Diễn giả cùng giảng viên các trường Đại học tại Việt Nam tham gia buổi hội thảo trực tuyến. (Ảnh: VH)

Tại buổi hội thảo, TS. Mokhtar Ben Henda, Giảng viên Khoa Thông tin & Truyền thông tại ĐH Bordeaux Montaigne (Pháp) đã chia sẻ kinh nghiệm với các trường ĐH tại Việt Nam, nhằm giúp các trường tìm ra giải pháp cho một số thách thức trong quá trình triển khai đào tạo trực tuyến như việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên, đảm bảo chất lượng giảng dạy trực tuyến, đo lường khối lượng công việc của giáo viên nhận công tác giảng dạy từ xa …

Theo ông Mokhtar, những thách thức này đến từ một số lỗ hổng và bất cập còn tồn tại khi các trường ĐH chuyển đổi từ hình thức dạy học tập trung sang dạy học trực tuyến, cụ thể là những câu hỏi còn bỏ ngỏ xung quanh những kỹ năng và nhiệm vụ mới của giảng viên giảng dạy trực tuyến, cách tính công cùng các công cụ quản lý công việc từ xa chưa được tính vào khối lượng công việc của giáo viên khi họ giảng dạy từ xa …

“Để giải quyết được ba thách thức này, mỗi trường cần phải kiểm tra tiến trình chất lượng và mô hình kinh tế của việc giảng dạy trực tuyến. Hai quy trình này cũng chính là những chủ đề quan trọng được đề cập tới và xử lý trong khuôn khổ dự án PURSEA - một dự án lớn của cộng đồng châu Âu nhằm tăng cường các kỹ năng quản trị cho các cơ sở giáo dục đại học tại Đông Nam Á” - ông Mokhtar nhấn mạnh.

Tại hội thảo, bà Ouidad Tebbaa, Giám đốc văn phòng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của AUF cho biết, các khoá đào tạo này nên được nhân rộng và chia sẻ tới nhiều giảng viên và nhà nghiên cứu Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. “Những thành tựu mà chúng ta đã đạt được, cùng với các trường đại học Việt Nam sẽ là một thông điệp gửi tới các trường đại học trên toàn thế giới trong việc phát triển giáo dục từ xa” - bà Ouidad Tebbaa khẳng định.

VH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực