Nâng cao giá trị sản phẩm thương hiệu “Tôm Trà Vinh”

Thứ hai, 30/01/2023 22:12
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN ) - Việc không có thương hiệu khiến giá trị ngành tôm của tỉnh Trà Vinh vẫn ở mức thấp, gây ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của nông dân.
Người dân thu hoạch tôm. (Ảnh: Phú Đức) 

Tổng diện tích nuôi thủy sản hàng năm của tỉnh Trà Vinh khoảng 60.000ha; trong đó, diện tích tôm sú 23.200ha, tôm thẻ chân trắng 8.200ha, tôm càng xanh 2.007ha, tổng sản lượng đạt gần 90.000 tấn/năm.

Những năm qua, người nuôi tôm ở Trà Vinh thường gặp khó khăn trong cung ứng sản phẩm cho thị trường như: tôm thương phẩm thường bán với giá thấp hơn so với các tỉnh trong khu vực; chưa được công nhận rộng rãi trên thị trường về chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như trách nhiệm môi trường - xã hội. Do chưa thực hiện liên kết giữa người nuôi thủy sản và doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến sản phẩm cung ứng thị trường xuất khẩu còn nhỏ lẻ, chưa có thương hiệu... nên giá trị từ con tôm mang lại chưa cao, người nuôi tôm thường chịu nhiều tác động tiêu cực từ thị trường.

Việc không có thương hiệu khiến giá trị ngành tôm của tỉnh Trà Vinh vẫn ở mức thấp, gây ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của nông dân. Một phần do chi phí thức ăn tăng cao (trên 5.000 đồng/kg trong năm 2022) cùng với đó giá con tôm giống tăng... bình quân chi phí nuôi tôm tăng khoảng 10 triệu đồng/tấn tôm thương phẩm (so với năm 2021), nhưng giá tôm thương phẩm không tăng, thậm chí nhiều đợt tôm giảm giá, ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của người nuôi tôm (chưa kể rủi ro do dịch bệnh). Người nuôi tôm mong muốn giá trị của con tôm Trà Vinh phải được thị trường biết đến, tạo thương hiệu để nâng giá trị khi xuất khẩu. Với kỳ vọng trong thời gian tới sẽ giúp cho ngành tôm của tỉnh nâng cao sức cạnh tranh, thu hút khách hàng, mở rộng các hoạt động sản xuất, kinh doanh, được nhiều thị trường tìm đến với tôm Trà Vinh.

Để xây dựng được thương hiệu ổn định và bền vững mang nhãn hiệu “Tôm Trà Vinh”, đòi hỏi doanh nghiệp, người nuôi tôm cần chuẩn bị phương án lâu dài: vùng nuôi đáp ứng các tiêu chuẩn chứng nhận (do doanh nghiệp tự nuôi hay liên kết các trang trại, hộ nuôi) đạt chuẩn chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, có xác nhận nguồn gốc, đạt được các chứng nhận như VietGAP, GlobalGAP, ASC...

Thực hiện chia sẻ trách nhiệm khi sử dụng thương hiệu “Tôm Trà Vinh”, đối với các doanh nghiệp, người nuôi phải tuân thủ đạo đức trong sản xuất, kinh doanh, phải có trách nhiệm xã hội, phải quan tâm xây dựng, thực hành sản xuất tốt, thân thiện môi trường để phát triển bền vững… Tất cả phải được thực hiện, đánh giá, chứng nhận nhằm từng bước khẳng định tính ưu thế sản phẩm như: an toàn, bổ dưỡng, truy xuất nguồn gốc nhằm nâng cao sức thuyết phục khách hàng, người  tiêu dùng và nâng tầm thương hiệu “Tôm Trà Vinh” theo định hướng mà tỉnh xây dựng.

Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trà Vinh cho biết: khi sản phẩm phụ thuộc thị trường, chưa có thương hiệu, người nuôi tôm gặp khó khăn. Do hiện nay, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trong ngành thủy sản còn ít, khiêm tốn về tài chính, nhân lực marketing ở mức trung bình, chưa thể hiện nổi trội khiến việc xây dựng thương hiệu gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc xây dựng thương hiệu “Tôm Trà Vinh”, nâng cao giá trị sản phẩm là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay./.

Phú Đức

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực