Nâng cao hiệu quả thành phần kinh tế nhà nước - Thực tiễn Vietnam Airlines

Chủ nhật, 10/11/2024 14:12
(ĐCSVN) - Để nâng cao vai trò của thành phần kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, việc củng cố sức khỏe tài chính và năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhà nước nói chung, của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam nói riêng là hết sức cần thiết và quá trình này cần có sự đồng hành của các cấp chính quyền và sự nỗ lực của bản thân ngành hàng không.
 Đồng chí Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phát biểu đề dẫn hội thảo.

Ngày 10/11 tại Hà Nội, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản; Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương phối hợp tổ chức hội thảo khoa học: “Nâng cao vai trò của thành phần kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam - Thực tiễn Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines”.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, trong gần 40 năm đổi mới, qua các kỳ Đại hội Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước, Đảng và Nhà nước ta đều khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, tầm quan trọng và vai trò then chốt của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Đại hội XIII tiếp tục khẳng định: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”.

Có thể thấy sự đan xen chặt chẽ, gắn kết hữu cơ giữa vai trò của kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước. Nhưng tựu chung lại, kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí chủ đạo, không thể thay thế trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam, giữ vai trò nòng cốt trong quá trình “công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, “chi phối các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế”, là công cụ “định hướng và điều tiết vĩ mô nền kinh tế”, bảo đảm tính độc lập, tự chủ, tự cường của nền kinh tế Việt Nam trong mọi điều kiện và hoàn cảnh.

Thực tiễn gần 40 năm đổi mới cho thấy, kinh tế nhà nước luôn khẳng định được vai trò của mình. Bên cạnh sứ mệnh giữ định hướng XHCN cho nền kinh tế thị trường ở nước ta, kinh tế nhà nước đã phát huy vai trò của mình trong phát triển các lĩnh vực đặc biệt của nền kinh tế,  góp phần quan trọng bảo vệ an ninh quốc phòng, làm đối trọng trong cạnh tranh quốc tế, gánh vác nhiều chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội,... Doanh nghiệp nhà nước, với tư cách bộ phận nòng cốt của kinh tế nhà nước, luôn giữ vị trí trọng yếu trong nền kinh tế.

Hình ảnh tại hội thảo.

Hàng không là một ngành có tầm quan trọng đặc biệt, bởi cùng với giao thông vận tải nói chung, vận tải hàng không đóng vai trò trọng yếu, là huyết mạch của mỗi quốc gia. Vận tải hàng không được xem như phương tiện duy nhất có thể cung cấp hàng hoá, di chuyển đến những vùng sâu vùng xa một cách nhanh chóng, thuận tiện, an toàn, từ đó thúc đẩy phát triển hài hòa giữa các vùng miền. Không chỉ trong phát triển kinh tế, mà hàng không còn giữ vai trò quan trọng đối với các vấn đề an ninh, quân sự và chủ quyền quốc gia. Chính bởi vậy, việc duy trì sự an toàn, hiệu quả hoạt động của ngành có vị trí cốt yếu trong phát triển kinh tế - xã hội ở tất cả các quốc gia. Bên cạnh đó, ngành hàng không còn mang lại các lợi ích xã hội thông qua thúc đẩy các hoạt động du lịch và kinh doanh thương mại, là động lực phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống, mang lại thu nhập quốc gia thông qua thuế và các lợi ích về phát triển kết nối giữa các quốc gia, vùng miền, thậm chí vùng sâu, vùng xa, cứu thương, cứu trợ…

Tại Việt Nam, trong bối cảnh Nhà nước ta đang chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, ngành hàng không ngày càng khẳng định rõ vai trò của mình trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước. Để trở thành một trung tâm mới về kinh tế, du lịch tầm cỡ trong châu Á và trên thế giới, Việt Nam rất cần đầu tư có trọng điểm để có 1 doanh nghiệp hàng không đủ mạnh, với quy mô mạng bay, đội tàu bay đủ lớn để có đủ năng lực cạnh tranh với các trung tâm khác trong khu vực, thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm của khu vực. Là doanh nghiệp nhà nước, cùng với thương hiệu Hãng hàng không quốc gia, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam chính là doanh nghiệp phù hợp để triển khai chiến lược quốc gia về phát triển Việt Nam thành trung tâm của khu vực.

Với gần 30 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý ở các lĩnh vực khác nhau, hội thảo đã tập trung thảo luận và làm rõ, khẳng định vị trí, vai trò của kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đánh giá thực trạng hoạt động của doanh nghiệp nhà nước nói chung, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam nói riêng thời gian qua, làm rõ thành tựu, hạn chế và những điểm nghẽn đặt ra; đề xuất kiến nghị, giải pháp cho đổi mới doanh nghiệp nhà nước nói chung, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam nói riêng trong thời gian tới…

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí PGS.TS Lê Hải Bình, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết, trong thành phần kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí cơ bản và rất to lớn. Các doanh nghiệp nhà nước vừa là chủ thể kinh doanh vừa là lực lượng kinh tế nòng cốt do Nhà nước sử dụng trong tác động tham gia vào các hoạt động kinh tế. Việc nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước để góp phần bảo đảm tính chủ đạo của kinh tế nhà nước là hết sức cần thiết. Đặc biệt, bối cảnh mới, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội đặt ra yêu cầu mới đối với doanh nghiệp nhà nước phải tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động góp phần bảo đảm tính chủ đạo của kinh tế nhà nước.

 Đồng chí PGS.TS Lê Hải Bình, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu tại hội thảo.

Qua đánh giá thực trạng hoạt động của doanh nghiệp nhà nước nói chung, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam nói riêng thời gian qua, đã làm rõ thành tựu, hạn chế và những vấn đề đặt ra. Thị trường hàng không Việt Nam được đánh giá là thị trường phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Trong đó, mạng đường bay của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam ngày càng được tăng cường và mở rộng. Đội tàu bay được phát triển và hiện đại hóa không ngừng. Sản lượng vận chuyển đã đạt tới quy mô Hãng hàng không trung bình trong khu vực. Trong những năm qua, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ chính trị của hãng hàng không quốc gia, xây dựng cho mình một hình ảnh của một hãng hàng không năng động, có uy tín, là thành viên của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tể (IATA) và liên minh Skyteam. Tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng chưa đồng đều. Năng lực cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường ở một số lĩnh vực chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển. Chất lượng dịch vụ của Vietnam Airlines đã có những chuyển biến rõ rệt, nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa về xếp hạng và điểm đánh giá so với các hãng hàng không hàng đầu trong khu vực. Tổng công ty vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn còn đang hiện hữu, đặc biệt về mặt tài chính. Vietnam Airlines đối diện với tình trạng thiếu hụt máy bay.

Đề xuất kiến nghị, giải pháp cho đổi mới doanh nghiệp nhà nước nói chung, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam nói riêng trong thời gian tới, các ý kiến đã làm rõ quan điểm, định hướng của Đảng về phát triển kinh tế nhà nước, đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, doanh nghiệp nhà nước tập trung vào lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng, quốc phòng, an ninh; hoạt động theo cơ chế thị trường, quản trị hiện đại theo chuẩn mực quốc tế; lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; đồng thời, cần đẩy nhanh việc xử lý nợ, thoái vốn, cổ phần hóa, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; thúc đẩy đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, áp dụng chế độ quản trị doanh nghiệp hiện đại để nâng cao hiệu quả, đồng thời kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp, không để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước. Để đạt được mục tiêu này, Nhà nước cần thực hiện tốt vai trò kiến tạo một cách đồng bộ, toàn diện thể chế, chính sách cho việc phát triển các doanh nghiệp nhà nước phù hợp với nguyên tắc thị trường, bảo đảm kiểm soát độc quyền trong nước và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Các cơ chế, chính sách nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước cần được xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả…

Với các giải pháp xây dựng Vietnam Airlines thành Thương hiệu quốc gia, đại diện cho Việt Nam với năng lực cạnh tranh quốc tế cao để hội nhập và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước, cần tiếp tục khẳng định vị thế chủ lực của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam tại thị trường Việt nam, coi trọng hiệu quả kinh tế bảo đảm lợi ích của các cổ đông đi đôi với việc thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được Nhà nước giao.

Nhà nước cần đẩy mạnh công tác hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động của ngành hàng không Việt Nam nói chung, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam nói riêng. Tiếp tục hỗ trợ ngành hàng không phát triển bền vững thông qua thực hiện cơ cấu lại, cải thiện khả năng thanh toán và xử lý nợ. Có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ các hãng mua thêm máy bay, phát triển đội tàu bay, mở rộng đường bay đáp ứng nhu cầu phát triển trong tình hình mới.

Giải quyết những điểm nghẽn, cản trở phát triển đối với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam. Hỗ trợ mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, đánh giá một cách toàn diện cơ chế hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong ngành và tác động của nó tới sự phát triển của ngành cũng như của nền kinh tế quốc dân, từ đó xác định những trọng tâm cần hoàn thiện trong giai đoạn tới.

Nghiên cứu cơ chế giao nhiệm vụ cho các tập đoàn kinh tế, tổng công ty quy mô lớn thực hiện những dự án đầu tư quy mô lớn, có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội đất nước…

Tin, ảnh: Đặng Hiếu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực