Nâng cao năng lực marketing xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề

Thứ tư, 09/10/2024 17:05
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Phát triển ngành hàng thủ công mỹ nghệ là hướng đi đúng đắn trong quá trình hội nhập quốc tế. Trong những năm gần đây, quy mô thị trường thủ công mỹ nghệ Việt Nam được dự đoán sẽ có tốc độ tăng trường vào khoảng 8,70% trong giai đoạn 2024 - 2032. Đây là con số thấp hơn mức tăng trưởng ngành toàn cầu, cho thấy ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam còn sơ khai và nhiều dư địa phát triển.

Ngày 9/10, tại Hưng Yên, Hiệp hội Làng nghề (HHLN) Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tư vấn nâng cao năng lực marketing xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề Việt Nam 2024”.

Việt Nam có hơn 5.400 làng nghề và làng nghề truyền thống với nhiều mô hình sản phẩm khác nhau (Ảnh: PV)

Tại Hội thảo, TS. Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch HHLN Việt Nam cho biết, thị trường thủ công mỹ nghệ toàn cầu được định giá 1,007 tỷ USD vào năm 2023, hướng đến con số 1,107 tỷ USD vào năm 2024 và 2,394 tỷ USD vào năm 2032. Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nhờ sự đa dạng ngành nghề và giàu tài nguyên. “Hiện nay, Việt Nam có hơn 5.400 làng nghề và làng nghề truyền thống với nhiều mô hình sản phẩm khác nhau, ví dụ như: mây tre đan, gốm sứ, thêu dệt, đúc đồng, trạm khắc gỗ, trang sức, đá quý. Doanh thu của các làng nghề này rơi vào khoảng 75 nghìn tỷ đồng. Trong nhiều năm gần đây, hàng thủ công mỹ nghệ luôn nằm trong nhóm 10 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam với rất nhiều sản phẩm đa dạng, có giá trị gia tăng cao, biên độ lợi nhuận lớn hơn so với nhiều mặt hàng xuất khẩu khác. Sản xuất hàng thủ công ở Việt Nam chủ yếu dựa vào tiềm năng của hàng ngàn làng nghề trong cả nước. Những làng nghề này đã tạo việc làm cho trên năm triệu lao động nông thôn. Mặc dù có kim ngạch xuất khẩu không cao so với một số ngành hàng khác nhưng hàng thủ công mỹ nghệ lại mang về cho đất nước nguồn ngoại tệ với tỉ trọng cao trong kim ngạch xuất khẩu” - TS. Tôn Gia Hóa thông tin.

TS. Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch HHLN Việt Nam (Ảnh: PV) 

Trong khi đó, theo ThS. Cao Bích Thủy, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại - Đào tạo phát triển làng nghề, những năm gần đây, ngành hàng thủ công mỹ nghệ liên tục lọt top 10 mặt hàng xuất khẩu hàng đầu Việt Nam, dần trở thành ngành mũi nhọn thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Cho đến nay, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm gần 10% nhu cầu của thị trường toàn cầu. Mặc dù vậy, những người làm nghề vẫn ngày đêm trăn trở về việc để ngành hàng phát triển bền vững. Kiến nghị một số giải pháp, ThS. Cao Bích Thủy cho rằng, cần bắt nhịp với xu hướng trí tuệ nhân tạo (AI); khai thác công nghệ thực tế ảo; mở các lớp đào tạo về công nghệ thông tin, về AI, về công nghệ thực tế ảo để giúp những người làm nghề sớm được tiếp cận với marketing hiện đại nhằm hỗ trợ ngành hàng phát triển bền vững. 

Trong khi đó, tham luận tại hội thảo, ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên cho rằng, cần tập thực hiện một số giải pháp marketing gồm: Nghiên cứu thị trường quốc tế nhằm phát hiện ra nhu cầu từ đó có thể đưa ra những quyết định chính xác về thị trường; Đẩy mạnh việc giới thiệu sản phẩm dưới nhiều hình thức: quảng cáo, chào hàng qua mạng, tham dự các hội chợ triển lãm; Nâng cao năng lực cạnh tranh của các nhóm mặt hàng có lợi thế, gia tăng giá trị sản phẩm cho nhóm hàng này. Đặc biệt quan tâm đến thị hiếu của người tiêu dùng thường thay đổi theo thời gian; Đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường hợp chuẩn quốc tế, đáp ứng được nhiều phân khúc thị trường khác nhau; Cần đặc biệt chú trọng vào thương hiệu, chiến lược cạnh tranh bằng thương hiệu, không chỉ dừng lại ở cấp độ doanh nghiệp mà còn phải phát triển lên mức độ địa phương, ngành hàng và cấp quốc gia.

Ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên (Ảnh: PV)

PGS.TS Đặng Mai Anh, Phụ trách khoa Sau Đại học Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp đề xuất, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh thế giới, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ Việt nam sẽ phải đối diện với những cạnh tranh ngày càng cao, cùng với sự lựa chọn khắt khe của người tiêu dùng, vì vậy chúng ta cần tạo sự khác biệt và đẳng cấp của sản phẩm, thể hiện đặc trưng văn hóa của quốc gia khi sản xuất ra sản phẩm.

Có thể thấy, việc tạo nên những mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ có chất lượng hàng hóa thực sự đủ yếu tố thẩm mỹ, sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước là cần thiết, hơn nữa, còn cần tạo sản phẩm đảm bảo an toàn chất lượng và môi trường, đảm bảo quy chuẩn thị trường xuất khẩu yêu cầu, thường xuyên cập nhật xu thế mẫu mới… để thực sự mỗi sản phẩm có tiềm năng được nâng cao cả về chất và lượng, được xứng danh và có vị trí xứng đáng trên các thị trường quốc tế, góp phần tăng nguồn lực kinh tế đất nước, góp phần bảo tồn và phát huy, cũng như quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới.  

TS. Nguyễn Vi Khải, Chủ tịch Hội đồng tư vấn HHLN Việt Nam nêu rõ, quá trình phát triển hơn 3 thế kỷ qua là quá trình từ cơ giới hóa đến điện khí hóa đến điện tử, tự động hóa đến tin học và số hóa … Đây là những bước tiến bắt nguồn từ nhân tố con người với tư duy năng động, luôn đổi mới không chấp nhận lạc hậu, nghèo đói… Việt Nam nói chung, khu vực làng nghề nói riêng đang “đi chậm bước đều” hay đang “dậm chân tại chỗ” sẽ không thể hội nhập với cách mạng công nghệ 4.0. Do đó, yêu cầu tiên quyết hiện nay vẫn nằm ở yếu tố con người, cần phải không ngừng chủ động sáng tạo, nâng cao nhận thức và kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ mới./.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực