Nâng cao nhận thức của cộng đồng về ý nghĩa của trồng cây xanh

Thứ ba, 27/04/2021 15:57
(ĐCSVN) - Trong giai đoạn 2016 - 2020, công tác trồng rừng đã được các địa phương trong cả nước tích cực triển khai, tỷ lệ che phủ rừng tăng. Tuy nhiên, chất lượng và tính đa dạng sinh học của một số trạng thái rừng tự nhiên còn bị giảm hoặc tăng chậm; chất lượng rừng tự nhiên thấp.

Thực tế này đòi hỏi ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần triển khai nhiều giải pháp thiết thực để khắc phục tình trạng này, đặc biệt trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về ý nghĩa của việc trồng cây xanh.

 Ảnh minh họa. (Nguồn: PC)

Chất lượng rừng vẫn còn thấp

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trong giai đoạn 2016 - 2020, công tác trồng rừng được các địa phương trong cả nước tích cực triển khai. Trong đó, trồng rừng tập trung đạt 1.134 nghìn ha, bình quân 227 nghìn ha/năm. Riêng trồng rừng sản xuất đạt 1.066 nghìn ha; trồng rừng phòng hộ, đặc dụng 68 nghìn ha. Bên cạnh đó, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc tăng từ 40,84% năm 2015 lên 42% năm 2020.

Tính đến nay, diện tích có rừng cả nước gồm 14,6 triệu ha, trong đó, rừng tự nhiên 10,3 triệu ha, rừng trồng 4,3 triệu ha. Nếu chia theo mục đích sử dụng: rừng đặc dụng 2,2 triệu ha; rừng phòng hộ 4,6 triệu ha; rừng sản xuất 7,8 triệu ha.

Năng suất rừng trồng cả nước đạt bình quân khoảng 18 m3/ha/năm, tăng 1,8 lần so với năm 2009. Đối với diện tích rừng trồng, rừng thâm canh các giống tiến bộ kỹ thuật, giống quốc gia (trong những năm gần đây) đạt bình quân 20-25 m3/ha/năm.

Về kết quả trồng cây phân tán, kết quả theo dõi tổng hợp số liệu của Bộ NN&PTNT cho biết, trong giai đoạn từ năm 2016-2020, cả nước đã trồng được khoảng 330 triệu cây xanh phân tán, bình quân đạt 66 triệu cây/năm. Riêng năm 2020, cả nước trồng được khoảng 80 triệu cây lâm nghiệp phân tán.

Những kết quả trên thể hiện công tác trồng rừng và trồng cây phân tán trong thời gian qua đã được quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, theo Bộ NN&PTNT, mặc dù, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc liên tục tăng từ 40,84% năm 2015 lên 42% năm 2020, song trong vòng 15 năm qua, rừng phòng hộ cả nước đã mất 0,6 triệu ha. Riêng giai đoạn 2006 – 2015, diện tích rừng phòng hộ giảm từ 5,2 triệu ha xuống còn 4,4 triệu ha và giai đoạn 2015 đến nay diện tích rừng phòng hộ tương đối ổn định ở mức 4,6 triệu ha.

Bên cạnh đó, diện tích rừng tuy có tăng, nhưng chất lượng và tính đa dạng sinh học của một số trạng thái rừng tự nhiên còn bị giảm hoặc tăng chậm. Chất lượng rừng tự nhiên thấp. Theo kết quả điều tra, kiểm kê rừng năm 2016 cho thấy chỉ có 8,75% diện tích rừng tự nhiên là rừng giàu, còn lại là rừng trung bình 24,79%, rừng nghèo 53,45% và rừng nghèo kiệt phục hồi 13,01%.

Mặt khác, công tác chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng ở một số nơi còn chưa thực sự quan tâm, hiệu quả. Tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái phép còn xảy ra nghiêm trọng ở một số địa phương, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Bên cạnh đó, đối với trồng cây phân tán, theo Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020, mục tiêu trồng cây phân tán trong giai đoạn này là 200 triệu cây/năm, tuy nhiên cả giai đoạn 2006-2020 cả nước mới trồng được trung bình 55 triệu cây lâm nghiệp phân tán mỗi năm, riêng giai đoạn 2016-2020 trồng được 66 triệu cây/năm, mới bằng khoảng 1/4 đến 1/3 so với kế hoạch.

Hiện nay, tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị của Việt Nam ở mức rất thấp, chỉ từ 2 đến 3 m2/người, trong khi chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên hợp quốc đưa ra là 10 m2/người và chỉ tiêu của các thành phố hiện đại trên thế giới từ 20 đến 25 m2/người, nghĩa là cây xanh đô thị của Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/10 đến 1/5 của thế giới.

Nâng cao nhận thức của cộng đồng về trồng cây xanh

Theo Bộ NN&PTNT, để khắc phục những khó khăn còn tồn tại và tiếp tục thực hiện tốt và hiệu quả công tác trồng rừng, cần quan tâm đến công tác nghiên cứu, áp dụng các kỹ thuật, công nghệ tiến bộ, nhất là về giống, kỹ thuật và lựa chọn cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng, từng loại rừng. Đồng thời, cần tăng cường quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, chuẩn bị cây giống chất lượng tốt và tăng tỷ lệ sử dụng giống mô, hom. Tranh thủ thời vụ và thời tiết thuận lợi để trồng đảm bảo đạt tỷ lệ cây sống cao.

Đặc biệt, theo Bộ NN&PTNT, giải pháp quan trọng để nâng cao được chất lượng rừng đó là tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên các cấp, các ngành và nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng. Nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, và ý nghĩa của rừng đối với việc góp phần giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đi cùng với đó, để phát triển cây xanh đô thị và nông thôn, ngoài nguồn vốn ngân sách, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động nguồn lực trong nhân dân và các thành phần kinh tế khác trong và ngoài nước cùng tham gia.

Về vấn đề trồng cây phân tán, theo Bộ NN&PTNT, để được triển khai hiệu quả, công tác này cần thực hiện một cách thiết thực, không phô trương hình thức; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng phù hợp với mùa vụ trồng cây, trồng rừng của từng địa phương ở từng thời điểm, địa điểm cụ thể.

Ngoài ra, sau khi thực hiện các phong trào trồng cây, các địa phương cần tổ chức kiểm tra đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân điển hình làm tốt nhằm phát huy sự nhiệt tình của những người tự nguyện tham gia phong trào và của cộng đồng.

Bên cạnh đó, công tác quản lý cây xanh cần phân công rõ chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó chính quyền các cấp cần có trách nhiệm và vai trò quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ, phát triển cây xanh trên địa bàn. Khuyến khích các hộ gia đình tự trồng cây xanh, chăm sóc, bảo vệ cây xanh để góp phần xanh hóa môi trường sống./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực