Nặng gánh nỗi lo thiếu điện mùa khô

Thứ năm, 16/09/2010 17:26
 

Ảnh minh hoạ

Mùa mưa lũ năm 2010 hiện vẫn chưa cải thiện đáng kể lượng nước tại các hồ thủy điện trong cả nước, khiến việc cung cấp điện thời gian tới vẫn còn căng thẳng.

“Không có lũ tiểu mãn, không có lũ chính vụ”, đó là nhận xét của ông Đậu Đức Khởi, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về tình hình nước ở các hồ thủy điện. Điều này cũng dự báo trước những khó khăn nhất định trong cung cấp điện mùa khô năm 2011.

Theo dự báo gần đây của Bộ Công thương, tốc độ tăng trưởng điện của năm 2011 sẽ tiếp tục giữ mức cao (từ 15% đến 17%/năm) nếu không có sự thay đổi về chính sách sử dụng điện và giá điện vẫn giữ mức thấp. Thực tế này khiến việc cung cấp điện năm 2011 càng trở nên căng thẳng.

Bộ Công thương tính toán, trong đầu mùa khô năm 2011, dự kiến sẽ có thêm nhiều nguồn điện mới đi vào vận hành, gồm Thủy điện Đồng Nai 3 (180 MW), Thủy điện Sông Tranh 2 (160 MW), Tổ máy 1 của Thủy điện Sơn La (400 MW), Thủy điện Sê San 4A (63 MW), Thủy điện An Khê - Kanak (173 MW) và Nhiệt điện Cẩm Phả II (300 MW). Sự có mặt của các nguồn điện mới góp phần nâng tổng công suất đặt các nguồn điện của hệ thống lên xấp xỉ 20.000 MW, cao hơn đáng kể so với công suất khoảng 15.000 MW có thể huy động được hiện nay.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cơ cấu thủy điện chiếm 41% nguồn điện hiện nay và nước về vẫn thấp, chỉ đạt 80% mức bình quân mọi năm, thì chuyện thiếu điện vẫn có thể diễn ra. Hiện tại, dù đang là mùa mưa, nhưng phụ tải trong tháng 8 của hệ thống bình quân là 280 triệu kwh/ngày, tăng 20% và ngày cao nhất cũng lên tới 304 triệu kwh, tương đương thời gian cao điểm mùa khô.

Theo kế hoạch, trong tháng 9 này, hồ thủy điện Hòa Bình sẽ tích nước và cố gắng đạt 117 m theo quy trình đặt ra vào ngày 31/12, để phục vụ phát điện cho các tháng mùa khô của năm kế tiếp. Tuy nhiên, do gánh nặng xả nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vào tháng 1 và tháng 2 hàng năm, với lượng nước có thể lên tới 2 tỷ m3 như đầu năm 2010, tức là tương đương 500-600 triệu kwh điện, thì việc tích nước ở mức cao nhất không dễ dàng.

Ông Khởi cho hay, có những năm, đỉnh lũ chính vụ lên tới 9.000 - 10.000 m3/giây, nhưng năm nay, cao nhất cũng chỉ được 4.500 m3/giây và chỉ diễn ra trong 1 - 2 ngày. Hiện tại, mức nước về hồ chỉ khoảng 1.700 m3/giây và mùa lũ lại đang dần qua đi. Lượng nước hồ Hòa Bình ngày 9/9 ở mức 100 m, nhưng ngành điện phải “ăn dè”, chỉ phát điện ở mức 1.900 MW, không dám chạy đầy cả công suất thiết kế 1.920 MW. Nhưng để có 1.900 MW, lượng nước mà hồ Hòa Bình xả ra cũng lên tới 2.400 m3/giây, lớn hơn mức nước về, nên nguy cơ càng phát điện cao, càng cạn nước cũng hiển hiện.

Năm nay, Nhà máy Thủy điện Sơn La (bậc thang phía trên của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình) bắt đầu tích nước để chuẩn bị phát điện tổ máy 1 vào ngày 25/12/2010. Tuy nhiên, ngày 9/9, nước trong hồ thủy điện Sơn La đạt 159,4 m, thấp hơn so với yêu cầu 170 m để phát điện.

Không chỉ nước về kém, mà ở thời điểm này, lũ chính vụ cũng đã kết thúc, nên việc tích nước cho phát điện ngay và “ăn dần” cho đến hết mùa khô 2011 để phục vụ nông nghiệp và đủ điều kiện vận chuyển các thiết bị nặng tới vài trăm tấn của tổ máy số 3 và 4 của Nhà máy Thủy điện Sơn La theo đường thủy dọc sông Đà là những bài toán nan giải với ngành điện, khi không thể dự báo được thời tiết, mưa lũ.

Bên cạnh đó, nhiều nhà máy nhiệt điện đã vận hành liên tục mà không được dừng để bảo trì, bảo dưỡng vì nguồn quá thiếu, nên tình trạng thiết bị “quá sức” đã diễn ra, bắt buộc phải dừng máy. Còn ở các tổ máy nhiệt điện than mới xây dựng xong, như Nhiệt điện Hải Phòng, Nhiệt điện Quảng Ninh, Nhiệt điện Cẩm Phả, dù đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm thu, nhưng đã được trưng dụng phát điện, dẫn đến độ tin cậy vận hành chưa cao. Vì vậy, việc “cắc bụp” phát điện ở các tổ máy nhiệt điện than mới này đã diễn ra trong vài tháng qua và hiện chưa được khắc phục triệt để.

Mặc dù EVN tuyên bố, từ tháng 8 đến 12/2010, ngành điện sẽ không tiết giảm điện và sản lượng điện phát của các nguồn đủ đáp ứng nhu cầu phụ tải điện, nhưng với tình hình trên, hệ thống điện quốc gia vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu công suất vào giờ cao điểm, tình trạng sa thải phụ tải có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực