Ngày 9/11, tại Hà Nội, với sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức Hội thảo công bố báo cáo “Nghiên cứu, đánh giá khả năng ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam với khủng hoảng COVID-19, đề xuất các giải pháp nâng cao khả năng thích ứng của doanh nghiệp trước khủng hoảng”.
|
Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: PV) |
Tại Hội thảo, ông Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã trình bày kết quả chính của Báo cáo. Nghiên cứu thực hiện khảo sát với hơn 630 doanh nghiệp, cho kết quả cho thấy, 32,9% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, năng lực quản trị doanh nghiệp giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng COVID-19 thành công; 20,5% cho rằng thị trường khách hàng là nguyên nhân chính; 20% lựa chọn khả năng thích ứng với khủng hoảng dựa trên quy mô vốn của doanh nghiệp.
Cũng tại Hội thảo, các doanh nghiệp còn cho rằng khả năng vượt qua khủng hoảng COVID-19 còn phụ thuộc vào ngành nghề kinh doanh, thời gian hoạt động, năng lực ứng dụng CNTT, chuyển đổi số… Với các trường hợp đã vượt qua đại dịch, hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ được phát triển, doanh thu, lợi nhuận, kỹ năng đều tăng và hoàn thiện hơn.
Có thể thấy, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam. Để giúp các doanh nghiệp có thể thích ứng và ứng phó có hiệu quả với các cuộc khủng hoảng, các cú sốc bất ngờ trong tương lai, nhóm nghiên cứu và các chuyên gia cho rằng, các chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp cần được nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của quản trị rủi ro trong kinh doanh, từ đó biết cách lập kế hoạch quản trị khủng hoảng cho doanh nghiệp của mình, theo từng mức độ ngắn hạn, trung hạn, dài hạn.
Đối với Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần hoàn thiện chính sách pháp luật, cải cách hành chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng ứng phó với khủng hoảng. Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác những cơ hội của CMCN 4.0 để ứng phó với khủng hoảng trong tương lai. Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng giúp doanh nghiệp ứng phó với khủng hoảng...
Theo bà Nguyễn Thị Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, nghiên cứu cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam với đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa, có quy mô nhỏ và thời gian hoạt động ngắn, vì vậy, thường hạn chế về nguồn lực và kinh nghiệm trong ứng phó với những biến động bất ngờ của nền kinh tế, nhất là trong các cuộc khủng hoảng có tác động trên quy mô rộng và thời gian dài như đại dịch COVID-19.
Trong phạm vi của nghiên cứu, thực hiện khảo sát với hơn 630 doanh nghiệp, cho kết quả cho thấy, yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp ứng phó với khủng hoảng (xét theo tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn các yếu tố xếp từ cao xuống thấp): 1- Năng lực quản trị doanh nghiệp (chiếm 32,9%); 2- Thị trường khách hàng (chiếm 20,5%); 3- Quy mô vốn của doanh nghiệp (chiếm 20%); 4- Ngành nghề kinh doanh (chiếm 18%); 5- Khả năng huy động vốn (17,6%); 6- Thời gian hoạt động (14,9%); và 7- Năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số (chiếm 14,4%).
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, mỗi nhóm ngành doanh nghiệp, khó khăn phổ biến mà doanh nghiệp dịch vụ gặp phải chính là việc các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng có sự giảm sút, lưu thông hàng hóa gặp khó khăn (211/411, chiếm 51,3%). Chính sách hỗ trợ chủ yếu mà doanh nghiệp nhận được là chính sách hỗ trợ miễn, giảm thuế, phí, lệ phí (137/211, chiếm 64,9%).
Dịp này, bà Nguyễn Thị Việt Anh cũng khuyến nghị, để có thể đánh giá mức độ rủi ro và khả năng bị tổn thương cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần xây dựng một kế hoạch toàn diện nhằm giải quyết các tác động khủng hoảng theo các kịch bản tiềm tàng khác nhau. Kế hoạch này phải phù hợp với mức độ và thời gian của cuộc khủng hoảng và tác động tiềm tàng đối với thanh khoản, nguồn vốn, ngành nghề kinh doanh chính và chuỗi cung ứng./.