Nâng tầm nông sản Việt qua kênh thương mại điện tử

Thứ tư, 03/04/2024 15:08
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Chợ phiên OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) đã có hơn 800 phiên livestream, đạt 1,4 tỷ lượt xem, doanh số đạt hơn 100 tỷ đồng, hỗ trợ cho hơn 3.000 chủ thể OCOP trên cả nước làm quen với kinh doanh trực tuyến.

Sáng 3/4, tại Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Lễ kỷ niệm 1 năm hợp tác giữa Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp và TikTok Việt Nam - Hành trình nâng tầm nông sản Việt.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp Việt Nam (Ảnh: HNV) 

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp Việt Nam, sáng kiến Chợ phiên OCOP nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa hai bên đã thành công mang sản phẩm OCOP cùng nông đặc sản địa phương quảng bá đến đông đảo cộng đồng trên tính năng thương mại điện tử TikTok Shop. 

Sau một năm triển khai, chương trình đã đi qua 38 tỉnh, thành từ Bắc vào Nam như: Bắc Kạn, Sơn La, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau… Bằng sự nỗ lực hợp tác giữa các đơn vị tổ chức là Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, TikTok Shop, Ban Thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn và các địa phương cùng với sự đóng góp chung tay của cộng đồng là các doanh nghiệp như: Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), các đối tác MCN, TSP (Vitamin Network, DC Media, Hotcom, Kolin, PTG, ACCESSTRADE, TikPlus…) và các nhà sáng tạo nội dung, các chiến dịch Chợ phiên OCOP đã góp phần mang lại những tác động tích cực đối với kinh tế địa phương và ngành nông nghiệp. 

Vinh danh các đối tác đóng góp tích cực cho chợ phiên OCOP (Ảnh: HNV) 

Cùng với các chiến dịch quảng bá sản phẩm OCOP kết hợp với du lịch nông thôn, hai bên cũng thí điểm chương trình Hạt giống OCOP với mục tiêu xây dựng cộng đồng nhà bán hàng OCOP uy tín trên nền tảng. Các chủ thể OCOP tham gia chương trình sẽ được đào tạo về kỹ năng kinh doanh số thông qua các lớp đào tạo chuyên môn về cách xây dựng nội dung video ngắn, về cách thức livestream bán hàng, về bộ giải pháp quảng cáo sáng tạo TikTok for Business. Đồng thời, thiết lập trang bán hàng riêng cho sản phẩm OCOP cùng với sự đồng hành xuyên suốt của đội ngũ hỗ trợ, kèm theo đánh giá và hướng dẫn tối ưu vận hành shop định kỳ. 

Trong giai đoạn thử nghiệm 2023, chương trình đã ươm mầm thành công hàng trăm doanh nghiệp, chủ thể OCOP đi từ những phiên livestream “0 đồng” đến phiên livestream “trăm triệu”. 

Mỗi sáng thứ Bảy hàng tuần, đều đặn có khoảng 30 phiên livestream bán sản phẩm OCOP trên nền tảng TikTok Shop. Đặc biệt, từ đầu năm 2024, trên nền tảng TikTok đã có riêng một tab riêng mang tên “Tự hào hàng Việt" nằm trong trang mua sắm (Shopping Center) nhằm giới thiệu đến người tiêu dùng các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao, đồng thời hỗ trợ các nhà bán trong nước có thêm các ưu đãi về lưu lượng, chiết khấu và không gian để quảng cáo sản phẩm của mình. 

Gian hàng Phở Việt trong khuôn khổ sự kiện (Ảnh: HNV) 

Nhờ phương thức quảng bá qua thương mại điện tử mà sản phẩm của địa phương được người tiêu dùng cả nước biết đến nhanh hơn, hiệu quả hơn so với kênh truyền thống, nhất là với đơn vị mới thành lập. Tuy nhiên, do đặc thù của các sản phẩm nông sản cần được vận chuyển cẩn thận do dễ vỡ, hư hỏng… mặc dù các chủ thể đã đóng gói rất cẩn thận, song vẫn còn tình trạng sản phẩm khi đến tay khách hàng không được nguyên vẹn và khách hàng sẽ có những đánh giá không hài lòng. Do đó, việc vận chuyển sản phẩm nông sản qua các sàn thương mại điện tử cần tốt hơn để không vì chỉ khâu này mà khách hàng đánh giá thấp cả sản phẩm.

“Con số hơn 100 tỷ đồng so với tổng số doanh thu bán hàng trên sàn thương mại điện tử nói chung không phải là lớn. Tuy nhiên, đây chỉ là giá trị thu được trực tiếp tại phiên livestream, còn sau đó là sự kết nối giữa người mua và từng nhà bán hàng để tạo ra được hiệu ứng lan tỏa”, ông Nguyễn Minh Tiến chia sẻ. 

 Gian hàng đặc sản Hà Giang tại sự kiện (Ảnh: HNV)

Ông Nguyễn Minh Tiến cho biết, hai bên sẽ tiếp tục mở rộng các phiên chợ OCOP tại các địa phương để có thể giới thiệu được các sản phẩm OCOP, những truyền thống văn hóa và những giá trị của các địa phương. Từ đó, tạo môi trường thuận lợi, tạo vườn ươm cho các hạt giống OCOP; trong đó, không chỉ có các KOL(người nổi tiếng trên nền tảng truyền thông xã hội), KOC (đối tượng trực tiếp trải nghiệm sản phẩm dịch vụ), mà cả các chủ thể OCOP, những người có đủ năng lực và mong muốn mở kênh bán hàng sẽ được tập huấn bài bản trên các nền tảng để chính các chủ thể OCOP có thể tham gia trực tiếp bán sản phẩm của mình. Đồng thời, không chỉ dừng ở triển khai xúc tiến sản phẩm OCOP tại thị trường trong nước mà còn được triển khai, xúc tiến tại các thị trường khác trong khu vực. 

"Bước sang năm 2024, OCOP vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu của TikTok, với các hoạt động đồng hành, đào tạo và hỗ trợ dài kỳ và sâu sát hơn nữa nhằm hỗ trợ doanh nghiệp địa phương phát triển kinh doanh trên nền tảng số. Đây sẽ là mốc tiếp theo hứa hẹn mở ra những kết quả tích cực hơn nữa, đóng góp vào sự phát triển kinh tế nông thôn, đồng thời tạo đà xúc tiến cho các giá trị văn hoá địa phương lan tỏa rộng khắp trong và ngoài nền tảng" - ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok tại Việt Nam thông tin./.

Việt Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực