Ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm virus gây hại trên tôm

Thứ tư, 20/05/2020 18:47
(ĐCSVN) - Để chủ động phòng chống, ngăn chặn bệnh do DIV1 xâm nhập vào nước ta, Bộ NN&PTNT đề nghị Thường trực ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo, đôn đốc Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh biên giới trong việc kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, buôn bán trái phép tôm giống, tôm thương phẩm, thức ăn tươi sống cho thủy sản.
 Ảnh minh họa (Ảnh: BT)

Theo Mạng lưới các Trung tâm nuôi trồng thủy sản vùng châu Á – Thái Bình Dương (NACA), loài vi rút mới có tên Decapod iridescent 1(DIV1) đã gây thiệt hại cho ngành nuôi tôm tại Trung Quốc trong những năm gần đây. Vi rút DIV1 được phát hiện lần đầu vào năm 2014 trên mẫu tôm càng đỏ tại tỉnh Phúc Kiến, tôm thẻ chân trắng tại tỉnh Chiết Giang và tôm càng xanh tại một số tỉnh của Trung Quốc.

Tháng 2/2020, bệnh xuất hiện trở lại ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc và gây ảnh hưởng cho khoảng 1/4 diện tích nuôi tôm ở tỉnh này. Vi rút lây nhiễm cho tôm ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng và đã được phát hiện gây bệnh trên một số loài tôm biển, tôm nước lợ và tôm nước ngọt.

Hiện nay, đã phát hiện một số loài cảm nhiễm vi rút DIV1, bao gồm: Tôm càng đỏ, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh,… Tôm sú hoang dã ngoài tự nhiên vùng biển Ấn Độ Dương cũng được báo cáo là dương tính với vi rút DIV1. Trong thực tế, phân bổ của vi rút DIV1 trên thế giới có thể rộng hơn nhiều do chưa được điều tra cụ thể.

Hiện nay, chưa có thông tin về bệnh do DIV1 xuất hiện ở Việt Nam, tuy nhiên, để chủ động phòng chống, ngăn chặn bệnh do DIV1 xâm nhập vào nước ta, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đề nghị Thường trực ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo, đôn đốc Ban Chỉ đạo 389 của các tỉnh biên giới trong việc ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép tôm giống, tôm thương phẩm, thức ăn tươi sống cho thủy sản.

Chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 cấp tỉnh phối hợp chặt chẽ, chủ động chia sẻ thông tin, dữ liệu với các cơ quan thú y các cấp, phối hợp chỉ đạo tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản theo quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời, thành lập các đoàn công tác của Ban chỉ đạo 389 quốc gia trực tiếp đến các địa bàn trọng điểm để hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng vận chuyển trái phép tôm giống, tôm thương phẩm, thức ăn tươi sống cho thủy sản vào Việt Nam.

Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên chỉ đạo UBND các cấp, các sở, ngành liên quan tăng cường công tác phối hợp liên ngành, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển qua biên giới đối với tôm giống, tôm thương phẩm, thức ăn tươi sống cho thủy sản, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép. Các cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý các địa điểm tập kết, thu gom tôm giống, tôm thương phẩm, thức ăn tươi sống cho thủy sản nhập lậu qua biên giới để vận chuyển đi tiêu thụ./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực