Ông Hoàng Minh Tế, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH (Ảnh: MP)
Chiều 11/8, tại buổi họp báo của Ngân hàng Nhà nước thông tin hoạt động ngân hàng 7 tháng và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2016, ông Hoàng Minh Tế, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH đã đưa ra thông tin để lý giải những thắc mắc này.
Văn bản số 2526/NHCS-TDSV quy định, khi vay vốn tại Ngân hàng Chính sách Xã hội, người vay vốn phải thực hiện gửi tiền tiết kiệm hàng tháng tại NHCSXH với thời gian gửi tối thiểu 12 tháng kể từ ngày ký Hợp đồng tín dụng. Mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn.
Với quy định trên, dư luận cho rằng đang gây khó cho đối tượng được vay vốn là người thu nhập thấp. Nhiều ý kiến thắc mắc, giả sử hàng tháng người được vay vốn phải trả gói vay 5 triệu đồng. Vậy với quy định trên, người vay sẽ gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách Xã hội tối thiểu 5 triệu đồng trong 12 tháng hay mỗi tháng người vay sẽ phải tiết kiệm gửi 5 triệu đồng? Tức là cùng với tiền phải trả 5 triệu đồng/tháng, người vay sẽ phải gửi tiếp 5 triệu đồng/tháng (thời hạn 12 tháng), tổng cộng 10 triệu đồng/tháng.
Lý giải về vấn đề này ông Hoàng Minh Tế cho biết, NHCSXH quy định trong 12 tháng đầu, sau khi giải ngân gói vay vốn, người vay phải thực hiện gửi tiết kiệm hàng tháng còn riêng khoản vay một năm thì họ được ân hạn không phải trả gốc mà chỉ phải trả lãi hàng tháng tương đương với việc họ gửi tiết kiệm trong 1 năm.
Nghĩa là thay vì họ trả nợ gốc thì họ phải có nghĩa vụ gửi tiết kiệm vào. Hết 12 tháng ngân hàng sẽ trích toàn bộ số tiền này coi như là tiền trả gốc hàng tháng người vay phải trả. Mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn chứ chưa phải thực hiện gửi tiết kiệm sau một thời gian nhất định mới được vay như Luật nhà ở cho phép NHCSXH được làm. Điều này sẽ khiến người dân không cần phải có mức thu nhập cao hơn mức bình thường trong năm đầu. Mục đích cuối cùng là để tạo cho người vay là người có thu nhập thấp có trách nhiệm dành dụm một số tiền hàng tháng để trả vào khoản vay mua nhà ở xã hội.
Mục đích thứ hai là giúp hình thành một khoản vốn nhỏ. Trong năm đầu họ sẽ phải tiết kiệm 1 khoản tiền tương đương với số tiền gốc họ phải trả. Sau 12 tháng, ngân hàng có khuyến khích những người có thu nhập tốt gửi tiền vào ngân hàng để tạo nguồn trả nợ nhưng không bắt buộc. Họ vẫn sẽ phải trả lãi và gốc tiền vay từ tháng 13 tiếp theo.
Văn bản hướng dẫn của NHCSXH sẽ có hiệu lực thì hành từ ngày 15/8 tới, tuy nhiên, để có thể triển khai gói vay này thì còn cần nguồn vốn thực hiện. Hiện nay, NHCSXH đã thực hiện từ cơ sở xác định nhu cầu từ cơ sở để lập kế hoạch cho năm 2016 và những năm tiếp theo.
Năm 2016, nguồn vốn cho dự án này là khoảng 1.000 tỷ. Như vậy dư nợ được phép giải ngân lên đến 2000 tỷ. Trong đó, 50% là do nhà nước cấp, 50% là do NHCSXH huy động.
Trong thời gian sớm nhất khi được giao nguồn vốn thì sẽ bố trí thực hiện triển khai theo quy định. Theo nguyên tắc 50 - 50 khi NHCSXH được Bộ Tài chính phê duyệt để cấp bù lãi suất chênh lệch. Cho vay nhà ở xã hội sẽ có nhiều phân khúc khác nhau. Ví dụ như cho doanh nghiệp vay phát triển nhà khi chính phủ giao thì NHNN giao các NHTM thực hiện chương trình này. Đối với doanh nghiệp tham gia chu trình cung ứng cho chương trình này hay hợp tác xã tham gia xây dựng nhà thì được NHNN chỉ định dưới sự phối hợp của các NHTM. Từ năm 2016-2020, những doanh nghiệp tham gia vào sản xuất nhà thì NHCSXH tạm thời chưa thực hiện. Các NHTM trước đó đã cho vay mua nhà trong gói 30 nghìn tỷ nên NHCSXH có sự học hỏi để cho vay với Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Trách nhiệm xác định đối tượng vay vốn, trách nhiệm đưa ra tiêu chuẩn định mức, các dự án nhà ở xã hội là thuộc Bộ Xây dựng.