Ngân hàng tiếp tục giữ vai trò chủ đạo phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Thứ năm, 10/10/2024 15:02
(ĐCSVN) - Theo báo cáo tháng 9/2024, của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), thị trường trái phiếu ghi nhận 24 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị 22.333 tỷ đồng và 1 đợt phát hành ra công chúng trị giá 1.467 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank). Ngân hàng tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, với 19/24 đợt phát hành, đạt tổng giá trị 15.683 tỷ đồng, chiếm hơn 70% tổng giá trị phát hành trong tháng.
Ảnh minh hoạ (Ảnh: M.P) 

Trong các đợt phát hành riêng lẻ, các ngân hàng lớn đóng vai trò nổi bật. VietinBank phát hành 2 lô trái phiếu có kỳ hạn 10 và 15 năm với tổng giá trị 2.850 tỷ đồng. Ngân hàng Phương Đông (OCB) phát hành 2 lô trái phiếu với tổng giá trị 3.500 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm. Ngân hàng HDBank phát hành 3 lô trái phiếu với tổng giá trị 2.500 tỷ đồng, kỳ hạn 3 và 8 năm. Ngoài ra, Sacombank, VIB, MSB và TPBank cũng tham gia với các lô trái phiếu lần lượt trị giá từ 800 tỷ đến 2.000 tỷ đồng, với kỳ hạn từ 2 đến 3 năm.

Lãi suất trái phiếu ngân hàng trong tháng 9 dao động ở mức tương đối thấp, chỉ từ 5,2% đến 6%/năm, tiếp tục phản ánh xu hướng giảm lãi suất của thị trường tài chính trong thời gian gần đây. Điều này giúp các ngân hàng huy động vốn với chi phí thấp hơn, nhưng lại tạo ra sự khác biệt lớn về lãi suất so với các doanh nghiệp ngoài ngành ngân hàng.

Trong khi đó, các doanh nghiệp bất động sản như Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt và Công ty Trường Lộc đã phát hành các lô trái phiếu với lãi suất cao, lần lượt lên đến 12%/năm, kỳ hạn chỉ kéo dài một năm. Phát Đạt phát hành trái phiếu trị giá 3.490 tỷ đồng, còn Trường Lộc phát hành 1.910 tỷ đồng. Lãi suất cao hơn của các doanh nghiệp bất động sản phản ánh rủi ro tăng cao trong bối cảnh thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn.

Ngoài lĩnh vực ngân hàng và bất động sản, các doanh nghiệp khác như Nhiệt điện Thăng Long, Thành Thành Công, và Chứng khoán Bảo Minh cũng tham gia phát hành trái phiếu với giá trị từ 150 tỷ đến 900 tỷ đồng, nhưng lãi suất và kỳ hạn tương đối thấp hơn so với các doanh nghiệp bất động sản.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận 268 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 250.396 tỷ đồng, cùng 15 đợt phát hành ra công chúng trị giá 27.054 tỷ đồng. Các ngân hàng chiếm tới 72% tổng giá trị phát hành, trong khi lĩnh vực bất động sản, từng là nguồn huy động vốn chính, chỉ còn chiếm 19%. Điều này phản ánh xu hướng các doanh nghiệp bất động sản phải đối mặt với khó khăn trong việc huy động vốn, do lãi suất tăng cao và nhu cầu thị trường giảm sút.

Trong tháng 9/2024, các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn tổng cộng 11.749 tỷ đồng trái phiếu, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023. Đồng thời, tình hình chậm trả lãi và gốc trái phiếu cũng đang gia tăng. Cụ thể, có 26 mã trái phiếu chậm trả lãi với tổng giá trị 239,4 tỷ đồng và 2 mã chậm trả gốc trị giá 550,4 tỷ đồng.

Dự kiến, trong những tháng cuối năm 2024, khoảng 79.858 tỷ đồng trái phiếu sẽ đến hạn đáo hạn, trong đó có tới 44% là trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, tương đương 35.137 tỷ đồng. Điều này có thể tạo thêm áp lực cho các doanh nghiệp trong việc đảm bảo thanh khoản và duy trì khả năng trả nợ.

Trên thị trường thứ cấp, tổng giá trị giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 9 đạt 87.768 tỷ đồng, bình quân mỗi phiên giao dịch đạt 4.619 tỷ đồng, tăng 40,2% so với bình quân giao dịch của tháng 8. Sự gia tăng này phản ánh nhu cầu giao dịch trái phiếu đang dần khởi sắc, đặc biệt khi lãi suất thị trường dần ổn định và các điều kiện tài chính được cải thiện./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực