|
Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định trong năm 2022 (Ảnh: B.T) |
Nhiều kết quả khả quan
Trong năm 2022, nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng chịu tác động của việc đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu do COVID-19 và giá nguyên liệu, chi phí logistic tăng. Do đó, ảnh hưởng trực tiếp hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông lâm thủy sản, trong đó có sản phẩm chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Mặc dù vậy, trong năm 2022, ngành chăn nuôi vẫn đạt được nhiều kết quả khả quan, đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung của nông nghiệp.
Cụ thể, ngành chăn nuôi đã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, phối hợp triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh và duy trì phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, một phần cho xuất khẩu.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt; các địa phương đã tích cực chỉ đạo người chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống thiên tai, dịch bệnh cho đàn vật nuôi thông qua biện pháp tăng cường chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học.
Tại thời điểm tháng 12/2022, tổng đàn lợn đạt khoảng 28,6 triệu con; đàn gia cầm khoảng 531 triệu con; đàn bò khoảng 6,53 triệu con (riêng đàn bò sữa 335 nghìn con). Sản lượng thịt hơi các loại khoảng 7,05 triệu tấn, tăng 4,8%; sản lượng sữa tươi gần 1,28 triệu tấn, tăng 10,2%; sản lượng trứng trên 18,3 tỷ quả (tăng 4,4%),…
Riêng đối với chăn nuôi gia cầm, Cục Chăn nuôi đã phối hợp, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp rà soát, ổn định quy mô đàn gia cầm phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, tránh tình trạng mất cân đối cung - cầu, ảnh hưởng đến thị trường, giá sản phẩm gia cầm và thu nhập của người chăn nuôi. Tăng cường phối hợp chỉ đạo nâng cao năng lực sản xuất và kiểm soát chất lượng con giống gia cầm trong sản xuất, nhất là việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, lý lịch con giống và điều kiện các cơ sở chăn nuôi giống, ấp nở trứng gia cầm.
Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các đơn vị liên quan, các địa phương tổ chức hướng dẫn, phổ biến rộng rãi các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học trong chăn nuôi gia cầm bảo đảm bền vững về môi trường, an toàn vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, đối với chăn nuôi gia súc ăn cỏ, Cục Chăn nuôi phối hợp các đơn vị liên quan chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh triển khai rộng rãi mô hình chăn nuôi, vỗ béo trâu, bò bằng giải pháp thâm canh trồng cỏ, ngô sinh khối kết hợp ủ ướp với các loại phụ phẩm nông, công nghiệp, hương liệu để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm thịt, sữa; thúc đẩy phát triển chăn nuôi dê thịt cao sản nâng cao năng suất chất lượng, từng bước hình thành chuỗi ngành hàng dê thịt. Đồng thời, phối hợp các đơn vị liên quan và một số địa phương có lợi thế và tiềm năng khuyến khích mở rộng vùng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh, đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu của các nước nhập khẩu, đặc biệt là Trung Quốc để gia tăng thị phần và kim ngạch xuất khẩu sữa và các sản phẩm sữa trong những năm tới,…
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, những kết quả trên khẳng định vai trò của ngành chăn nuôi trong nông nghiệp. Đồng thời, có được những kết quả này thể hiện rõ vai trò của Nhà nước, doanh nghiệp, vai trò của khoa học và vai trò của bà con nông dân.
|
Trong năm 2023, ngành chăn nuôi phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất từ 3,5-4% (Ảnh: B.T) |
Chủ động bứt phá trong năm 2023
Bước sang năm 2023, ngành chăn nuôi dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Đó là dịch COVID-19 dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp; việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trong năm 2022 tác động kéo dài gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và thị trường sản phẩm chăn nuôi năm 2023.
Bên cạnh đó, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm còn xảy ra ở một số địa phương, tuy đã được khống chế nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Chi phí sản xuất, chi phí trung gian, giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước vẫn ở mức cao.
Dù vậy, ngành chăn nuôi cũng có những thuận lợi nhất định khi tiếp tục nhận được sự quan tâm của Trung ương, địa phương, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Việc chủ động duy trì và phát triển chăn nuôi, thị trường sản phẩm chăn nuôi từng bước đi vào ổn định, công tác kiểm tra an toàn thực phẩm được tăng cường triển khai.
Đáng chú ý, việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 sẽ góp phần tiếp tục phát triển chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hàng hoá, có định hướng thị trường, đáp ứng đủ các loại nhu cầu thực phẩm thiết yếu cho tiêu dùng trong nước và định hướng xuất khẩu những sản phẩm có tiềm năng như: thịt lợn, thịt gia cầm, trứng, các sản phẩm sữa, mật ong chế biến, thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, vấn đề toàn cầu hóa về thị trường, việc hội nhập sâu rộng của nước ta với thế giới đã góp phần mở ra nhiều cơ hội tiếp cận với thế giới cho sản phẩm chăn nuôi,...
Với những thuận lợi đan xen khó khăn, thách thức, trong năm 2023, toàn ngành chăn nuôi phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất từ 3,5-4%. Sản lượng thịt hơi đạt 7,27 triệu tấn (trong đó sản lượng thịt lợn hơi 4,5 triệu tấn); sản lượng trứng 19,1 tỷ quả; sản lượng sữa trên 1,25 triệu tấn; sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi đạt trên 21 triệu tấn. Tỷ lệ bò lai ước đạt từ 65% tổng đàn bò; tỷ lệ lợn nái ngoại 30%…
Nhằm đạt được mục tiêu đề ra, năm 2023, ngành chăn nuôi chủ động tham mưu và chỉ đạo tích cực các giải pháp điều hành quản lý, phát triển sản xuất. Trong đó, tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng giống vật nuôi. Đánh giá thực trạng cơ sở ấp nở trứng gia cầm tại một số địa phương, truy xuất nguồn gốc con giống. Kiểm tra thực tế nhằm phát hiện, bảo tồn, phát triển giống bản địa.
Đề xuất một số chương trình, dự án tạo động lực thúc đẩy, có bước đột phá trong khâu giống; nâng cao năng lực sản xuất giống tại chỗ và kiểm soát chất lượng con giống gia súc, gia cầm trong sản xuất. Tăng cường năng lực cho Cục Chăn nuôi và triển khai một số chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ và khuyến nông trọng điểm phục vụ công tác nghiên cứu giải pháp thúc đẩy hiệu quả chăn nuôi trong tình hình mới.
Tập trung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thực hành chăn nuôi tốt trên các đối tượng vật nuôi, nhất là đối với chăn nuôi lợn, gia cầm, bò thịt; phối hợp với Cục Thú y và các địa phương trong triển khai phòng chống dịch bệnh, như: dịch tả lợn châu Phi, bệnh lở mồm long móng, cúm gia cầm, viêm da nổi cục,...
Đồng thời, tiếp tục triển khai các nội dung xây dựng chuỗi sản xuất tuần hoàn, an toàn sinh học và theo hướng hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm. Tiếp tục xây dựng mô hình xây dựng mã định danh quốc gia cho cơ sở chăn nuôi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi; tập huấn kỹ thuật và xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học.
Cùng với đó, tập trung vào công tác khuyến nông đối với các vật nuôi năng suất và chất lượng cao như: bò sữa, lợn hướng nạc, gia cầm… phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng tại các khu đô thị, khu công nghiệp và một số mô hình sản xuất chế biến thịt lợn, gia cầm phục vụ cho mục đích xuất khẩu; đồng thời đẩy mạnh khuyến nông các chương trình chăn nuôi gia súc ăn cỏ để cân đối nguồn thực phẩm trong tiêu dùng và ổn định thị trường.
Đặc biệt là việc tăng cường các kênh theo dõi sát diễn biến về thị trường sản phẩm chăn nuôi, nguồn cung và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thế giới; có biện pháp chỉ đạo kịp thời tránh tình trạng đột biến về giá cả đối với các sản phẩm chăn nuôi. Chỉ đạo tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước, nguồn phụ phẩm của nông - lâm - nghiệp để chủ động một phần thức ăn chăn nuôi trong nước, giảm giá thành sản phẩm, đặc biệt là gia súc ăn cỏ và gia cầm.
Để thúc đẩy sự phát triển của ngành chăn nuôi trong năm 2023, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị cần tạo được môi trường pháp lý thuận lợi cho chăn nuôi. Đồng thời, chủ động bám sát, nắm bắt thực tiễn để kịp thời tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, người chăn nuôi.
Đặc biệt, với nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu sang các nước, đã có những sản phẩm làm tốt, nhưng đối với những sản phẩm chăn nuôi sắp tới được xuất khẩu, đồng chí yêu cầu cần có sự chuẩn bị, sẵn sàng, rà soát tất cả các yếu tố cần thiết để xuất sang các thị trường, cùng với việc xúc tiến thương mại.
Ngoài ra, vấn đề chế biến và chế biến sâu trong chăn nuôi còn chưa nhiều, do đó, cần đẩy mạnh chế biến và chế biến sâu, tạo môi trường thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào công tác này./.