Ngành hàng thể thao Việt Nam hướng tới phát triển bền vững

Thứ tư, 20/09/2023 22:27
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Đối với ngành hàng thể thao, Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2035, ngành dệt may và da giầy Việt Nam phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Theo đó, đảm bảo khả năng kiểm soát chuỗi cung ứng, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường tiêu thụ về tính bền vững, tuần hoàn của các sản phẩm xuất khẩu.
Đại sứ Lê Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva chia sẻ tại Hội thảo (Ảnh: TTXVN)

Đó là thông tin được Đại sứ Lê Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva tại Hội thảo “Hành động của ngành hàng thể thao hướng tới một tương lai bền vững” do Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva phối hợp với Liên đoàn ngành hàng thể thao thế giới (WSGI) tổ chức. Đây là một trong những sự kiện nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Diễn đàn công chúng của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vừa diễn ra tại Geneva, với sự tham dự của đại diện một số công ty hàng thể thao nổi tiếng như Adidas, Nike, Puma và Decathlon.

Tuần lễ Diễn đàn công chúng năm 2023 của WTO diễn ra từ 12 đến 15/9 có chủ đề chung là Hành động khẩn cấp vì phát triển bền vững, tập trung vào khía cạnh thương mại và tính bền vững môi trường.

Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Lê Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc; giới thiệu chiến lược phát triển hiệu quả, bền vững của ngành hàng thể thao, là ngành hàng chiếm tỷ  trọng lớn trong 2 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực - dệt may và da giày - của Việt Nam trong nhiều năm qua.

Việt Nam tự hào đã trở thành một cơ sở sản xuất quan trọng của các nhãn hàng nổi tiếng trên thế giới dựa trên nhiều lợi thế đáng kể, như nguồn nhân lực dồi dào, siêng năng và tiếp thu nhanh công nghệ, kỹ năng mới; mức độ hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng thông qua hệ thống thương mại đa phương mà WTO là trung tâm, cùng với mạng lưới thương mại ưu đãi ngày càng rộng mở, đặc biệt là các Hiệp định Thương mại thế hệ mới giữa Việt Nam và hàng loạt đối tác thương mại lớn (như các hiệp định EVFTA , CPTPP...).

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai nhấn mạnh, Việt Nam đang nỗ lực đóng góp vào chuyển dịch chung của toàn thế giới hướng tới phát triển bền vững thông qua việc thực thi Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Liên quan đến ngành hàng thể thao, Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2035, ngành dệt may và da giầy Việt Nam phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Các giải pháp chính sách đặt ra để đáp ứng mục tiêu này sẽ thúc đẩy sản xuất tại Việt Nam bước lên một tầm cao mới, từ “Made in Viet Nam” thành “Made by Viet Nam” và đảm bảo khả năng kiểm soát chuỗi cung ứng, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường tiêu thụ về tính bền vững, tuần hoàn của các sản phẩm xuất khẩu.

Tại Hội thảo, đại diện của các công ty hàng thể thao lớn trên thế giới gồm Adidas, Nike, Puma, Decathlon và Liên đoàn ngành hàng thể thao thế giới (WSGI) đã chia sẻ về chiến lược, biện pháp, và nhấn mạnh thành công trong phối hợp chặt chẽ của các công ty này với các nhà cung ứng tại Việt Nam hướng tới đáp ứng các tiêu chí bền vững về môi trường, chuyển đổi năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí các-bon, thích ứng với biến đổi khí hậu mà các nước phát triển đang ngày càng coi trọng và thắt chặt quy định.

Hội thảo đã dành được sự quan tâm cao của đại diện các Thành viên WTO và các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các hiệp hội và khu vực học thuật./.

KL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực