Ngành nông nghiệp nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng trong 3 tháng cuối năm 2017

Thứ sáu, 06/10/2017 21:10

(ĐCSVN) - Để đảm bảo thực hiện được mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp (trên 3%), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường yêu cầu trong 3 tháng còn lại năm 2017, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ chủ động rà soát tổng thể chương trình hành động của đơn vị mình trên tất cả các lĩnh vực, với tinh thần để quản lý tốt hơn, loại bỏ ngay những phiền hà, chồng chéo không cần thiết.

 

Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản dự kiến đạt 8 tỷ USD trong cả năm 2017 (Ảnh: BT)

Theo số liệu ước tính sơ bộ của Tổng cục Thống kê, GDP nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng tăng 2,78%; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,92% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nông nghiệp tăng 1,97% (trồng trọt tăng 1,36%, chăn nuôi tăng 3,36%); lâm nghiệp tăng 5,04%; thủy sản tăng 5,52%.

Trong tháng 9, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mưa lũ lớn và bão đã gây thiệt hại lớn đến sản xuất và đời sống của người dân miền Bắc, miền Trung. Riêng lĩnh vực lâm nghiệp, bão số 10 đã gây thiệt hại 150.000ha rừng, trong đó có 36.000ha bị thiệt hại trên 70%. Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Tổng cục Lâm nghiệp chỉ đạo các cơ sở thu mua, chế biến gỗ nguyên liệu đảm bảo giá thu mua nguyên liệu gỗ bị gãy đổ do bão.

Tổng cục Lâm nghiệp dự báo, năm 2017 lâm nghiệp sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 6,6%. Hiện nay, số lượng khai thác rừng trồng tập trung 9 tháng đã đạt 13,2 triệu m3, tăng 10% so với năm 2016; giá trị xuất khẩu đạt 5,76 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ (dự kiến năm 2017 giá trị xuất khẩu đạt 7,6-7,8 tỷ USD). Theo Tổng cục Lâm nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phân bổ 1.210 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm nghiệp (390 tỷ năm 2016 và 820 tỷ năm 2017). Đây là nguồn kinh phí rất có ý nghĩa tại thời điểm này đối với các địa phương. Tổng cục cũng đã hoàn thiện văn kiện Chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ gửi Quỹ Đối tác Các-bon trong lâm nghiệp (FCPF).

Đến cuối tháng 9, tăng trưởng chăn nuôi duy trì ở mức tăng 3,36%. Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng chăn nuôi trong những tháng cuối năm sẽ gặp khó khăn nếu không chú ý chỉ đạo tăng đàn, chuyển đổi cơ cấu đàn vật nuôi. Đến tháng 9, số đầu lợn đã giảm 10% so với cùng kỳ và dịch lở mồm long móng đang xuất hiện tại một số tỉnh như: Cao Bằng, Sơn La, Lai Châu, Hà Tĩnh...Những yếu tố này có khả năng gây ảnh hưởng đến tăng trưởng của lĩnh vực chăn nuôi.

Theo Cục Chăn nuôi, chăn nuôi trâu, bò không có biến động lớn, gia cầm phát triển khá tốt. Riêng đối với nuôi lợn do giá bán tăng, giảm không ổn định nên người chăn nuôi không mặn mà với việc tái đàn, hiện chỉ có các hộ có quy mô nuôi lớn, trang trại, doanh nghiệp duy trì nuôi cầm chừng. “Có một xu hướng hiện nay khối chăn nuôi nông hộ giảm rất mạnh. Theo thống kê, dự kiến năm nay sẽ giảm khoảng 800-850 nghìn hộ, thậm chí có thể giảm đến 900 nghìn hộ” – lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết.

Tăng trưởng của lĩnh vực trồng trọt trong 9 tháng đầu năm đạt 1,36% (thấp hơn mức kế hoạch năm 2017 là 2%). Tính đến trung tuần tháng 9, cả nước đã gieo cấy đạt 1.571,7 nghìn ha lúa mùa, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước; gieo cấy được 2.101,2 nghìn ha lúa hè thu, tăng 0,6%. “Với diện tích và năng suất lúa như hiện nay, tăng trưởng lĩnh vực trồng trọt dự kiến sẽ đạt khoảng 1,9%. Cục Trồng trọt phối hợp cùng Vụ Kế hoạch sẽ thảo luận với Tổng cục Thống kê để rà soát lại năng suất theo đánh giá tại các tỉnh và tính lại phương pháp thống kê theo giá trị mà không nặng về thống kê sản lượng” - lãnh đạo Cục Trồng trọt cho biết. Đối với lĩnh vực trồng trọt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ Thực vật chú ý xử lý triệt để bệnh lùn sọc đen ở phía Bắc, tránh để lây lan, phát tán sang các vụ khác trong năm 2017. Bên cạnh đó, cần theo dõi chặt chẽ và hướng dẫn xử lý sâu bệnh trên hồ tiêu, cà phê, điều và cây ăn trái.

Về thủy sản, mặc dù tình hình mưa bão diễn biến phức tạp nhưng nhìn chung 9 tháng vừa qua, ngư trường thuận lợi trong Vụ cá Bắc, Vụ cá Nam; khai thác thủy sản trên biển theo mô hình tổ, đội đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn; hạn chế được những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai, sự cố kỹ thuật. Sản lượng khai thác 9 tháng ước đạt 2.635,8 nghìn tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng nuôi trồng 9 tháng đạt 2.813 nghìn tấn, tăng 6%. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 6 tỷ USD, dự kiến cả năm 2017 đạt 8 tỷ USD. Trên lĩnh vực này, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Thủy sản báo cáo, đánh giá toàn diện việc thực hiện Nghị định 67 và tiến độ sửa đổi Nghị định này; hoàn thiện dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) và báo cáo, rà soát việc thực hiện các quy định IUU (ngăn chặn, hạn chế và loại bỏ đánh bắt bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát) của Liên minh châu Âu (EU)./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực