Ngành nông nghiệp triển khai các giải pháp nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 3%

Thứ sáu, 12/01/2018 19:52
(ĐCSVN) - Trong năm 2018, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tối thiểu 3%, trong đó lĩnh vực trồng trọt đạt tối thiểu 2,2%, chăn nuôi 3%, thủy sản 5,5%, lâm nghiệp 6%.

Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 40 tỷ USD, trong đó các sản phẩm trồng trọt trên 21 tỷ USD, thủy sản khoảng 9 tỷ USD, lâm nghiệp trên 8,5 tỷ USD, các mặt hàng khác 1,5 tỷ USD. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 37% và 52 huyện đạt tiêu chí nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,6%.

Đây là những chỉ tiêu quan trọng được Ban cán sự Đảng Bộ NN&PTNT nêu ra tại Nghị quyết số 431-NQ-BCSĐ nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Xuất khẩu một số mặt hàng nông sản sẽ góp phần quan trọng trong đạt mục tiêu của ngành nông nghiệp đặt ra trong năm 2018 (Ảnh: BT)

Nghị quyết nêu rõ, năm 2017, ngành nông nghiệp triển khai kế hoạch trong bối cảnh rất nhiều khó khăn, thách thức như: biến đổi khí hậu phức tạp gây nhiều hình thái thời tiết dị thường, thiên tai xảy ra liên tiếp kéo dài quanh năm, trên khắp cả nước; thị trường tiêu thụ nông sản tiếp tục phải đối mặt với nhiều rào cản thương mại, cạnh tranh gay gắt; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Những hạn chế, yếu kém nội tại của ngành về quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán.

Tuy nhiên, nhờ sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo điều hành sâu sát của Chính phủ, giám sát của Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành và địa phương, sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân trên cả nước, vì vậy, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Trong đó, một số chỉ tiêu hoàn thành xuất sắc như kim ngạch xuất khẩu (đạt 36,37 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2016), xây dựng nông thôn mới (có 2.884 xã, tương đương 32,3% và 43 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 524 xã và 13 huyện so với năm 2016). GDP khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, giá trị sản xuất ngành tăng 3,16% so với năm 2016, đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm qua.

Nhằm đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2018, Nghị quyết nêu ra các giải pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp. Cụ thể, tập trung xây dựng, trình Chính phủ cho ý kiến và trình Quốc hội xem xét thông qua Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi; sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phòng, chống thiên tai. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là Luật Thủy lợi, Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản (sửa đổi) và các luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan. Hoàn thành tốt các văn bản quy phạm pháp luật được giao.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính; tiếp tục rà soát, bãi bỏ, cắt giảm 50% thủ tục hành chính và các điều kiện kinh doanh cụ thể, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tạo sự chuyển biến căn bản về xây dựng Chính phủ điện tử theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ, trọng tâm là tổ chức cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hải quan một cửa liên thông; tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất kinh doanh, quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, tiếp tục thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác để thu hút đầu tư xã hội vào nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Tiếp tục tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, hoàn thành sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ.

Thực hiện nhiệm vụ, giải pháp đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đồng bộ, hiện đại. Huy động các nguồn lực để phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, tăng cường năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, hợp tác sử dụng có hiệu quả, bền vững nguồn nước xuyên quốc gia; bảo vệ môi trường sinh thái.

Ngoài ra, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm nghiệm, thanh tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông lâm thủy sản; thực hiện kiểm tra tận gốc hàng nông lâm thủy sản nhập khẩu tạo thuận lợi cho việc thông quan tại cửa khẩu và giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra trong giai đoạn thông quan./.

 

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực