|
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. (Ảnh: Bộ GTVT) |
Ngày 24/8, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc đầu tư giai đoạn 2 tuyến đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận.
Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành giao Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nghiên cứu, xử lý đề xuất của các địa phương: TP.HCM, Tiền Giang, Long An và Tập đoàn Đèo Cả về việc đầu tư giai đoạn 2 tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
Trước đó, UBND các tỉnh: Tiền Giang, Long An, TP.HCM và Tập đoàn Đèo Cả đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất đầu tư mở rộng giai đoạn 2 của 2 tuyến cao tốc này. Lý do đưa ra là tình trạng phương tiện và nhu cầu vận chuyển hàng hóa của người dân tăng cao, việc đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận đang là vấn đề cấp thiết hiện nay.
Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, lưu lượng trên tuyến TP.HCM - Trung Lương tăng cao sau khi dừng thu phí, trung bình khoảng 51.000 lượt xe/ngày đêm. Lưu lượng tăng khiến tình trạng ùn ứ thường xuyên xảy ra, xe dàn hàng ngang, chạy vào làn khẩn cấp… tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Năng lực thông hành rất thấp, tốc độ khai thác trung bình giảm xuống trung bình còn 60 – 70km/h trong khi vận tốc thiết kế là 120km/h.
Riêng đối với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (giai đoạn 1) được thiết kế với vận tốc 80 km/h, gồm 4 làn xe hạn chế, tuyến chưa bố trí làn dừng khẩn cấp liên tục, mà chỉ bố trí điểm dừng khẩn cấp so le nhau khoảng cách thiết kế từ 4 - 5km.
Theo Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, trong khoảng 3 tháng đưa vào vận hành không thu phí (từ ngày 30/4 đến ngày 3/8/2022), tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã phục vụ hơn 2,2 triệu lượt xe với lưu lượng xe giai đoạn cao điểm lên tới 30.000 lượt xe/ngày đêm.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đánh giá, cao tốc này là tuyến đường huyết mạch quan trọng của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) mặc dù mới hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào vận hành, nhưng đã giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang. Đồng thời, đẩy nhanh sự liên thông kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực. Song, để đáp ứng đầy đủ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương cần mở rộng quy mô hoàn chỉnh theo quy hoạch 8 làn, bao gồm 6 làn xe cao tốc và 2 làn dừng khẩn cấp.
Chưa kể, với tình trạng, năng lực thông hành hiện tại của 2 tuyến cao tốc là hạn chế so với lượng phương tiện hiện tại dẫn đến chưa phát huy hiệu quả đầu tư, đặc biệt sau khi tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành hoàn thành kết nối với tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương dự kiến vào năm 2023 sẽ khiến lưu lượng trên tuyến tăng cao hơn nữa.
Ngoài ra, với sự phát triển kinh tế giữa các vùng miền Đông và Tây Nam bộ, vận chuyển hàng hóa, nhu cầu di chuyển của người dân tăng cao do kết nối vùng thuận tiện hơn sẽ gây quá tải nghiêm trọng cho tuyến cao tốc hiện tại.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng kiến nghị Bộ GTVT xem xét nghiên cứu đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cũng tại cuộc họp cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, UBND TP.HCM, UBND các tỉnh: Tiền Giang, Long An và Tập đoàn Đèo cả ngày 22/8 vừa qua liên quan đến đề xuất đầu tư giai đoạn 2 tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận; Tại đây, Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các địa phương đều thống nhất về sự cần thiết phải đầu tư ngay giai đoạn 2 của 2 tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương, Trung Lương – Mỹ Thuận để đồng bộ các tuyến, hiện thực hóa sự quan tâm của Chính phủ về việc kích hoạt sự phát triển kinh tế khu vực Tây Nam bộ.
Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã đề nghị các bên tiếp tục nghiên cứu và giao Vụ Đối tác - công tư (PPP) của Bộ tổng hợp, tham mưu Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2022.
Theo chủ trương phân cấp, phân quyền của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đề nghị các địa phương nơi có dự án đi qua chủ động đề xuất làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án theo quy định; và sẽ thống nhất và phối hợp chặt chẽ với địa phương trong quá trình triển khai. Đối với phương án đầu tư, các bên đã thống nhất sẽ nghiên cứu và thực hiện 2 dự án độc lập theo tính chất riêng của từng dự án để thuận tiện trong việc quản lý đầu tư và thu hút nguồn vốn, lựa chọn quy mô phù hợp để tranh thủ sớm thực hiện để giải quyết các vấn đề tồn tại, đảm bảo hiệu quả đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội.
Đối với dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương, sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 2 theo quy hoạch cần khoảng 8.200 tỷ đồng. Đơn vị tư vấn đề xuất triển khai theo phương thức PPP (hợp tác công tư) hợp đồng BTL (Xây dựng – Chuyển giao - Thuê dịch vụ) do có ưu điểm là sẽ không phải thu phí trực tiếp từ người sử dụng, nhưng phương án này cần phải xác định rõ nguồn thanh toán chi phí đầu tư và chi phí vận hành, lãi suất vay, lợi nhuận nhà đầu tư.
Trường hợp triển khai dự án theo hình thức PPP khác sẽ gặp vướng mắc hơn do chưa phù hợp với những quy định tại luật quản lý tài sản công và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP).
Trong khi đó dự án dự án Trung Lương - Mỹ Thuận, sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 2 khoảng 9.500 tỷ đồng, đơn vị tư vấn cho rằng việc thực hiện dự án theo hình thức BOT (Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao) là phương án tối ưu để thực hiện, nhưng cần đánh giá cụ thể các điều kiện đặc thù, riêng biệt để lựa chọn nhà đầu tư để thuận lợi trong quá trình triển khai thi công, vận hành, chia sẻ nguồn thu phí của 2 giai đoạn...
Trường hợp triển khai dự án này theo hình thức PPP khác đều không khả thi do chưa phù hợp theo Luật PPP, Luật Đầu tư công./.