Nguồn vốn tín dụng góp phần không nhỏ trong việc giảm nghèo vùng Tây Bắc

Thứ sáu, 26/08/2016 19:36

(ĐCSVN) - Trong những năm qua, Tây Bắc luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ để vùng phát triển, bộ mặt nông thôn ngày một thaỵ đổi, đời sống của người dân dần được cải thiện. Tuy nhiên, hiện nay kinh tế vùng Tây Bắc vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao hơn so với mặt bằng chung cả nước. Vì vậy, ngành ngân hàng đã dành nguồn vốn tín dụng góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững vùng Tây Bắc.

Mô hình chăn nuôi bò lai SIND chất lượng cao tại xã  Mường Cơi huyện Phù Yên  Sơn La
(Ảnh: T.L)

Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng cho người nghèo

 

Trong những năm qua, Tây Bắc luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ để vùng phát triển, bộ mặt nông thôn ngày một thaỵ đổi, đời sống của người dân dần được cải thiện. Tuy nhiên, hiện nay kinh tế vùng Tây Bắc vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn, hầu hết các tỉnh thuộc danh mục các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, giao thông đi lại chưa thuận lợi, tỷ lệ hộ nghèo cao hơn so với mặt bằng chung cả nước. Do đó, quan tâm giải quyết vấn đề an sinh xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo là một trong những yếu tố nền tảng để Tây Bắc phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh các chính sách đồng bộ của Đảng và Nhà nước, nguồn vốn tín dụng của ngành ngân hàng góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững vùng Tây Bắc. Trong những năm qua, ngành ngân hàng đã triển khai các giải pháp để hướng dòng vốn tín dụng thương mại tập trung vào các ngành, lĩnh vực, ưu tiên; xây dựng chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; triển khai chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp nhằm khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và thúc đẩy xuất khẩu, trong đó có sự tham gia tích cực của một số doanh nghiệp trên địa bàn.

Song song với nguồn vốn tín dụng thương mại, nguồn vốn tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp, thủ tục vay đơn giản, không cần thế chấp tài sản là một giải pháp quan trọng giúp người nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo ổn định cuôc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định an ninh chính trị và xây dưng nông thôn mới vùng Tây Bắc. Các chương trình tín dụng chính sách được triển khai thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hộ (NHCSXH) ở vùng Tây Bắc trong những năm qua tập trung cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu vốn sản xuất kình doanh; cho vay giải quyết việc làm, thu hút lao động nhàn rỗi; cho vay học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó  khăn cho vay hộ nghèo chưa có nhà ở an toàn…

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 6/2016, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn 12 tỉnh Tây Bắc đạt trên 148.000 tỷ đồng, tăng 7,95% so với cuối năm 2015, chiếm tỷ trọng 2,61% tổng nguồn vốn huy động toàn nên kinh tế. Tống dư nợ cho vay tại vùng Tây Bắc tính đến cuối tháng 6/2016 đạt trên 203.000 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cuối năm 2015, chiếm tỷ trọng 4% so với tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế.

Tuy nhiên, nguồn vốn huy động tại chỗ chỉ mới đáp ứng được gần 73% nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong vùng. Một phần nguồn vốn cho vay được hệ thống ngân hàng điều chuyển từ các khu vực khác sang đầu tư cho Tây Bắc. Điều này phản ánh những cố gắng của ngành ngân hàng trong việc ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đối với khu vực này.

Cụ thể, cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn các tỉnh khu vực Tây Bắc tính đến cuối tháng 6/2016 đạt trên 80.500 tỷ đồng, tăng gần 5% so với cuối năm 2015, chiếm tỷ trọng gần 40% tổng dư nợ tín dụng toàn vùng và chiếm 9% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn toàn quốc. Nhiều sản phẩm nông nghiệp trong khu vực Tây Bắc đã khẳng định được thương hiệu tại thị trường trong nước và nước ngoài, như chè Shan Tuyết, cam Hà Giang, cam Cao Phong, mận Bắc Hà... mang lại thu nhập cao cho người dân.

Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được ngành ngân hàng triển khai từ đầu năm 2014 được coi là công cụ hiệu quả mà ngành ngân hàng đã phối hợp với các cấp chính quyền địa phương thực hiện để từng bước tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay tiếp tục duy trì và ổn định sản xuất. Đến nay đã có 17.308 khách hàng (trong đó có 3.731 doanh nghiệp) trên địa bàn khu vực Tây Bắc đã được các ngân hàng tháo gỡ khó khăn với tổng số tiền hỗ trợ đạt hơn 50.606 tỷ đồng, trong đó cam kết cho vay mới đạt 46.275 tỷ đồng.

Tỷ lệ hộ nghèo của khu vực còn cao, do vậy bên cạnh hoạt động tín dụng thương mại, thời gian qua ngành ngân hàng đã đẩy mạnh hoạt động tín dụng chính sách nhằm thực hiện chương trình mục tiêu quôc gia giảm nghèo bên vững.

NHNN cho biết, ngoài việc chỉ đạo Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tích cực triên khai các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước đến các hộ nghèo, huyện nghèo NHNN cũng đã chủ trì, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách tín dụng đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; theo dõi, kịp thời phối  hợp với các Bộ, ngành, NHCSXH trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh giảm lãi suât va chủ động nâng mức cho vay các chương trình tín dụng chính sách phù hợp với điều kiện thị trường, cũng như đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Trong hơn 10 năm kể từ khi thành lập, NHCSXH đã tập trung nguồn vốn tín dụng ưu tiên đầu tư cho khu vực Tây Bắc, góp phần quan trọng thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện nghèo; từng bước tạo sự chuyển biến về đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc khu vực Tây Bắc. Giai đoạn từ năm 2003 đến tháng 6/2016, tổng doanh số cho vay đạt trên 72.300 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt trên 42.800 tỷ đồng, đã giúp trên 4,9 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn để đầu tư phát triến sản xuất, kinh doanh, phục vụ đời sống, góp phần giúp gần 714 ngàn hộ thoát nghèo; sô lao động được thu hút, tạo việc làm là trên 400 ngàn lao động, trong đó đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài là trên 27 ngàn lao động; giúp trên 368 ngàn học sinh sinh viên được vay vốn học tập; xây dựng được trên 953 ngàn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ hộ nghèo xây dựng được gân 152 ngàn căn nhà...

Có thể nói nguồn vốn tín dụng ngân hàng, cùng với các chương trình an sinh xã hội của ngành đã góp phần làm thay đổi diện mạo của khu vực Tây Bắc, kinh tế khu vực ngày càng phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua các năm.

Theo số liệu từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng Tây Bắc đã giảm từ 34,41% (năm 2010) xuống còn 18,26% (năm 2014), bình quân giảm 3,91%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ trong vùng đã giảm xuống còn 31,94% vào cuôi năm 2014, giảm 5,55% so với cuối năm 2013 và giảm 25,58% trong cả giai đoạn (bình quân giảm trên 6%/năm).

Vẫn còn những khó khăn...

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, qua quá trình triển khai công tác xóa đói giảm nghèo thông qua hoạt động tín dụng chính sách vùng Tây Bắc cho thấy mặc dù tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh, nhưng tỷ lệ hộ nghèo trung bình của vùng Tây Bắc hiện với tỷ lệ hộ nghèo trung bình của cả nước vẫn còn cao; nhiều địa phương, hộ nghèo còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước mà chưa tự lực vươn lên thoát nghèo...

Bên cạnh đó, theo số liệu ước tính kết quả điều tra hộ nghèo năm 2015 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020 từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khu vực Tây Bắc vẫn là khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất toàn quôc. Do vậy, để nâng cao chất lượng và hiệu quả nguồn vốn tín dụng ngân hàng nói chung và vốn tín dụng chính sách nói riêng, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định an ninh chính trị và xây dựng nông thôn mới vùng Tây Bắc.

Trao đổi với phóng viên báo chí, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chia sẻ, ngành ngân hàng sẽ cơ cấu lại nguồn vốn tín dụng dành cho xóa đói giảm nghèo. Thời gian qua NHCSXH đã tổ chức 22 chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước đến các hộ nghèo, huyện nghèo trên địa bàn nên hơi dàn trải. Điều này khiến 1 số chương trình sẽ bị thiếu nguồn vốn. Vì vậy, NHCSXH sẽ sắp xếp lại, cơ cấu lại chọn một số dự án lớn có tính trọng tâm quyết định hơn để tâp trung vốn làm trước.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng sẽ chủ động để nguồn vốn tín dụng đi trước giúp các dự án không bị động vấn đề vốn. Mấy năm gần đây ngành ngân hàng khẳng định sẵn sàng nguồn vốn cho doanh nghiệp nếu như doanh nghiệp chủ động tích cực tìm các dự án, tìm kiếm các hoạt động kinh doanh phù hợp với điều kiện sản xuất của bà con. NHCSXH sẵn sàng cùng với các ngành hỗ trợ các hoạt động khuyến ngư, khuyến nông, hỗ trợ thị trường hỗ trợ bao thu sản phẩm...

Ông Tú khẳng định, đối với người nghèo  nguồn vốn tín dụng chính là cần câu cơm của người nghèo. Tức là có cho vay, có thu nợ có luân chuyển vốn, có tạo vòng quay vốn điều này buộc người nghèo có ý thức sử dụng nguồn vốn đó có hiệu quả. Đầu tư vào sản xuất  chăn nuôi, trồng trọt, có sản phẩm, chú tâm vào việc bán sản phẩm tạo nguồn thu để trả tiền nợ gốc và lãi vay mặc dù lãi suất cho vay rất thấp nhưng mà người nghèo ý thức trong việc sử dụng nguồn vốn, chính sách của nhà nước dành cho người nghèo.

Trong thời gian tới ngành ngân hàng sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực thế mạnh của khu vực Tây Bắc, trong đó tập trung cho vay đôi với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, thủy điện, khai khoáng, du lịch nhằm tạo ra sự lan tỏa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của khu vực.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo, tạo điều kiện để NHCSXH thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác tại khu vực Tây Bắc nhằm góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra ngành ngân hàng sẽ tập trung nguồn vốn trong và ngoài nước để thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, ôn định an ninh chính trị…/.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực