Nhiều sản phẩm sáng tạo quy tụ về Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam 2022

Thứ ba, 25/10/2022 16:29
(ĐCSVN) – Tính đến nay, Ban tổ chức đã nhận 364 sản phẩm của 190 tác giả, nhóm tác giả của cả 3 miền Bắc, Trung và Nam tham dự Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam 2022. Hội thi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phát động từ tháng 6/2022 đến đông đảo nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế, các tổ chức, cá nhân, các Hiệp hội và các cơ quan quản lý ở các địa phương.

Trong số 364 tác phẩm dự thi, miền Bắc có tới 247 sản phẩm của 126 tác giả; miền Trung có 32 sản phẩm của 15 tác giả; miền Nam có 85 sản phẩm của 49 tác giả. Các sản phẩm được phân theo nhóm gồm: nhóm gốm sứ và thủy tinh (37 sản phẩm); nhóm dệt, thêu đan, móc (83 sản phẩm); nhóm mây, tre, lá (93 sản phẩm); nhóm sơn mài, khảm trai, gỗ mỹ nghệ (75 sản phẩm) và nhóm khác (76 sản phẩm) với các thể loại: sừng, trai ốc, chạm khắc đá, kim khí, hoa, tranh.

 Con rối nước và rối cạn làm từ gỗ - sản phẩm đặc trưng nhưng phổ biến của nghệ nhân Việt

Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và phát triển, thành viên Ban tổ chức Hội thi, Chủ tịch Hội đồng giám khảo, Hội thi được xuất phát từ việc cần phát huy tiềm năng phát triển của lĩnh vực ngành nghề nông thôn, sự đa dạng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề Việt Nam và xu hướng người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn về sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, nguồn gốc xuất xứ và tính hợp pháp của nguyên liệu sử dụng, các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm và sức khỏe...

Thống kê của Hiệp hội làng nghề Việt Nam nêu rõ, đến hết năm 2021, cả nước công nhận được 181 nghề truyền thống, 1.983 làng nghề, làng nghề truyền thống và có 54 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống. Tổng số cơ sở tham gia sản xuất kinh doanh các làng nghề năm 2021 là khoảng 213.000 cơ sở, trong đó có gần 2.000 doanh nghiệp, 350 hợp tác xã, 330 tổ hợp tác và 210.000 hộ gia đình; tạo việc làm cho trên 672.000 lao động, thu nhập bình quân đạt 4-4,5 triệu đồng/người/tháng. Tổng doanh thu từ các hoạt động ngành nghề nông thôn trong các làng nghề đã được công nhận năm 2021 đạt gần 60 nghìn tỷ đồng. Một số sản phẩm ngành nghề nông thôn đạt được kết quả xuất khẩu cao như: sản phẩm mây, tre, cói và thảm đạt trên 878 triệu USD (tăng 43,8% so với năm 2020); sản phẩm gốm, sứ đạt trên 674 triệu USD (tăng 16,1% so với năm 2020).

Cũng theo ông Lê Đức Thịnh, Hội thi nhằm khơi dậy tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế của lĩnh vực ngành nghề nông thôn nói chung và của làng nghề nói riêng. Đồng thời, cũng cố và xây dựng đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi đang. Chính phủ, Thủ tướng chính phủ đã ban hành  Nghị định 52/2018/NĐ-CP và gần đây nhất Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 07/07/2022 phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 với các giải pháp cụ thể, đồng bộ để thúc đẩy việc phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề ở các địa phương trong thời gian tới.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp bổ sung thêm, Hội thi cũng nhằm tiếp tục động viên, khuyến khích, tôn vinh, phát huy ý tưởng sáng tạo của các nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, tạo môi trường để các nghệ nhân, thợ giỏi giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, kết nối xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm; góp phần vào việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và lan toả các giá trị truyền thống đến người dân, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. “Kết quả Hội thi sẽ liên tục được tuyên truyền, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, các ấn phẩm... để kết nối giữa các làng nghề với doanh nghiệp, hợp tác xã; tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền nghề, cấy nghề của các nghệ nhân, thợ giỏi hàng thủ công mỹ nghệ. Đồng thời, qua đó, các tác giả có cơ hội để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Song song, đó cũng là cơ hội để các nghề, làng nghề khác nhau có thể kết hợp để tạo ra những sản phẩm mới có giá trị cao: như sự kết hợp mây tre đan với gốm sứ; thuê dệt với gốm, thuỷ tinh... tạo ra sản phẩm làm quà tặng, quà biếu… góp phần bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống của Việt Nam cũng như tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi và các cá nhân đạt giải Hội thi” – ông Nguyễn Minh Tiến nói.

Được biết, từ năm 2020, Bộ NN&PTNT đã tổ chức thành công Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam, qua đó đã thu hút được 174 nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế, các tổ chức, cá nhân và 339 sản phẩm tham gia Hội thi. Sau Hội thi, các sản phẩm đạt giải đã được giới thiệu, quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng; nhiều làng nghề, làng nghề truyền đã kết nối tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, hợp tác xã; các nghệ nhân, thợ giỏi cũng được nhiều lao động biết đến để theo học nghề thủ công mỹ nghệ.

Trong họp báo diễn ra sáng 25/10 tại Hà Nội, Ban tổ chức đã thông tin cụ thể về Hội thi, trong đó cho biết, ngày 02/11/2022 sẽ diễn ra Lễ trao giải tại khuôn khổ Lễ khai mạc Festival làng nghề Việt Nam năm 2022 tại tầng 2, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp số 489 Hoàng Quốc Việt, Q. Cầu Giấy, TP Hà Nội. Đồng thời, các sản phẩm đạt giải cùng một số tác phẩm đẹp sẽ được trưng bày tại Hội chợ làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18 (2022) từ ngày 02/11/2022 đến ngày 06/11/2022.

Ông Lê Huy Văn, nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, thành viên Ban giám khảo thông tin tại họp báo  

Cũng tại họp báo, đánh giá bước đầu về các tác phẩm dự thi, ông Lê Huy Văn, nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, thành viên Ban giám khảo đã bày tỏ vui mừng vì năm 2022 này ghi nhận quy mô tham dự đông đủ với nhiều thể loại, nhiều công nghệ mới được các nghệ nhân trẻ ứng dụng và tạo ra bước đột phá trong các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Dịp này, các nhà quản lý, các chuyên gia và các đại biểu tham dự họp báo cũng bày tỏ quan điểm về vấn đề bản quyền của các tác phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam trong bối cảnh chuyển đối số và thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Bên cạnh đó, vẫn mong muốn các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu thị hiếu mới cũng như góp phần quảng bá sâu sắc hơn hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.

Xin giới thiệu một số hình ảnh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đa dạng tham dự Hội thi lần này:

 Sản phẩm về may mặc thủ công
Sản phẩm tranh  
 Sản phẩm đan len
 Tranh bản đồ Việt Nam ghép từ các lá bồ đề
Mô hình chùa Một Cột 
Các sản phẩm mô phỏng tem thư 
Bộ tranh gỗ bốn mùa 
Bộ bình gốm khắc họa hình ảnh người nông dân Việt Nam 
Tin, ảnh: Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực