Nhiều vấn đề từ “đầu vào” các dự án nhiệt điện

Thứ tư, 17/03/2010 14:44


Ảnh minh họa

Tình trạng chung của các dự án nhiệt điện than hiện nay là chậm tiến độ nhiều năm, trong khi nhu cầu đưa các nhà máy nhiệt điện vào sử dụng ngày một cần hơn do sự hạn chế của các nguồn năng lượng khác. Nhiều chủ đầu tư các dự án nhiệt điện than đã nói đến 3 nguyên nhân của tình trạng này.

Chuẩn bị đầu tư nhiều vướng mắc

Ông Nguyễn Phú Gia, đại diện Ban đầu tư các dự án điện của tập đoàn Điện lực (EVN) nói rằng tập đoàn của ông gặp rất nhiều khó khăn về quy hoạch, giải phóng mặt bằng các dự án điện, trong đó có nhiệt điện than.

Quan điểm này được đại diện của Ban quản lý dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (do EVN làm chủ đầu tư) bổ sung thêm rằng địa điểm xây dựng nhà máy chưa được xác định rõ ràng (chưa phân định rõ khu vực quy hoạch chung của trung tâm nhiệt điện với dự án, hoặc dự án nhiệt điện với dự án cảng Vĩnh Tân…) nên ảnh hưởng đến tư vấn, thiết kế, quy hoạch, công nghệ.

Ông Nguyễn Đức Thảo, Trưởng ban điện của tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam (TKV) cho rằng, kể từ khi TKV tham gia vào các dự án nhiệt điện đến nay là 11 năm nhưng vấn đề nổi cộm nhất là chậm tiến độ chuẩn bị đầu tư. Khi lập quy hoạch thì mất từ 1 đến 2 năm và giai đoạn này có những vấn đề ngoài tầm kiểm soát của chủ đầu tư, ông Thảo nói.

Còn ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng giải thích việc chồng chéo các quy hoạch ở địa phương, không có cơ quan quy hoạch tổng thể điều phối hoặc điều phối không tốt dẫn đến việc quy hoạch các dự án nhiệt điện than đã bị chậm lại. “Nhiệm kỳ của UBND tỉnh khóa trước đã cho phép vị trí đó được xây nhà máy, nhưng lãnh đạo tỉnh khóa sau lại không cho”, ông ví dụ. Hoặc có quy hoạch rồi nhưng việc xin ý kiến các bộ có liên quan về việc quy hoạch địa điểm nhà máy có gây ảnh hưởng gì không cũng còn phải chờ dài.

Nhà thầu kém

Các đại diện chủ đầu tư dự án nhiệt điện trong cả nước đã trình bày thêm những ý kiến khác về việc chậm tiến độ khi được Bộ Công Thương mời dự hội thảo về “Nguyên nhân, hành động và giải pháp để đưa các dự án nhiệt điện than vào hoạt động” được tổ chức hôm 16-3, tại Hà Nội.

Rất nhiều nhà thầu các dự án nhiệt điện ở Việt Nam hiện nay đến từ Trung Quốc. “Ở dự án Nhiệt điện Uông Bí (330 MW, hiện đang trong giai đoạn lắp đặt thiết bị), nhà thầu Trung Quốc lúng túng trong 6 tháng đầu”, ông Lê Văn Thanh, Phó giám đốc dự án nói. Ông cho biết thêm, nhà thầu nghĩ rằng, hợp đồng ký kết theo hình thức “chìa khóa trao tay” thì cứ thế mà làm, không phải trình duyệt chủ đầu tư theo giai đoạn. Nhưng chủ đầu tư quy định là phải báo cáo tiến độ theo giai đoạn nên tổng thầu lúng túng.

Ông Nguyễn Phú Gia của Ban đầu tư EVN cho rằng nhà thầu Trung Quốc thường không có lịch làm việc cho từng tuần, từng tháng trong giai đoạn nhận thầu nhưng Việt Nam yêu cầu phải có.

Vấn đề lựa chọn nhà thầu, theo cách giải thích của ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, là do suất đầu tư, giá điện không hợp lý, tính toán trên giấy và phê duyệt thực tế khác xa nhau nên không chọn được những nhà thầu có năng lực tốt.

Nguyên liệu đầu vào không đạt chất lượng

Chủ đầu tư hầu hết các dự án nhiệt điện hiện nay lo hàng đầu về chất lượng đầu vào nhiên liệu và nguồn than không ổn định. Theo đại diện tập đoàn Dầu khí - chủ đầu tư 5 dự án nhiệt điện than, nguồn than hiện nay có vướng mắc về chủng loại, chất lượng. Mỗi dự án nhiệt điện dùng một loại than khác nhau vì chất lượng than cung cấp không đồng nhất, các chỉ tiêu kỹ thuật khác cũng thấp hơn tiêu chuẩn quốc tế khiến cho chi phí vận hành cao hơn, tư vấn, thiết kế ngay từ đầu đã khó khăn dẫn đễn chậm tiến độ.

Ông Nguyễn Việt Dũng, đến từ Công ty Tư vấn xây dựng điện 2 (hiện đang tư vấn cho các dự án nhiệt điện ở Vĩnh Tân và Duyên Hải), cho rằng than antraxit của Việt Nam dùng cho các nhà máy điện là than xấu nên ảnh hưởng đến chi phí đầu tư và vận hành. Việc quy hoạch nguồn than nội cho các dự án cũng vướng khiến cho có dự án sau khi hoàn thành quy hoạch rồi thì quay lại việc lúng túng với dự án nguồn than.

“Chúng ta rất cần có những quy định cụ thể về quota phát thải theo tiêu chuẩn quốc tế. Nếu mỗi dự án nhiệt điện không tuân thủ một quy trình chung thì việc xử lý sau này rất tốn kém và khiến dự án gây ra những tác động môi trường khó giải quyết”, ông Dũng đề nghị./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực