Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc năm 2017 đạt khoảng 41,45%. (Ảnh: BT)
Cụ thể, thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, tính đến 25/12, trồng rừng tập trung đạt 235.028 ha, đạt 102,4 % kế hoạch. Trồng cây phân tán đạt 60.978 triệu cây, đạt 122% kế hoạch năm. Cùng với đó, chăm sóc rừng trồng 528.895 ha, đạt 123% kế hoạch năm.
Về công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, trong năm 2017, số vụ vi phạm đã giảm 23% và diện tích thiệt hại giảm 68% so với năm 2016. Cơ bản các hành vi, vụ việc vi phạm đã giảm cả về số lượng và quy mô. Tổng số vụ vi phạm đã được xử lý gồm 13.188 vụ; tịch thu 17.179 m3 gỗ các loại (giảm 45% so với năm 2016); thu nộp ngân sách trên 163 triệu đồng.
Cùng với đó, thực hiện tái cơ cấu và chỉ tiêu phát triển ngành, các chỉ tiêu chính của ngành lâm nghiệp đều đạt ở mức độ cao. Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc năm 2017 đạt khoảng 41,45%. Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp tăng bình quân 6,57%/năm, năm 2017 đạt khoảng 6,6%.
Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng tập trung đạt khoảng 18 triệu m3, vượt 6% so với kế hoạch năm 2017, tăng 4% so với năm 2016. Dịch vụ môi trường rừng cả năm thu được 1.675,581 tỷ đồng, đạt hơn 102% kế hoạch năm 2017, bằng 130% so với năm 2016.
Đặc biệt, trên lĩnh vực xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tổng giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 7.974 triệu USD, vượt 5% kế hoạch và tăng 9,2% so với năm 2016. Trong đó 3 thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng năm 2017 là Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản, chiếm 70,4% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Nhìn chung, trong năm 2017, ngành lâm nghiệp đã nỗ lực, tập trung chỉ đạo điều hành, phối hợp với các đơn vị, địa phương thực hiện hoàn thành nhiệm vụ đặt ra. 5/6 chỉ tiêu kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng vượt kế hoạch. Thị trường sản phẩm gỗ và lâm sản phát triển, tạo điều kiện cho chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ được duy trì, phát triển; xuất khẩu gỗ và lâm sản tiếp tục tăng cao. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, tạo được nguồn ngân sách quan trọng để hỗ trợ người dân thực hiện công tác bảo vệ rừng.
Dù vậy, theo đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp, bên cạnh những kết quả quan trọng, ngành lâm nghiệp vẫn còn một số tồn tại hạn chế. Trong đó, kết quả trồng rừng ven biển, trồng rừng thay thế còn thấp, chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch. Nhiều địa phương chưa tích cực chỉ đạo trồng thâm canh và chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ lớn. Cùng với đó, chưa kiểm soát được chất lượng giống cây trồng do các tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn trồng rừng. Công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng có nhiều tiến bộ song vẫn còn những điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ.
Đóng góp của ngành lâm nghiệp đối với phát triển kinh tế quốc dân chưa tương xứng với tiềm năng. Tỷ trọng giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp thấp, chỉ chiếm khoảng 3-3,3% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Mặc dù độ che phủ rừng tuy đã tăng, nhưng chất lượng rừng và tính đa dạng sinh học của rừng tự nhiên vẫn còn suy giảm ở một số địa phương (80% diện tích rừng tự nhiên là rừng nghèo).
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, trong năm 2018, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt từ 5,5% đến 6%. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt trên 8 tỷ USD. Cùng với đó duy trì ổn định 25 triệu việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng, gắn với xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Về các chỉ tiêu cụ thể, phấn đấu bảo vệ và phát triển bền vững đối với 100% diện tích rừng hiện có. Ngăn chặn và xử lý kịp thời có hiệu quả các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, giảm 15-20% số vụ vi phạm và diện tích rừng bị thiệt hại so với năm 2017.
Chỉ tiêu trồng rừng đạt khoảng 195.000 ha, trong đó trồng rừng phòng hộ, đặc dụng 15.000 ha; trồng rừng sản xuất 180.000 ha. Chuyển hóa 15.000 ha rừng trồng hiện có sang kinh doanh nguyên liệu gỗ lớn. Khoanh nuôi tái sinh 360.000 ha, trong đó, khoanh nuôi tái sinh chuyển tiếp 310.000 ha, khoanh nuôi tái sinh mới 50.000 ha. Trồng cây phân tán 50 triệu cây.
Nhằm đạt được các mục tiêu trên, ngành lâm nghiệp sẽ tập trung vào các giải pháp trọng tâm. Trong đó, xây dựng và tổ chức triển khai các văn bản quy phạm pháp luật. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đóng cửa rừng tự nhiên trên toàn quốc, Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 – 2020; tổ chức giám sát chặt chẽ, thường xuyên việc thực hiện Chương trình tại các Bộ, ngành, địa phương. Đồng thời thực hiện công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo đúng quy định của pháp luật, trồng rừng thay thế, sử dụng mọi biện pháp mạnh trong việc đôn đốc, quy trách nhiệm trong việc chậm trồng rừng thay thế.
Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, điều phối thực hiện 4 kế hoạch trong Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, đặc biệt chú trọng vào công tác quản lý chất lượng giống. Tiếp tục triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để tăng nguồn lực cho bảo vệ và phát triển rừng, khẩn trương hoàn thành công tác giải ngân để chi trả cho chủ rừng.
Ngoài ra, hướng dẫn, sắp xếp ổn định hệ thống tổ chức ngành lâm nghiệp ở địa phương đảm bảo quản lý hiệu lực, hiệu quả; chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm, năng lực và điều kiện làm việc cho đội ngũ kiểm lâm địa bàn. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, từ tạo giống, trồng, chăm sóc rừng đến công nghệ chế biến nhằm nâng cao năng suất, giá trị rừng trồng./.