Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là vấn đề chiến lược

Thứ sáu, 10/06/2022 15:33
(ĐCSVN) - Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp nước ta vẫn giữ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo lương thực, thực phẩm, an sinh xã hội. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng đang đối mặt với thách thức lớn từ nội tại tới khách quan, do đó, sẽ cần phải phát triển theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái.

Cần thiết phát triển chuỗi liên kết nông nghiệp

 Nông nghiệp là "trụ đỡ" của nền kinh tế khi bị dịch bệnh tác động nặng nề (Ảnh: HNV)

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định, cần thiết phải phát triển chuỗi liên kết trong nông nghiệp mà bắt đầu từ xây dựng vùng nguyên liệu, qua đó chuẩn hóa đầu vào, đáp ứng và đảm bảo chuẩn mực đầu ra. Bộ trưởng nêu rõ không thể xây dựng chuỗi ngành hàng cho từng hộ, mà cho từng vùng nguyên liệu, vùng sinh thái. Ngoài vai trò của Nhà nước, cần chú trọng vai trò của doanh nghiệp trong xây dựng ngành hàng, đặc biệt trong nâng cao chất lượng của các hợp tác xã để phát triển vùng nguyên liệu.

“Có thể thấy, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thì ngành nông nghiệp nước ta vẫn giữ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo lương thực, thực phẩm, an sinh xã hội. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng đang đối mặt thách thức lớn từ nội tại tới khách quan như biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến đổi xu hướng tiêu dùng của thế giới. Do đó, tới đây, nền nông nghiệp Việt Nam sẽ phát triển theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người” – Bộ trưởng nói.

Cũng theo Bộ trưởng, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi Luật Hợp tác xã theo hướng để hợp tác xã dễ tiếp cận những điều kiện thuận lợi hơn về đất đai và vốn phát triển. Tuy nhiên, cần phải nâng cao năng lực quản trị, năng lực thị trường của các hợp tác xã. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp cùng các địa phương triển khai các biện pháp hỗ trợ để hợp tác xã phát huy được vai trò của mình.

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, chúng ta đã hội đủ tất cả những điều kiện thiên thời - địa lợi - nhân hòa, có thể huy động các nguồn lực đồng thời cũng đủ điều kiện về mặt thị trường, đó là nhu cầu - điểm cuối của chuỗi giá trị toàn cầu cũng như trong nước. Thực tế cho thấy nông sản xuất khẩu của nước ta vẫn chưa ổn định về mặt giá cả cũng như thị trường. Con đường mà chúng ta phải tổ chức sản xuất là theo chuỗi giá trị nông sản, liên kết chặt chẽ giữa DN, HTX với người nông dân. Trong đó, HTX đóng vai trò kết nối nông dân với DN, với thị trường. Đây chính là bài toán đầu ra cho nông sản. "Trong chuỗi giá trị nông sản, việc áp dụng công nghệ cao là con đường tất yếu, như vậy mới có thể cạnh tranh trên toàn cầu cũng như tại thị trường nội địa. Với tất cả mô hình chuỗi, từ nông dân cho tới siêu thị, từ nông dân tới chế biến, người sản xuất nguyên liệu đầu vào là nông dân phải sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, phải làm thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, mã vạch để tự chủ trong việc tiêu thụ", Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo nói.

Nhanh chóng chuyển từ sản xuất sang kinh tế nông nghiệp

Đồng quan điểm trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, chưa bao giờ ngành nông nghiệp Việt Nam có một bước phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Đáng chú ý, nền nông nghiệp Việt Nam đã chuyển từ sản xuất đủ ăn đáp ứng được nhu cầu của người dân cho đến xuất khẩu đạt tỷ trọng cao. Diện mạo của nông thôn thay đổi nhanh chóng, đời sống nhân dân được cải thiện hết sức rõ rệt.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, có được kết quả này trước hết là nhờ vào sự nỗ lực, chăm chỉ, chịu thương, chịu khó sáng tạo cho người nông dân; chủ trương lãnh đạo của Đảng và sự chỉ đạo, điều hành của Chính chủ, đặc biệt là của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Cũng theo Bộ trưởng, để ngành nông nghiệp phát triển bền vững và người dân yên tâm sản xuất, trách nhiệm này thuộc về các bộ, ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, trước hết là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước đối với ngành cần dùng các công cụ điều hành chiến lược, quy hoạch, chính sách, kế hoạch để có được sự phát triển trong thời gian tới; cần căn cứ vào Nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, thay đổi ngay tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, hướng tới hiệu quả cao; không tối đa hóa sản lượng mà tối ưu hóa giá trị…

Đồng bộ đổi mới sản xuất kinh doanh nông nghiệp

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, thực tiễn hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, ngành nông nghiệp đã có nhiều đột phá để phát triển và có những bước tiến vượt bậc trên các lĩnh vực, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Trong đó, nổi bật nhất là xuất khẩu nông sản tăng 16,8% các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực. Tiếp tục duy trì xuất khẩu hồ tiêu đứng đầu thế giới; xuất khẩu cà phê đứng thứ hai thế giới; xuất khẩu gạo đạt gần 3 triệu tấn, tăng 10,3%; xuất khẩu rau quả đạt 1,4 tỷ USD, xuất khẩu thủy sản đạt 4,79 tỷ USD tăng 46,3% xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 7,2 tỷ USD tăng 6,9% đây là những kết quả rất đáng khích lệ, tiếp tục khẳng định nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế.

Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, tới đây, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp từ khâu đầu tư, nghiên cứu chọn tạo giống đến quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán để các sản phẩm nông nghiệp sớm được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn, từng bước giảm xuất khẩu tiểu ngạch, hạn chế tình trạng ùn ứ hàng hóa. Hỗ trợ tín dụng miễn giảm các loại phí thuế để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất vật tư nông nghiệp, phân bón; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp.

Nông nghiệp, nông dân, nông dân, nông thôn luôn là vấn đề chiến lược, là cơ sở và lực lượng đặc biệt quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng và ưu tiên nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Điều quan trọng lúc này là toàn hệ thống chính trị sẽ cùng làm rõ thêm thực trạng, tình hình hiện nay và những phương hướng, giải pháp chủ yếu như tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, nông nghiệp sinh thái bền vững, hiệu quả cao gắn với xây dựng nông thôn mới, lấy người nông dân là chủ thể và trung tâm xây dựng chương trình hành động với các chiến lược, kế hoạch, đề án, giải pháp cụ thể để triển khai có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được nêu tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 Khóa 13 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045./.

Lê Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực