45 năm đã trôi qua, vết thương chiến tranh vẫn còn đó. Toàn huyện hiện có 10.763 gia đình chính sách, 8 Anh hùng lực lượng vũ trang, 270 Mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện 50 mẹ còn sống). Những con số đó đã nói lên tinh thần anh dũng bất khuất, những mất mát của nhân dân Long Mỹ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
|
Được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước và đồng thuận của người dân diện mạo nông thôn Long Mỹ đang đổi thay. |
Sau chiến tranh, Long Mỹ từng bước khôi phục lại kinh tế, với ngành mũi nhọn là sản xuất nông nghiệp. Còn nhớ trước đây, những địa danh như Vĩnh Viễn, Lương Tâm, Lương Nghĩa, Vĩnh Thuận Đông hay Xà Phiên từng “nổi tiếng” về sự xa xôi, hệ thống giao thông còn nhiều cách trở, điều kiện đi lại của người dân chủ yếu bằng ghe, xuồng. Thế nhưng cùng với sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, người dân còn nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực xây dựng xóm, ấp ngày càng phát triển, xanh- sạch- đẹp.
Đảng bộ, chính quyền huyện Long Mỹ luôn ý thức, xác định rõ nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) sẽ góp phần nâng cao đời sống, kinh tế cho người dân. Ông Trần Văn Hùng, ở ấp 8, xã Thuận Hưng tâm sự: “Thuận Hưng hôm nay đã thay da đổi thịt, đường xá khang trang, sạch sẽ, xe chạy tấp nập, nhà nào cũng có điện thắp sáng. Ngày xưa, đâu được như thế, dân chúng tôi phải thắp đèn dầu, muốn xem tivi phải lội sình lầy đi vài cây số. Có thể nói xây dựng NTM là chủ trương đúng đắn của Nhà nước, nên ngay khi triển khai, người dân đã đồng thuận cao. NTM thật sự đã làm thay đổi quê hương quá nhiều”.
Thời gian qua, huyện Long Mỹ xác định đúng trọng tâm, trọng điểm trong phát triển kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp gắn với đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, xây dựng NTM và phát triển đô thị vệ tinh. Lồng ghép và sử dụng hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia như nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; việc làm và dạy nghề; giảm nghèo và phát triển bền vững; y tế, giáo dục, văn hóa, ứng phó biến đổi khí hậu…gắn với chương trình xây dựng NTM.
Trong đó, tổng giá trị sản xuất (giá so sánh) cuối năm 2019 đạt 3.518 tỷ đồng. Sản lượng lúa cả năm đạt 107% kế hoạch; nông dân huyện tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nên lợi nhuận trên cùng một diện tích tăng so các năm trước. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển ổn định. Tính đến nay, Long Mỹ có gần 3.000 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ hoạt động. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng (theo giá so sánh) năm 2019 đạt 717 tỉ đồng, đạt trên 100%; giá trị thương mại, dịch vụ đạt 100%.
Anh Nguyễn Thành Hôn, ở ấp 7, xã Vĩnh Thuận Đông cho hay, trước đây, hơn 3 công đất vườn nhà anh trồng quýt và cam nhưng không mang lại hiệu quả do dịch bệnh, vì thế anh mạnh dạn cải tạo lại đất, đặt tràm trồng tiêu. Sau 2 năm, 3 công tiêu đã cho thu hoạch, sản lượng tiêu dự kiến khoảng 600kg, với giá từ 190.000 – 210.000 đồng/kg tiêu khô sẽ giúp kinh tế gia đình anh phát triển bền vững.
Theo đồng chí Đặng Hoàng Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ cho biết, xây dựng NTM là nền tảng để thúc đẩy phát triển kinh tế. Nhận thức được tầm quan trọng đó, Long Mỹ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân góp công, góp của xây dựng MTM. Phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, các tầng lớp nhân dân Long Mỹ đã tích cực đóng góp công sức vào sự phát triển chung của quê hương Anh hùng. Chỉ tính trong xây dựng nông thôn mới, năm qua Long Mỹ đã huy động được 61,1 tỷ đồng làm đường giao thông, trong đó nhân dân đóng góp 21,7 tỷ đồng.
“Thực tế, Long Mỹ đã có bước chuyển mình đáng ghi nhận. Đời sống người dân nâng lên, nếu năm 2015, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 28,6 triệu đồng/người/năm, thì hết năm 2019, đạt đến 38,5 triệu đồng/người/năm; có trên 97% hộ dân sử dụng nước sạch. Đến nay, huyện Long Mỹ đã có 4/8 xã về đích NTM. Từ đó, rút dần khoảng cách giữa thành thị và vùng nông thôn”, đồng chí Đặng Hoàng Vũ cho biết thêm.
Chia sẻ về những định hướng phát triển của huyện Long Mỹ trong thời gian tới, đồng chí Tống Hoàng Khôi, Bí thư Huyện ủy Long Mỹ nhấn mạnh, Long Mỹ đang khẩn trương chuẩn bị chu đáo và tiến tới tổ chức thành công đại hội Đảng bộ cơ sở và Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 – 2025 gắn với sắp xếp, bố trí cán bộ trước, sau đại hội và triển khai thực hiện nghị quyết nhiệm kỳ mới. Với tiềm năng nông nghiệp, nông thôn nên sẽ tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, chú trọng quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh, phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, quy mô lớn đáp ứng nhu cầu thị trường cả về chất lượng và số lượng, trong đó chú trọng xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm cây ăn trái, gắn với việc liên kết, bao tiêu nhằm ổn định đầu ra nông sản. Ngoài ra, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động cũng là một điểm nhấn quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương./.