Vùng nông thôn Trà Vinh đang đổi thay
|
Từ các nguồn vốn cùng sự chung sức của người dân, diện mạo phum sóc xã Huyền Hội (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) ngày càng khởi sắc
|
Sau 12 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với nhiều cách làm sáng tạo, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chủ động, tự giác thực hiện của người dân, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh Trà Vinh đã đạt được những thành quả lớn với các chỉ tiêu về NTM vượt kế hoạch đề ra. Đây là tiền đề để Trà Vinh phấn đấu xây dựng tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, Phó trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia và Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh Trần Trường Giang: Đến nay, Trà Vinh có 82/85 xã đạt chuẩn NTM, 27 xã NTM nâng cao; 6/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt gần 60 triệu đồng (tăng khoảng 48 triệu đồng so với năm 2011). Từ phong trào thi đua “Trà Vinh cùng cả nước chung sức XDNTM”, hiện Trà Vinh có 93,4% hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa, NTM; 98% ấp đạt chuẩn ấp văn hoá, NTM (trong đó có 32 ấp NTM kiểu mẫu); 82/85 xã đạt 19 tiêu chí NTM (trong đó có 27 xã NTM nâng cao), 06/09 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
“Qua kết quả rà soát cuối năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025, Trà Vinh còn 5.661 hộ nghèo (chiếm 1,97%) giảm 4.546 hộ, vượt 1,09% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 653/QĐ-TTg ngày 28/5/2022). Trong đó, hộ nghèo dân tộc Khmer còn 3.410 hộ (chiếm 3,8% hộ dân tộc Khmer), giảm 3.052 hộ đạt chỉ tiêu UBND tỉnh đề ra giảm từ 1% trở lên); hộ cận nghèo còn 12.089 hộ (chiếm 4,22%) – ông Giang cho biết.
Phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM trước năm 2025
Phát huy thành quả đạt được, UBND tỉnh Trà Vinh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, với tổng mức vốn thực hiện khoảng 32.314 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương trên 398 tỷ đồng, ngân sách tỉnh trên 597 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn lồng ghép, tín dụng, doanh nghiệp, nguồn huy động đóng góp tự nguyện từ người dân và cộng đồng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh, ông Lê Văn Hẳn cho biết: Trà Vinh đặt mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trước năm 2025. Theo đó, năm 2023, huyện cuối cùng của tỉnh là Trà Cú đạt chuẩn nông thôn mới (9/9 đơn vị cấp huyện), huyện Cầu Kè đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2024, tỉnh phấn đấu có thêm huyện Tiểu Cần đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 60% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu có thêm huyện Càng Long đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 70% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; đồng thời phấn đấu có thêm 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
“Để thực hiện đạt mục tiêu trên, tỉnh Trà Vinh tập trung nhiều giải pháp, huy động các nguồn lực, lồng ghép nguồn vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác để hỗ trợ các địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; tăng cường vận động các tổ chức kinh tế hỗ trợ, người dân đóng góp xây dựng nông thôn mới theo tinh thần tự nguyện...” Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, ông Lê Văn Hẳn cho biết.
|
Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội, chị Thạch Sa Thy, ở ấp Ô Đùng, xã Hiếu Tử (huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) thực hiện mô hình trồng ớt sừng trâu vàng chuyên canh đã giúp chị có thu nhập ổn định và thoát nghèo bền vững.
|
Từ nay đến năm 2025, Trà Vinh tập trung thi đua phát triển kinh tế, đổi mới tổ chức sản xuất, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo hướng liên kết sản xuất; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất. Phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở của cán bộ, đảng viên, người có uy tín trong đồng bào dân tộc, đặc biệt phát huy vai trò tự giác, chủ động thực hiện các phần việc của hộ gia đình trong tham gia xây dựng NTM.
Cùng với đó, thi đua thực hiện hiệu quả những chương trình chuyên đề trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề tồn tại trong xây dựng NTM như chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh; phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM; khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM; mỗi xã một sản phẩm OCOP; Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng NTM kiểu mẫu./.