Nuôi hà treo - mô hình kinh tế mới tại Cát Hải (Hải Phòng)

Thứ tư, 13/07/2016 10:56
(ĐCSVN) - Nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, năm 2015 huyện Cát Hải đã triển khai 14 mô hình kinh tế mới giúp người dân nông thôn nâng cao thu nhập. Một trong những mô hình kinh tế mới đó có nghề nuôi hà treo tại xã Phù Long.

Nuôi hà treo - nghề mới trên quần đảo Cát Bà, Hải Phòng. (Ảnh: Hoàng Tản)

Trong điều kiện nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, nghề khai thác thủy sản ven bờ không còn là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân thì nhiều bà con đã chuyển đổi sang nuôi thủy sản. Hiện nghề nuôi hà treo đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân trong xã Phù Long.

Đối với người dân miền biển, hà là món ăn khoái khẩu và dễ kiếm, nó cũng là nguồn thu nhập đáng kể cho không ít người, nhất là phụ nữ. Đa số những lao động nữ ở huyện đảo không có việc làm thường đi gõ hà đá và bắt sò, ốc để kiếm sống. Một ngày đi biển cũng kiếm được khoảng 300.000 đồng trở lên. Số tiền công tưởng như khá cao, nhưng thực tế nghề gõ hà cũng rất vất vả và bấp bênh. Tuy là không quá nặng nhọc nhưng đây là nghề tiềm ẩn không ít những rủi ro sóng nước,  hơn nữa mỗi tháng nếu đều đặn hết những ngày nước cạn cũng chỉ có khoảng chục ngày là có thể đi khai thác hà, còn lại là những ngày nước lớn, hà ngập sâu trong nước không gõ được, và cũng đồng nghĩa với việc không có việc làm và thu nhập.

Những năm gần đây, Cát Bà ngày càng đông khách du lịch đến tham quan và muốn thưởng thức món hà biển, vì thế số lượng người đi gõ hà cũng đông hơn, dẫn đến nguồn hà tự nhiên ngày càng cạn kiệt. Và đây cũng chính là một trong những lý do triển khai mô hình nuôi hà trên đảo Cát Bà. Với nhiều bãi bồi ven sông, nước lợ sạch sẽ, dòng chảy lưu thông thường xuyên là môi trường lý tưởng để nuôi hà treo, xã Phù Long thuộc quần đảo Cát Bà được huyện Cát Hải chọn làm nơi triển khai mô hình kinh tế mới mẻ này.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cát Hải cho biết: “Năm 2015 huyện đã triển khai 14 mô hình kinh tế mới nhằm giúp bà con nông dân tại 6 xã xây dựng nông thôn mới đầu tư phát triển, nâng cao thu nhập. Và 1 trong các mô hình đó chính là mô hình nuôi hà treo tại xã Phù Long. Huyện đã hỗ trợ 8 hộ nuôi hà thí điểm với tổng trị giá 63 triệu đồng, theo đó mỗi hộ được nuôi 100m2 giàn bè treo hà”.

Có thể nói, nuôi hà treo là nghề có nhiều ưu điểm. Người dân thu gom vỏ hà rồi rửa sạch, đục lỗ, xâu chúng lại thành từng dây, mỗi dây từ 5 đến 7 vỏ. Sau đó treo vào các giàn tre đã cố định tại các vạ sông với khoảng cách dây treo 20 - 20cm . Theo dòng chảy, giống hà tự nhiên sẽ bám lại các vỏ hà treo và sinh sống tại đó. Thường thì người dân Phù Long bắt đầu treo vỏ hà để lấy giống từ tháng 3, tháng 4, thu hoạch bắt đầu từ  tháng 10 và thu rải rác đến tháng 4 năm sau.

Anh Tô Văn Thắng, một trong những hộ nuôi nhiều hà tại Phù Long cho biết: Trước đây anh làm nghề khai thác thủy sản ven bờ, nhưng mấy năm nay nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, anh đã bỏ khai thác và đầu tư nuôi hà. Nuôi hà là nghề phù hợp với những người nông dân ít vốn như anh bởi vốn đầu tư ban đầu không lớn, nuôi hà cũng không quá khó về kỹ thuật nhưng lại cho nguồn thu nhập ổn định. Nếu như anh đầu tư nuôi khoảng 20 triệu tiền vốn thì khi thu hoạch tiền lãi tối đa gấp đôi tiền vốn. Ban đầu anh cũng chỉ tự đi tìm hiểu, học tập phương pháp nuôi ở nơi khác. Bằng kinh nghiệm nghề sông nước lâu năm anh hiểu được vị trí nuôi thích hợp. Tuy nhiên theo anh Thắng thì nghề nuôi hà không chú ý theo dõi thường xuyên cũng có thể thất thu bởi đến mùa thu hoạch nếu thu chậm, để lâu con hà cũng có thể chết, nhất là vào lúc con nước ròng hà bị khô nước, thiếu thức ăn thì người nuôi phải chủ động di chuyển giàn bè ra vùng nước sâu cho con hà ngập nước để lấy thức ăn, nếu không chúng sẽ chết.

Nuôi hà treo không chỉ mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người nuôi mà từ nghề này, các hộ nuôi còn tạo thêm việc làm cho nhiều lao động khác, nhất là phụ nữ và người già. Khác với gia đình anh Tô Văn Thắng, gia đình anh Nguyễn Đình Huy thì đầu tư nuôi nhiều hơn bởi gia đình anh có điều kiện về vốn đầu tư ban đầu. Mỗi năm anh lấy giống từ 7 đến 8 vạn con để nuôi. Hà đã mang lại cho anh nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng/ năm. Mùa thu hoạch anh còn tạo việc làm cho 3 đến 5 lao động nữ với mức thu nhập từ 3 triệu đồng trở lên/tháng

Có thể nói nuôi hà treo là nghề có thể phát triển tại xã Phù Long, nguồn hà thương phẩm không chỉ cung cấp cho nhân dân huyện đảo mà còn cung cấp cho thị trường du lịch Cát Bà. Hà thu hoạch về, bổ ruột đến đâu là bán hết đến đó. Trước đây người dân chỉ đi gõ hà vào ngày nước cạn, ngày nước lớn nếu muốn mua hà về ăn là khó khăn, nhưng khi nghề nuôi hà treo xuất hiện thì hầu như ngày nào cũng có hà bán trên thị trường bởi người dân có thể cắt các dây hà về để bổ dần lấy ruột bán trong nhiều ngày. Đây cũng là một ưu điểm của nghề mới này.

Tuy nhiên nghề nuôi hà tại xã Phù Long cũng đang cần có sự quản lý chặt chẽ về mức độ phát triển và đầu ra cho sản phẩm, nếu không quản lý chặt chẽ để bà con đầu tư ồ ạt  sẽ rơi vào tình trạng được mùa rớt giá do không có đầu ra.

Theo ông Nguyễn Đình Nghiệp - Chủ tịch Hội nông dân xã Phù Long thì nghề nuôi hà bắt đầu từ 3 năm nay nhưng hiện tại trên địa bàn xã đã có tới 78 hộ nuôi hà treo. Trong số đó chỉ có 8 hộ được huyện hỗ trợ nuôi thí điểm, còn lại là tự phát. Bà con nuôi hà vẫn đang tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình, ban đầu ít hộ nuôi thì giá bán ruột hà từ 90 đến 100 nghìn/kg, nhưng hiện có nhiều hộ nuôi, nếu vào chính vụ thu hoạch nhiều thì chỉ bán với giá 60 đến 70 nghìn /kg. Thường về mùa hè khách du lịch đông thì dễ tiêu thụ hà thương phẩm, nhưng khi vào mùa thu hoạch chính là từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau, trên địa bàn vùng biển ít khách du lịch thì rất khó tiêu thụ. Đặc điểm của hà khi đã tách vỏ ra thì ruột hà lại chỉ có thể bảo quản nhiều nhất khoảng 2 ngày trong ngăn tủ lạnh, nếu để cấp đông thì hà không còn ngon và khi chế biến sẽ ra nhiều nước nên càng là điều kiện khó khăn đối với người nuôi nếu không bán kịp.

Nếu như nghề nuôi hà ở xã Phù Long chỉ dừng lại ở con số vài chục hộ nuôi như hiện nay thì có thể ổn định cả về đầu ra cho sản phẩm lẫn công tác bảo vệ môi trường, nhưng nếu không quản lý chặt chẽ để bà con tự đầu tư nuôi ồ ạt sẽ dân đến tình trạng không có đầu ra, hơn nữa gây cản trở dòng chảy và mất vệ sinh môi trường do vỏ hà sau khi thu hoạch không có nơi tiêu hủy. /.

Hoàng Tản

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực