Ông Đặng Văn Bảy: Tỷ phú tôm công nghệ cao

Thứ ba, 25/10/2022 14:36
(ĐCSVN) – Trải qua 4 giai đoạn sinh trưởng, tính từ thời điểm ươm, sau từ 4 đến 4,5 tháng nuôi với mật độ thả nuôi 100-120 con/m2, tôm trong bể của ông Bảy có thể đã đạt trọng lượng dưới 20 con/kg. Năm 2021, với tổng diện tích gần 40 ha, chia thành 6 khu nuôi trại tôm của ông Bảy cho thu từ 300 đến 450 tấn, năm 2022 dự kiến sản lượng ông Bảy thu được là 450 tấn, chủ yếu là xuất khẩu đi các thị trường quốc tế. Lợi nhuận đạt trên 20 tỷ đồng.
 Ông Đặng Văn Bảy chia sẻ về ưu điểm của việc nuôi tôm công nghệ cao.

Về ấp Đại Thôn, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre hỏi đến trại nuôi tôm công nghệ cao của ông Bảy An không ai là không biết. Ông Bảy không chỉ là người đầu tiên ở Thạnh Phú nuôi tôm công nghệ cao mà ông còn luôn sẵn sàng dành thời gian chia sẻ cho mọi người cách nuôi tôm công nghệ cao.

Một ngày cuối tháng 10 năm 2022, chúng tôi có dịp về thăm mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông Đặng Văn Bảy. Vừa dẫn chúng tôi tham quan, ông Bảy nhiệt tình giới thiệu cho chúng tôi từng ngôi nhà công nghệ ông sử dụng để nuôi tôm.

Ông Bảy cho biết: Là người con của Thạnh Phú, nơi đây có lợi thế giáp biển, từ 20 năm trước ông Bảy đã mạnh dạn đầu tư nuôi tôm. Từ quá trình nuôi tôm theo hình thức truyền thống, ông đã tích lũy cho mình những kinh nghiệm quý báu từ công việc này. Năm 2001, ông Bảy và người dân dần chuyển sang nuôi tôm công nghiệp nhưng hình thức còn đơn giản, chủ yếu vẫn là nuôi tôm ao đất nên hiệu quả chưa cao.

Năm 2016, ông Bảy biết đến mô hình nuôi tôm công nghệ cao, ông đã dành thời gian đi tham quan, tìm hiểu về phương thức nuôi tôm này, năm 2017 ông Bảy đã mạnh dạn chuyển hẳn sang mô hình nuôi tôm công nghệ cao.

Hiện ông Đặng Văn Bảy đã có 6 trang trại nuôi tôm công nghệ cao.

Chia sẻ về điểm khác biệt của hai cách thức nuôi tôm này ông Bảy bảo: 1 ha đất sẽ có 2 ao nuôi, mỗi ao khoảng 4.000m2 mặt nước. Diện tích còn lại là ao lắng xử lý nước, tuy có thể thả tôm với mật độ dày nhưng lợi nhuận không cao.

Với cách nuôi tôm công nghệ cao, 1ha đất nhưng ông Bảy chỉ nuôi khoảng 1.500m2 mặt nước, còn diện tích còn lại ông làm ao lắng, ao chứa xử lý nước. Cách làm này có thể thả tôm với mật độ cao (thả dày đặc), rồi liên tục thay đổi nguồn nước sạch nên tôm lớn nhanh, ít bệnh, cho năng suất cao (năng suất tôm nuôi theo hình thức công nghệ cao tăng hơn 3 lần so với thả nuôi theo bình thường).

Trong quá trình nuôi tôm, chất thải từ ao nuôi tôm luôn được lọc kỹ, thu gom thường xuyên. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để mang lại sự thành công trong nuôi tôm công nghệ cao.

Trải qua 4 giai đoạn sinh trưởng, tính từ thời điểm ươm, sau từ 4 đến 4,5 tháng nuôi với mật độ thả nuôi 100-120 con/m2, tôm trong bể của ông Bảy có thể đã đạt trọng lượng dưới 20 con/kg. Năm 2021, với tổng diện tích gần 40 ha, chia thành 6 khu nuôi trại tôm của ông Bảy cho thu từ 300 đến 450 tấn, năm 2022 dự kiến sản lượng ông Bảy thu được là 450 tấn, chủ yếu là xuất khẩu đi các thị trường quốc tế. Lợi nhuận có thể đạt trên 30 tỷ đồng.

Trại tôm của ông Bảy tạo việc làm cho gần 60 công nhân với mức thu nhập ổn định. Bản thân ông cũng đã hỗ trợ rất nhiều nông dân tại địa phương thành công từ nuôi tôm công nghệ cao, với mức thu nhập cao.

Theo ông Bảy thì nuôi tôm công nghệ cao phải đầu tư ban đầu lớn, mỗi ha chi phí khoảng 1 tỷ đồng. Tuy nhiên khi đã chuyên nuôi và chuyển sang nuôi tôm công nghệ cao trong môi trường khép kín, quản lý lượng thức ăn, môi trường nước được xử lý, đảm bảo tôm khỏe, hạn chế bệnh cho tôm, nhờ vậy tôm sẽ lớn nhanh, sớm thu hồi vốn và lợi nhuận cao hơn.

“Chẳng hạn một khu đất như này, nuôi truyền thống một năm cho thu lãi khoảng 300 đến 400 triệu là cao và người nông dân đã rất mừng, nhưng nếu đầu tư công nghệ cao thì lãi thu được trên 3 tỷ. Điều đó cho thấy giá trị mà nuôi tôm công nghệ cao mang lại cho người nông dân”. Ông Bảy cho hay.

Trại nuôi tôm của ông Bảy tạo việc làm cho gần 60 công nhân là người dân địa phương, với mức thu nhập ổn định.

Ông Bảy mong muốn tỉnh Bến Tre sẽ sớm xây dựng thành vùng chuyên canh nuôi tôm công nghệ cao, hỗ trợ bà con nông dân về vốn để đầu tư công nghệ cũng như chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị của con tôm; đồng thời các tổ chức, chính quyền, ngân hàng hỗ trợ người dân nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư chuyển từ mô hình nuôi truyền thống sang mô hình nuôi tôm công nghệ, giúp người nông dân có cơ hội làm giàu chính đáng, góp sức xây dựng Thạnh Phú nói riêng và tỉnh Bến Tre ngày càng phát triển.

Bên cạnh đó, hiện nay do ảnh hưởng của giá nguyên liệu như xăng, dầu, thức ăn nuôi tôm đều tăng cao, trong khi giá bán tôm không tăng, ảnh hưởng lớn đến người nuôi tôm;  bên cạnh đó do ảnh hưởng của tình hình thế giới nên nhiều thị trường xuất khẩu tôm không ổn định, ông Bảy mong muốn chính quyền hỗ trợ người nông dân tìm kiếm các thị trường ổn định để yên tâm sản xuất.

“Năm 2021 dù ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng giá tôm rất hấp dẫn. Tuy nhiên năm 2022 do giá nguyên liệu, vật tư đầu vào tăng cao, giá tôm xuất khẩu thấp hơn và chậm lại so với năm 2021, gây ảnh hưởng lớn đến người nuôi tôm”. Ông Bảy bộc bạch.

Với những nỗ lực của mình ông Đặng Văn Bảy nhiều năm liền được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc". Năm 2020, ông Đặng Văn Bảy là một trong những đại biểu của tỉnh Bến Tre ra Thủ đô Hà Nội tham dự Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X, với thành tích là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu toàn quốc./.

Bài, ảnh: Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực