Phát huy tiềm năng nuôi cá lồng tại khu vực trung du miền núi phía Bắc

Thứ sáu, 23/09/2016 17:56
(ĐCSVN) - Sáng 23/9, tại Tuyên Quang, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chuyên đề “Thực trạng và giải pháp phát triển nuôi cá lồng bền vững trên sông, hồ vùng trung du miền núi phía Bắc”.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đều có chung nhận định, khu vực Trung du miền núi phía Bắc là vùng có nhiều tiềm năng để phát triển nuôi cá trên sông, hồ chứa, hồ thủy điện. Với hình thức nuôi cá lồng bè, cá nhanh lớn, không tốn công nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao gấp từ 10-30 lần so với nuôi cá ở các ao hồ tự nhiên.

Theo báo cáo của Vụ nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) tại Diễn đàn, trong năm 2015, cá nuôi lồng, bè các tỉnh khu vực Trung du miền núi phía Bắc đạt khoảng 5.800 lồng (tăng gần 50% so với năm 2014); sản lượng đạt 7.690 tấn (tăng 35% so với năm 2014). Trong đó, tập trung nuôi chủ yếu tại Hòa Bình với 2.800 lồng, sản lượng đạt 3.200 tấn (chiếm 42% tổng sản lượng nuôi của toàn vùng); Sơn La 640 lồng, sản lượng đạt 1.200 tấn; Phú Thọ 962 lồng, sản lượng 2.994 tấn. Kết quả tính đến tháng 8 năm 2016, khu vực trung du miền núi phía Bắc có khoảng 8.765 lồng, sản lượng cá nuôi ước đạt 17.487 tấn.


Hình ảnh tại Diễn đàn (Ảnh: BT)

Thông qua các đối tượng nuôi bản địa như: cá trắm, cá chép, rô phi, diêu hồng và các đối tượng có giá trị kinh tế cao như: cá chiên, cá lăng, cá tầm… việc nuôi cá lồng, bè góp phần quan trọng trong việc tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con miền núi, đồng thời góp phần giải quyết việc làm, giảm tệ nạn phá rừng ở khu vực trung du miền núi phía Bắc.

Tuy vậy, theo đánh giá của bà Châu Thị Tuyết Hạnh (Vụ nuôi trồng thủy sản), hiện nay, nghề nuôi cá lồng, bè ở các địa phương vẫn phát triển chậm, chưa tận dụng và phát huy hết tiềm năng của vùng. Thực tế số lượng lồng bè và sản lượng nuôi tăng dần qua các năm nhưng sản phẩm nuôi vẫn chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa, chưa tạo thành sản phẩm hàng hóa tập trung phục vụ chế biến và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, quy mô nuôi cá lồng bè chưa được đầu tư tương xứng, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi thâm canh năng suất cao chưa phát huy hết tiềm năng và nguồn lực của vùng. Vấn đề bảo vệ môi trường nuôi theo mô hình quản lý cộng đồng và an toàn thực phẩm chưa được chú trọng. Đồng thời, cán bộ quản lý kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản tại địa phương vẫn còn thiếu, lực lượng mỏng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Trình độ kỹ thuật và tập quán sản xuất của đồng bào các dân tộc và nông dân còn nhiều hạn chế; nguồn vốn của người dân đầu tư cho phát triển thủy sản còn nhiều khó khăn, nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người.

Đáng chú ý, theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Kim Văn Tiêu, việc nuôi cá lồng, bè ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc còn chưa chủ động được nguồn giống, còn phải phụ thuộc vào nhập khẩu. Cùng với đó là quy mô nuôi nhỏ lẻ, manh mún dẫn đến việc áp dụng nuôi theo VietGAP gặp khá nhiều khó khăn; các sản phẩm cá nuôi lồng, bè chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có nhiều hợp tác xã điển hình và các doanh nghiệp đầu tàu tham gia vào công tác nuôi trồng, thu mua.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận và đưa ra những giải pháp thiết thực để phát triển nuôi cá lồng bè ở khu vực trung du miền núi phía Bắc. Trong đó, các đại biểu cho rằng, các tỉnh cần hoàn thành quy hoạch về nuôi thủy sản đến năm 2020 để đảm bảo vùng nuôi cho cá lồng, bè. Bên cạnh đó, từng bước khai thác hợp lý và đưa vào nuôi các loài thuỷ sản có giá trị kinh tế cao như cá lăng, cá chiên, cá nheo Mỹ, cá tầm. Phát triển nuôi trồng thuỷ sản gắn với bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững; tạo sinh kế cho đồng bào sinh sống bằng nghề khai thác thuỷ sản nội địa.


Cùng với đó, cần đẩy mạnh xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, các câu lạc bộ, các chi hội nuôi thuỷ sản; tăng cường chỉ đạo bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ môi trường nuôi, chủ động công tác tập huấn, đào tạo cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật về nuôi cá lồng, bè.

Đặc biệt, theo TS. Lê Thanh Lựu (Hội Nghề cá Việt Nam), thách thức lớn nhất trong việc nuôi cá lồng, bè là quản lý dịch bệnh. Vì vậy, để giảm bớt rủi ro dịch bệnh cần lắp đặt lồng theo quy định, các cụm lồng đặt cách nhau 500m. Định kỳ 2-3 tháng nên chuyển lồng đến địa điểm mới cách địa điểm cũ từ 100-200m.

Với nguồn giống – khâu quan trọng trong việc nuôi cá lồng, bè, các tỉnh cần tăng cường năng lực sản xuất giống cho các trung tâm của tỉnh nhằm tạo điều kiện chủ động sản xuất và cung cấp cho sản xuất. Ngoài ra, các trại giống cấp tỉnh cần liên kết với các trung tâm giống quốc gia, các viện nghiên cứu trong vùng để tiếp cận với các công nghệ mới trong sản xuất giống hoặc du nhập các dòng giống mới vào địa phương để áp dụng và sử dụng các giống mới cho sản xuất của địa phương.

Theo TS. Lê Thanh Lựu, với tiềm năng sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, cần đưa chương trình phát triển bền vững nuôi cá lồng bè trong hồ, sông suối của khu vực trung du miền núi phía Bắc thành một chương trình quan trọng cho cả vùng nhằm mục tiêu góp phần xây dựng thành công chương trình nông thôn mới. Trong đó, để thực hiện điều này, rất cần có sự phối hợp giữa khuyến ngư Trung ương với các địa phương để triển khai chương trình tới năm 2020./.

Bùi Thủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực