|
Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội trao bò giống sinh sản cho người dân xã Đông Yên, huyện Quốc Oai (Hà Nội).
|
Đội ngũ những người làm công tác khuyến nông trên địa bàn TP Hà Nội là những người luôn đồng hành, sát cánh cùng với nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong chỉ đạo sản xuất; xây dựng mô hình, điển hình; chuyển giao kỹ thuật và hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp... Họ đã vượt qua những khó khăn như nhân lực ít, hệ thống trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn thiếu, xuống cấp, kinh phí hoạt động còn hạn chế... để hoàn thành tốt công việc được giao.
Theo đó, bám sát đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã thường xuyên quan tâm và thực hiện hiệu quả công tác xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất. Là chiếc cầu nối giúp nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đội ngũ khuyến nông trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, giúp đỡ nông dân xây dựng nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả.
Theo bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, năm 2019 Trung tâm đã triển khai thực hiện được 18 dạng mô hình. Trong đó trồng trọt, cơ giới hóa 11 dạng mô hình, chăn nuôi 4 dạng mô hình, thủy sản 3 dạng mô hình trên toàn bộ địa bàn các quận, huyện, thị xã có sản xuất nông nghiệp của Thành phố. Điển hình là mô hình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tại các huyện Thanh Oai, Mê Linh, Thạch Thất; mô hình chăn nuôi bò sinh sản được triển khai ở 3 huyện: Mỹ Đức, Thạch Thất và Ba Vì; mô hình Nuôi chạch thương phẩm tại 3 huyện: Ba Vì, Mỹ Đức, Sóc Sơn; mô hình chăn nuôi thủy sản áp dụng công nghệ “Sông trong ao” ở 3 huyện Ứng Hòa, Chương Mỹ, Quốc Oai... Đặc biệt, mô hình chăn nuôi bò sinh sản với quy mô 90 con bò cho 90 hộ nghèo. Đến nay, bò sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 98,8%; hiện có 15 bò mẹ sinh bê con khỏe mạnh. Ông Nguyễn Đình Dần, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì đánh giá: Mô hình có ý nghĩa rất lớn về kinh tế, xã hội. Bò giống vừa là tài sản, vừa là tư liệu sản xuất để các hộ nghèo thoát nghèo bền vững; đồng thời tạo động lực tích cực cho nông dân trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được hệ thống khuyến nông Hà Nội thực hiện thường xuyên, có hiệu quả. Được sự quan tâm, chỉ đạo của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn TP Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hệ thống khuyến nông Hà Nội đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; luôn đồng hành với nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp... để trang bị cho người lao động những kỹ năng cần thiết nhằm nâng cao trình độ, tay nghề lao động nông thôn. Bình quân hàng năm, thông qua các lớp tập huấn, hướng nghiệp đã có hàng nghìn lượt người lao động được dạy nghề, chuyển giao kỹ thuật sản xuất. Các nghề đào tạo tập trung vào các loại cây con có lợi thế của địa phương, chú trọng các tiêu chuẩn, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới như: Trồng rau, hoa theo tiêu chuẩn VietGAP, công nghệ cao; trồng dâu nuôi tằm; trồng chăm sóc cây đặc sản (một số loại nấm, chuối laba, dâu tây…); trồng cây dược liệu (diệp hạ châu, atiso, các loại sâm…); trồng và chăm sóc cây cảnh; kỹ thuật nuôi cá nước lạnh; kỹ thuật chăn nuôi bò sữa; trồng và chăm sóc cây ngắn ngày...
Thông qua các hoạt động đa dạng, công tác khuyến nông nhìn chung đã có có những đóng góp quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hà Nội. Tính đến nay, Hà Nội đã xây dựng được 101 vùng sản xuất rau an toàn tập trung, quy mô từ 20 ha trở lên cho giá trị sản xuất từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm; phát triển 50 vùng sản xuất hoa, cây cảnh 20 ha/vùng cho giá trị 0,5 - 1,5 tỷ đồng/ha/năm... Ngoài ra, trên địa bàn thành phố đã xây dựng được trên 100 mô hình trang trại chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao hoặc chăn nuôi khép kín; 15 vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn ngoài khu dân cư đạt giá trị từ 1 - 2 tỷ đồng/ha/năm; xây dựng được 12 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp...
Cũng theo bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục bám sát đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của thành phố đến năm 2020; chiến lược phát triển, quy hoạch ngành nông nghiệp tại các địa phương cùng nhu cầu của nông dân để lựa chọn nội dung hoạt động khuyến nông. Trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật nhằm thúc đẩy, nhân rộng các mô hình hiệu quả; phát triển các mô hình chăn nuôi theo hướng ứng dụng các chế phẩm sinh học, hạn chế sử dụng kháng sinh, tạo sản phẩm an toàn; mô hình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp theo định hướng của địa phương; phát triển giống gia súc, gia cầm cho năng suất cao, chất lượng tốt. Đồng thời xây dựng và triển khai các mô hình trình diễn nuôi thủy sản gắn với xử lý môi trường, ứng dụng công nghệ cao; ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi thủy sản nhằm bảo vệ môi trường, nguồn tài nguyên nước; đẩy mạnh xúc tiến xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm... Từ đó vừa tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp vừa nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho người lao động tại khu vực nông thôn./.