Phát triển Đông Nam Bộ thành mô hình mẫu về phát triển kinh tế - xã hội

Thứ sáu, 15/12/2023 21:35
(ĐCSVN) - Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm của cả nước; có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, năng động với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước...

Ngày 15/12, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ, Hội đồng thẩm định Quy hoạch vùng đã tổ chức Phiên họp thẩm định Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng chủ trì, với sự tham dự của các Thành viên Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng là đại diện của 21 bộ, cơ quan ngang bộ, các ủy viên phản biện là các chuyên gia, nhà khoa học.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng chủ trì Phiên họp (Ảnh: MPI) 

Phát biểu tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ là quy hoạch vùng thứ ba được Hội đồng thẩm định tổ chức thẩm định (sau quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung), được lập trong bối cảnh Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quốc hội thông qua Nghị quyết số 81 về Quy hoạch tổng thể quốc gia và Nghị quyết số 39 về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hiện nay đã có 106/110 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã được thẩm định; trong đó: có 16 quy hoạch ngành quốc gia và 01/06 quy hoạch tỉnh thuộc vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, trên cơ sở nhiệm vụ lập quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 463 ngày 14/4/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tổ chức điều tra, thu thập số liệu, phân tích và đánh giá hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2011-2020 và triển khai lập quy hoạch; gửi xin ý kiến UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành Trung ương, 06 địa phương trong vùng và 04 địa phương liền kề với vùng. Song song với quá trình xin ý kiến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ tổ chức Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ ngày 26/11/2023 tại thành phố Hồ Chí Minh để tham gia ý kiến đối với quy hoạch; đã tổ chức các Đoàn công tác tiến hành khảo sát và làm việc trực tiếp với 06 địa phương trong Vùng; đã tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý và hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch vùng để trình Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng tại Tờ trình số 9198/TTr-BKHĐT ngày 03/11/2023.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông báo cáo về quy hoạch (Ảnh: MPI)

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cầu thị, nghiêm túc, tham vấn đầy đủ ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ” - Thứ trưởng Trần Duy Đông nói.

Tại Phiên họp, Hội đồng thẩm định đã nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tóm tắt về các nội dung chính của Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nghe báo cáo của Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng, ý kiến phản biện của các chuyên gia, ý kiến tham gia của các thành viên Hội đồng thẩm định đối với quy hoạch; đồng thời nghe đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia của thành viên, ủy viên Hội đồng thẩm định đối với hồ sơ Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ; Hội đồng thẩm định đã thảo luận và biểu quyết đánh giá Hồ sơ Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình thẩm định.

Sau khi nghe các ý kiến đánh giá, trao đổi, thảo luận và bỏ phiếu đánh giá của các Thành viên, Hội đồng thẩm định Quy hoạch vùng đã biểu quyết thông qua hồ sơ Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, giao Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định: Hoàn thiện và ký biên bản phiên họp của Hội đồng thẩm định theo quy định của pháp luật về quy hoạch; Hoàn thiện Báo cáo thẩm định Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Chủ tịch Hội đồng thẩm định xem xét, phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

 Quang cảnh phiên hợp (Ảnh: MPI)

Dịp này, Hội đồng thẩm định cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan lập quy hoạch, tập trung làm rõ 5 nội dung gồm:

Một là, làm rõ hơn các tồn tại, hạn chế về tăng trưởng kinh tế của vùng có xu hướng giảm dần, cũng như xác định rõ các cơ hội, thách thức để xây dựng kịch bản tăng trưởng phù hợp theo hướng tăng trưởng cao, cũng như đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung giải quyết trong thời kỳ quy hoạch.

Hai là, rà soát, cập nhật, cụ thể hóa đầy đủ các quan điểm chỉ đạo đã được Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ đã đề ra tại các Nghị quyết, để tạo động lực phát triển cho vùng trong thời gian tới.

Ba là, nghiên cứu, rà soát việc bố trí không gian phát triển các ngành có lợi thế trên địa bàn các tiểu vùng, nhằm phát huy tối đa tiềm năng của các địa phương trong vùng, cũng như liên kết phát triển để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của vùng theo hướng bền vững, hiệu quả.

Bốn là, làm rõ phương án phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên địa bàn vùng, trong đó tập trung vào kết cấu hạ tầng có tính chất kết nối liên tỉnh và có tính lan tỏa cho vùng, để đảm bảo kết nối nội vùng và liên vùng; phương án và lộ trình phát triển đô thị theo mô hình xanh, đô thị thông minh.

Năm là, đề nghị phối hợp với các bộ ngành và địa phương xác định rõ việc định hướng phát triển hạ tầng kết nối trong vùng, đặc biệt là mạng lưới giao thông đường bộ, đường ven biển, đường sắt nhằm tăng cường khả năng kết nối vùng với các vùng lân cận (Đường sắt từ Mộc Bài, Tây Ninh - Bình Dương, đường bộ từ Bình Phước - Đồng Nai, đường ven biển từ Cái Mép - Nhơn trạch - Cát Lái- kết nối vùng Tây Nam bộ....) nhằm giải quyết hài hòa về lợi ích giữa các địa phương trong vùng; xác định rõ việc xây dựng hệ thống cụm cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải và Cần Giờ là có vai trò tương hỗ, thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng cũng như các địa phương trong vùng.

Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bước cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia, thể hiện những định hướng lớn và cơ bản của các quy hoạch ngành quốc gia về tổ chức không gian phát triển; giúp “mở đường”, tạo ra các động lực phát triển, tiềm năng phát triển, không gian phát triển mới của quốc gia, của vùng; là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển, các dự án đầu tư và góp phần giúp cho vùng đề ra mục tiêu, phương án phát triển cũng như giải pháp tổ chức thực hiện trong thời gian tới giàu truyền thống cách mạng sẽ có những bước phát triển phát triển nhanh và bền vững./.

 

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực