Phát triển du lịch nông thôn gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP

Thứ sáu, 22/09/2023 15:10
(ĐCSVN) - Về phát triển du lịch nông thôn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, Bộ NN&PTNT mong muốn khai thác lĩnh vực này thành ngành kinh tế du lịch nông thôn và trở thành thương hiệu của Việt Nam, với sự hỗ trợ từ các sản phẩm OCOP.
 Quang cảnh Diễn đàn (Ảnh: H.T)

Sáng 22/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Nông nghiệp Việt Nam - đơn vị thường trực Diễn đàn Kết nối nông sản 970 kết hợp với Trung tâm Phát triển Nông thôn - Saemaul Undong, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn “Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP”. 

Tại Diễn đàn, bà Ngô Thị Thu Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn - Saemaul Undong, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ở giai đoạn đầu, Chương trình Quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã đạt được những thành tựu cơ bản về số lượng sản phẩm, quy mô và sự đồng thuận tham gia ở các địa phương, song hiện nay rất cần sự kết nối để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. 

Giá trị trong từng sản phẩm OCOP như đúng với ý nghĩa của chương trình, đó là hồn quê, là giá trị đặc sắc của mỗi địa phương, “mỗi làng một sản phẩm”. Do đó, bà Trang cho rằng, nếu những giá trị đó được thể hiện qua ẩm thực, qua quà tặng, qua các sản phẩm nông sản địa phương để giới thiệu cho khách du lịch sẽ đạt được mục tiêu kép, vừa phát triển du lịch, vừa giúp tiêu thụ sản phẩm nông sản tốt hơn.

Tại Diễn đàn, bà Phan Yến Ly, Giám đốc Công ty Tư vấn, Truyền thông và Sự kiện Cánh Cam cho rằng, hiện nay loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đang phát triển nhưng chưa bền vững. Do đó, theo bà Ly, du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam cần tuyên truyền thay đổi tư duy của các chủ thể tham gia xây dựng và triển khai các hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn phục vụ du khách nhằm làm sao để người nông dân, hợp tác xã, trang trại muốn làm du lịch ngay cả khi nông lâm thủy sản được tiêu thụ tốt, khi kinh tế nông nghiệp thành công và các doanh nghiệp lữ hành cùng chung tay, đồng hành cùng các điểm đến nông thôn làm du lịch. 

Ông Phan Bảo Giang, Trưởng khoa Marketing, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm, cần xây dựng thương hiệu tại các điểm du lịch nông nghiệp - nông thôn. Để làm được điều đó cần có chiến lược rõ ràng, trong đó xác định rõ mục tiêu, định hướng phát triển, các giải pháp và nguồn lực thực hiện.

Ông Giang nhấn mạnh: “Thương hiệu cần được chuyển hóa thành logo, bao bì, bài hát, đại sứ thương hiệu… nhưng logo, bao bì, bài hát,… không thể tạo nên được thương hiệu nếu không được tạo dựng, duy trì và phát huy một cách có chiến lược”.

Tại Diễn đàn, ông Phương Đình Anh - Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho rằng, phát triển sản phẩm OCOP và phát triển du lịch nông thôn có mối quan hệ “hữu cơ”.

Sản phẩm OCOP chính là tài nguyên để xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn. Bên cạnh đó, sản phẩm OCOP cũng góp phần truyền tải các câu chuyện và giá trị văn hóa về du lịch nông thôn. Ở chiều ngược lại, du lịch nông thôn chính là không gian để phát triển sản phẩm OCOP.

 Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh: H.T)

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Bộ NN&PTNT xác định phát triển sản phẩm OCOP Việt Nam cần 3 yếu tố. Thứ nhất, phát huy thế mạnh địa phương để từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.

Thứ hai, vấn đề liên kết sẽ khắc phục được tính nhỏ lẻ, để hình thành vùng sản xuất có sự liên kết giữa các hộ, các cơ sở, từ đó hình thành sức mạnh để có sức cạnh tranh với thị trường.

Thứ ba, thương hiệu sản phẩm OCOP ở nông thôn có giá trị lớn nhưng chưa được nhìn nhận đúng mực. Vấn đề phải đảm bảo được chất lượng của sản phẩm bởi nếu “đánh mất thương hiệu là đánh mất tất cả”.

Để phát triển chất lượng của các sản phẩm OCOP, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị nên có các tổ kiểm tra định kỳ các sản phẩm OCOP, không để trường hợp 1 lần công nhận có hiệu lực 10 năm.

Về phát triển du lịch nông thôn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, Bộ NN&PTNT mong muốn khai thác lĩnh vực này thành ngành kinh tế du lịch nông thôn và trở thành thương hiệu của Việt Nam, với sự hỗ trợ từ các sản phẩm OCOP.

Để phát triển du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP, Thứ trưởng Trần Thanh Nam giao Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương làm việc với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh thành lập trung tâm tập huấn các lớp phát triển sản phẩm OCOP và phát triển du lịch nông thôn. Thứ trưởng cũng đề nghị một số đơn vị liên quan cùng với các doanh nghiệp lữ hành xây dựng các mô hình điểm du lịch có bán sản phẩm OCOP. Từ đó, thu hút nhiều địa phương cùng tham gia./.

 

B.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực