|
Đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình
phát biểu tại Hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế biển khu vực miền Trung trong bối cảnh mới” sáng 16/12 |
Trao đổi tại Hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế biển khu vực miền Trung trong bối cảnh mới” do Tạp chí Cộng sản phối hợp với Tỉnh uỷ Quảng Bình tổ chức tại TP Đồng Hới sáng 16/12, đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình cho biết: Quảng Bình cần phát huy lợi thế là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm của đất nước, có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh; đồng thời, đây cũng là địa bàn giao thoa, hội tụ giữa các yếu tố tự nhiên và văn hóa của cả hai miền Nam - Bắc, có bề dày lịch sử - văn hóa lâu đời, phong phú và độc đáo. Cạnh đó, Quảng Bình cũng là tỉnh có thế mạnh về biển, với bờ biển dài trên 116km, có 05 cửa sông, trong đó có hai cửa sông lớn; có cảng Nhật Lệ, cảng Gianh, cảng Hòn La; Vịnh Hòn La có diện tích mặt nước 4km2, độ sâu trên 15 mét và xung quanh có các đảo che chắn: Hòn La, Hòn Cọ, Hòn Chùa có thể cho phép tàu 3-5 vạn tấn vào cảng mà không cần nạo vét.
Bờ biển Quảng Bình có nhiều thắng cảnh đẹp, cùng với thềm lục địa rộng gấp 2,6 lần diện tích đất liền tạo cho địa phương có một ngư trường rộng lớn với trữ lượng khoảng 10 vạn tấn và phong phú về loài (1.650 loài).
Ngoài ra, Quảng Bình nằm trên trục Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh, gần kề với đường xuyên Á qua quốc lộ 12A và Cửa khẩu quốc tế Cha Lo (thông thương với Lào) là điều kiện thuận lợi trong giao lưu kinh tế - xã hội với các nước trong khu vực.
Từ những lợi thế rất thuận lợi đó và để phát triển kinh tế biển một cách hiệu quả, trong những năm qua, tỉnh Quảng Bình đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách, đồng thời tập trung mọi nguồn lực để đầu tư cho lĩnh vực kinh tế quan trọng này.
“Tuy nhiên, trên thực tế, đến nay, kinh tế biển ở tỉnh Quảng Bình vẫn mang nặng tính chất khai thác nhỏ, thiếu chiến lược phát triển đồng bộ, chưa phát huy và đánh thức hết tiềm năng, thế mạnh của biển nhằm phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh. Kinh tế biển vẫn còn nhỏ bé về quy mô, còn bất hợp lý về cơ cấu ngành nghề. Điều đáng chú ý là việc phát triển kinh tế biển chưa gắn với liên kết kinh tế vùng, do vậy chưa tạo ra mối liên kết kinh tế, phát huy được lợi thế so sánh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh”- đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình chia sẻ.
Trước thực tế đó, gần đây, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành một số chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Chiến lược biển Việt Nam, đặc biệt là Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều bước đột phá quan trọng nhằm khai thác, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển.
Trong các chương trình, kế hoạch trên, Quảng Bình xác định các lĩnh vực trọng tâm để phát triển kinh tế biển là phát triển mạnh các ngành kinh tế liên quan đến biển như: Du lịch, dịch vụ biển; công nghiệp ven biển; nuôi trồng, khai thác hải sản; hậu cần nghề cá; khai thác khoáng sản biển; năng lượng tái tạo; kinh tế hàng hải và các ngành kinh tế biển mới, gắn với hình thành văn hóa sinh thái biển; cải thiện sinh kế bền vững và nâng cao đời sống người dân vùng biển. Đồng thời, thu hút đầu tư hạ tầng, hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí ven biển.
Thông tin về những giải pháp được các cấp uỷ, chính quyền và ngành chức năng quan tâm triển khai phát triển kinh tế biển trong thời gian gần đây, đồng chí Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình nhấn mạnh: Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Quảng Bình tiếp tục lựa chọn đẩy mạnh phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó du lịch biển vẫn là động lực tăng trưởng chính.
Đồng thời với đó, thực hiện Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch phát triển bền vững kinh tế biển giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Bình đã và đang mời gọi đầu tư vào các điểm du lịch biển nổi tiếng, như: Bảo Ninh, Nhật Lệ, Quang Phú, Đá Nhảy; khu vực ven biển từ xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) đến xã Ngư Thủy Nam (huyện Lệ Thủy). Cùng với phát triển các dịch vụ thể thao trên biển, hình thành các khu ẩm thực theo mô hình chợ đặc sản, hàng lưu niệm mang thương hiệu Quảng Bình, tỉnh tập trung tạo điều kiện để người dân ven biển chuyển đổi nghề, trực tiếp tham gia vào các hoạt động du lịch, đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng khu vực ven biển…
Tỉnh cũng đã quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sớm triển khai, hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác các dự án đầu tư về cơ sở lưu trú, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, đặc biệt là các dự án trọng điểm du lịch vùng ven biển tạo sự phát triển bứt phá, ngày càng đáp ứng được nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng của du khách, góp phần tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh và từng bước đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Về công nghiệp ven biển, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình thông tin: Khu Kinh tế Hòn La được địa phương xác định là trung tâm động lực kết nối phát triển vùng, trong đó, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I đã khởi công, với tổng mức đầu tư trên 41.000 tỷ đồng. Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đáng kể tăng nguồn thu ngân sách tỉnh, tạo thuận lợi cho phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ và việc làm ổn định cho lao động địa phương,nhất là lao động có trình độ cao. Các dự án Nhà máy điện mặt trời 49.5MWp Dohwa Lệ Thủy, Trang trại điện gió B&T tại xã Hải Ninh đã hoàn thành và đi vào hoạt động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp của tỉnh, đóng góp vào ngân sách tỉnh hơn 150 tỷ đồng/năm.
Về nuôi trồng và khai thác hải sản, đồng chí Vũ Đại Thắng cho hay, xuất phát từ lợi thế là địa phương có đội tàu cá thuộc nhóm dẫn đầu cả nước, với khoảng 6.800 tàu cá. Cạnh đó, lĩnh vực nuôi trồng, khai thác thủy sản của tỉnh luôn đóng vai trò quan trọng và là hướng đi hiệu quả trong những năm qua, đến nay Quảng Bình đang tích cực chỉ đạo chuyển từ nuôi trồng, khai thác truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao; tổ chức lại hoạt động theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác xa bờ gắn với thực hiện tốt các quy định để chung tay cùng cả nước “gỡ thẻ vàng IUU” là nhiệm vụ cần thiết để khai thác thủy sản bền vững.
Cùng với những nỗ lực trên, hiện Quảng Bình cũng từng bước phát triển kinh tế hàng hải và các ngành kinh tế biển mới; đầu tư, khai thác hiệu quả các cảng biển, cảng chuyên dụng gắn với dịch vụ hỗ trợ; ưu tiên hoàn thiện hạ tầng logistics và hệ thống giao thông kết nối cảng biển Hòn La với các tỉnh, quốc gia trong khu vực. Đồng thời, tập trung xây dựng đội tàu vận tải sông, biển, từng bước tham gia vào các chuỗi cung ứng hàng hải quốc tế; thí điểm các tuyến cảng vận tải và đón khách du lịch trên biển...
“Để thúc đẩy kinh tế biển phát triển, Quảng Bình cũng chú trọng thu hút các nguồn lực để tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, như: cảng biển, sân bay, đường cao tốc, đường ven biển...; phát triển hệ thống đô thị ven biển theo hướng đồng bộ, hiện đại, theo tiêu chí tăng trưởng xanh, đô thị thông minh”- đồng chí Vũ Đại Thắng chia sẻ: Hiện nay, các dự án hạ tầng quan trọng đã và đang triển khai, như: Đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua tỉnh Quảng Bình, Dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3; Hệ thống đường ngang kết nối đường ven biển và kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp mới; Cảng Hàng không Đồng Hới đang được đầu tư mở rộng, được Chính phủ xem xét để nâng cấp thành cảng hàng không quốc tế... sẽ là động lực để tỉnh tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, sử dụng và phát huy hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là khai thác tiềm năng của tỉnh ven biển.
|
Cảng Hòn La - Tiềm năng để phát triển kinh tế biển của Quảng Bình
|
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, theo đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình, Tỉnh uỷ đã có nhiều chỉ đạo để tiếp tục triển khai các chủ trương nhằm thu hút các dự án đầu tư vào các lĩnh vực phát triển kinh tế biển đi kèm với các chính sách ưu đãi, thông thoáng, điển hình như Dự án nâng cấp luồng tuyến cảng Hòn La cho tàu 30.000 DWT, đây là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trước triển vọng phát triển cảng biển của tỉnh.
“Những thành công của Dự án Cụm trang trại điện gió B&T, Nhà máy điện mặt trời Dohwa... là tiền đề để Quảng Bình mở ra hướng đi mới cho phát triển điện gió, điện mặt trời trên biển, góp phần bổ sung nguồn năng lượng sạch, tạo sự tăng trưởng kinh tế ổn định. Cùng với các công trình hạ tầng giao thông đang được đầu tư xây dựng; đội tàu cá công suất lớn khai thác vùng biển xa; hệ thống cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá như cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão tàu cá, cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá, dịch vụ cung ứng phục vụ khai thác được đầu tư xây dựng, nâng cấp, từng bước đáp ứng nhu cầu ngư dân... sẽ là tiền đề để Quảng Bình thực hiện thành công chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo”- đồng chí Vũ Đại Thắng chia sẻ thêm.
Ngoài những giải pháp trên, trong thời gian tới, Quảng Bình cũng sẽ tập trung thực hiện mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu các ngành kinh tế của tỉnh phải theo hướng lấy kinh tế biển làm trọng tâm; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và bảo đảm an ninh, chủ quyền biển đảo gắn với bảo tồn đa dạng sinh học biển, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển bền vững kinh tế biển, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các địa phương có biển và địa phương không có biển; tăng cường liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức mạnh cạnh tranh, phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của quê hương Quảng Bình “Hai giỏi”./.