Phóng viên (PV): Ông đánh giá thế nào về hiệu quả mô hình sản xuất liên kết chuỗi giá trị trong nền nông nghiệp của Việt Nam hiện nay, trong đó có tỉnh Lào Cai?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Có thể nói, mô hình sản xuất liên kết chuỗi giá trị là mục tiêu hướng tới của nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến, trong đó có nước ta trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình này còn gặp nhiều khó khăn. Đó là, trình độ dân trí thấp, thiên tai nhiều, đưa tiến bộ kỹ thuật gặp nhiều khó khăn do tiếp cận của nông dân với nội dung này còn hạn chế. Đặc biệt, ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, tập quán canh tác cũ, lạc hậu, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ khiến cho chất lượng sản phẩm không ổn định, khối lượng không nhiều, chưa gắn kết thị trường.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai. (Ảnh: HNV)
Thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, ngành nông nghiệp Lào Cai đã xây dựng chiến lược, tổ chức các chiến dịch cụ thể, đặc biệt rà soát lại quy hoạch lựa chọn một số sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của vùng, mang tính đặc sản khu vực, từ đó, xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, trong đó chú trọng lúa chất lượng cao: gạo Sén Cù, gạo Bắc Hà, nếp Cẩm Dương… có chất lượng chiếm lĩnh thị trường. Sở NN&PTNT Lào Cai cũng đã chỉ đạo bà con nông dân tập trung thâm canh tăng năng suất đồng thời phòng trừ dịch bệnh, vận động tuyên truyền giới thiệu liên kết hợp đồng với bà con nông dân ngày từ đầu vụ, sẵn sàng ứng trước giống, phân bón và một phần kinh phí cuối vụ thu mua luôn. Kết quả thu về rất khá.
PV: Theo ông, khó khăn nhất trong liên kết chuỗi sản xuất nông nghiệp là gì?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Tôi cho rằng, liên kết gặp khó khăn do nhận thức của mọi người, vì chưa hiểu rõ bản chất nên việc liên kết còn lỏng lẻo.
Thực tế là, chúng ta phải luôn xác định rằng sản xuất hàng hóa phải có thị trường. Muốn sản xuất được phải lấy doanh nghiệp (DN) làm đầu tàu thúc đẩy vì DN có vốn, có thị trường. Do đó, hơn bao giờ hết, phải có cơ chế chính sách đủ mạnh phù hợp từ Trung ương tới các tỉnh, địa phương. Tất cả phải tạo điều kiện, cải cách hành chính, thủ tục, hỗ trợ đăng ký thương hiệu, chỉ dẫn địa lý một cách đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch.
Còn đối với người nông dân, phải triển khai việc quy hoạch, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa đảm bảo quy mô. Không chỉ Lào Cai chúng tôi mà nhiều địa phương khác, đều phải có tinh thần cầu thị, học hỏi kinh nghiệm hay để cùng rút kinh nghiệm, nhân rộng hiệu quả. Bản thân ngành nông nghiệp Lào Cai chúng tôi cũng đang đi học hỏi kinh nghiệm của các địa phương trong nước cũng như nước ngoài nhằm khai thác thế mạnh nông nghiệp của mình.
PV: Xin ông cho biết những việc làm cụ thể mà ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai để hỗ trợ liên kết chuỗi giá trị bền vững?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Chúng tôi đang nỗ lực báo cáo tỉnh ban hành cơ chế chính sách phù hợp để động viên khuyến khích tăng cường liên kết hợp tác. Có nhiều vùng, đất ruông tốt, thủy lợi tốt, đường giao thông tốt mà không tham gia được liên kết chuỗi đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải khắc phục ngay.
Tất nhiên, chúng tôi cũng nhận thức được rằng, trình độ dân trí và nhận thức hạn chế cộng với diện tích đất chưa đủ điều kiện cho sản xuất hàng hóa của địa phương đang là những lý do để các DN không đầu tư. Bởi thế, nếu tất cả nông dân nhận thức được, đồng lòng quyết tâm cùng chung tay với DN thì mối quan hệ hợp tác sẽ phát triển thuận lợi.
PV: Thưa ông, việc tăng cường liên kết chuỗi giá trị trong xây dựng thương hiệu gạo, trong đó có gạo đặc sản Lào Cai thời gian qua rất được quan tâm. Theo ông, cần phải làm gì để việc xây dựng, duy trì thương hiệu được tốt hơn?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Thực tế cho thấy, thời gian qua, việc xây dựng thương hiệu gạo đã được các cấp, ngành từ Trung ương xuống địa phương quan tâm nhưng hiệu quả thì vẫn còn phải bàn thêm.
Một trong những mô hình hiệu quả của Dự án sản xuất lúa chất lượng cao ở Lào Cai. (Ảnh: HNV)
Đối với việc phát triển lúa gạo đặc sản của Lào Cai, từ năm 2010, tỉnh đã triển khai đề án “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2011 – 2015”, trong đó mục tiêu chủ yếu là xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng bền vững để nâng cao giá trị thu nhập bình quân đạt từ 50 – 65 triệu đồng/ha/vụ (tăng thêm từ 20 – 30 triệu đồng/ha/vụ so với cấy lúa lai). Từ đó, đã hình thành hai vùng sản xuất. Vùng thấp (Bảo Thắng, Văn Bàn) tập trung sản xuất các giống lúa chịu lạnh (ĐS1, J01, J02), Bắc thơm 7, Tám thơm gieo cấy vụ mùa với quy mô 2.000 ha, năng suất đạt từ 60 – 70 tạ/ha/vụ, bán thóc theo giá thị trường tạ thời điểm dao động từ 8.000 – 9.000 đồng/kg, nông dân thu nhập 50 – 60 triệu đồng/ha/vụ. Từ dự án này, trên toàn bộ tỉnh đã hình thành nhiều mô hình sản xuất lúa chất lượng cao tại các huyện: Bắc Hà, Bảo Yên, Bảo Thắng, Bát Xát, Văn Bàn, Mường Khương, Sa Pa và thành phố Lào Cai với tổng quy mô lên đến 3.050ha.
Hiện nay, vùng cao như Mường Khương, Bắc Hà, Sa Pa, Bát Xát tập trung sản xuất các giống lúa bản địa như Séng Cù, Khẩu Nậm Xít, nếp Thẩm Dương với quy mô hơn 1.000 ha, năng suất đạt từ 45 – 52 tạ/ha/vụ; giá thóc thịt bán trên thị trường tại thời điểm thu hoạch đạt từ 15.000 – 17.000 đồng/kg, giá trị thu nhập đạt 65 – 70 triệu đồng/ha/vụ. Thương hiệu “Gạo chất lượng cao Lào Cai” đã được bán tại các siêu thị tại Hà Nội như BigC Thăng Long, Citimart, Vincom…
Song song với triển khai vùng sản xuất lúa chất lượng cao, tỉnh Lào Cai phối hợp với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương, Trung tâm Chuyển giao Khoa học kỹ thuật và Khuyến nông xây dựng 15 mô hình/10 xã/5 huyện để khảo nghiệm 5 giống lúa mới; 06 mô hình/5 xã/4 huyện nhân giống lúa thuần tại chỗ với quy mô 108 ha. Đồng thời, tổ chức 14 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất các giống lúa mới cho 425 hộ nông dân trực tiếp tham gia mô hình. Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp thiết bị chế biến, xây dựng và khai thác thương hiệu sản phẩm “Gạo chất lượng cao Lào Cai”.
Từ kinh nghiệm của Lào Cai chúng tôi, để xây dựng tốt hơn, cần phải xác định rõ rằng thương hiệu giữ vai trò thực sự quan trọng trong sản xuất hàng hóa, chất lượng. Đối với các tiêu chuẩn VietGap, phải mất rất nhiều tiền để được chứng nhận đạt tiêu chuẩn, do đó, chúng tôi đề nghị Nhà nước cần hỗ trợ toàn bộ kinh phí trong quá trình chứng nhận VietGap.
Thêm nữa, cần loại trừ ngay tư tưởng cố hữu “bóc ngắn cắn dài” bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến sự bền vững của thương hiệu. Đồng thời, mỗi địa phương phải chủ động cải cách, triển khai sản xuất hàng hóa, tập trung sản xuất hàng hóa lớn, loại bỏ đi các tập quán cũ, cách làm cũ.
Để sản xuất hàng hóa, thương hiệu lúa gạo ổn định, chất lượng, cần nhất là sự liên kết ổn định lâu dài và bền vững giữa các khâu sản xuất – chế biến – tiêu thụ và các chủ thể tham gia chuỗi: nông dân – doanh nghiệp – nhà quản lý – chuyên gia.
Mặc dầu vậy, hiện, chúng ta lại đang thiếu và yếu trong liên kết chuỗi mà một trong những vấn đề khó khăn là ở Hợp đồng giữa nông dân và DN. Theo tôi, để khắc phục thực trạng này, cần từng bước vận động tuyên tryền nâng cao nhận thức người dân để họ hiểu và sẵn sàng tham gia sản xuất an toàn bền vững ổn định, đồng thời có chính sách động viên nông dân giữ vững liên kết trong nông nghiệp, chứ không lỏng lẻo dễ phá vỡ như hiện nay.
PV: Xin cảm ơn ông!
Hà Anh (thực hiện)