Đầu tư công nghệ cao là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm từ bò sữa
(Ảnh: BT)
Nhiều thuận lợi cho phát triển đàn bò sữa Theo PGS.TS Hoàng Kim Giao (Hiệp hội Gia súc lớn, Hội Chăn nuôi Việt Nam), ngành chăn nuôi bò sữa nước ta có nhiều thuận lợi để phát triển. Thực tế, nhu cầu về sữa trên thế giới luôn tăng trưởng, bình quân trong những năm trở lại đây tốc độ tăng trưởng đạt 2,5%, riêng năm 2014 có tốc độ tăng trưởng đạt 3,4% so với năm 2013.
Bình quân tiêu thụ sữa trên đầu người/năm của thế giới là 104,3kg (sữa tươi), trong khi ở Việt Nam nếu tính riêng sữa tươi mới đạt 6,1kg. Cho đến nay, chăn nuôi bò sữa ở nước ta mới sản xuất và đáp ứng được gần 34% nhu cầu về sữa tiêu dùng, 66% còn lại người tiêu dùng Việt Nam phải dùng sữa nhập nội. Như vậy, thị trường sữa ở nước ta còn rất lớn, phát triển chăn nuôi bò sữa không những cho thị trường trong nước mà còn có khả năng xuất khẩu cho các thị trường xung quanh. Khoa học kỹ thuật cùng các công nghệ cao sử dụng trong chăn nuôi bò sữa ngày càng phát triển. Những công nghệ này đã hạn chế được một phần bất lợi của điều kiện sinh thái, thời tiết khí hậu, đồng thời phát huy được tiềm năng, năng suất của đàn bò.
Chăn nuôi bò sữa ở nước ra đời chậm nhưng người chăn nuôi đã có ít nhiều kinh nghiệm trong việc chọn lọc, nhân giống, chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý đàn bò. Mặt khác, chăn nuôi bò sữa luôn có lãi, ổn định, đặc biệt trong những năm 2009-2014, lãi suất trong đầu tư chăn nuôi bò sữa dao động, ước tính trung bình đạt từ 10-20% tùy thuộc vào điều kiện và quy mô chăn nuôi. Bên cạnh đó, có thể kể đến các phụ phẩm nông nghiệp của nước ta phong phú, ước tính rơm, rạ, thân ngô sau thu hoạch khoảng trên 50 triệu tấn. Phụ phẩm trong quá trình chế biến các sản phẩm nông nghiệp có số lượng lớn và đa dạng, nếu biết khai thác, chế biến thành thức ăn cho vật nuôi sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm.
Những khó khăn không nhỏ
Hiện nay, nước ta chưa có các giống bò sữa cao sản như châu Âu hoặc Bắc Mỹ. Để có giống bò sữa tốt phục vụ chăn nuôi, các công ty, doanh nghiệp phải nhập khẩu giống. Đây là cản trở đầu tiên trong chăn nuôi bò sữa do nhập khẩu sẽ dẫn đến chi phí cao, ảnh hưởng đến giá thành chăn nuôi. Đồng thời, thời tiết khí hậu nóng ẩm không những ảnh hưởng xấu tới vật nuôi mà còn ảnh hưởng tới chất lượng của sữa khi ra khỏi cơ thể bò. Bên cạnh đó, người chăn nuôi bò sữa ở nước ta còn chưa có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi bò sữa, thu gom và bảo quản sữa tươi trước chế biến.
Trên thực tế, chăn nuôi bò sữa ở nước ta còn phân tán, có tới 70-75% số lượng bò sữa được nuôi ở gần 24 nghìn hộ nông dân với quy mô chăn nuôi bình quân 5-7-10 con. Vì vậy, rất khó khăn trong công tác kiểm soát dịch bệnh cho vật nuôi, vệ sinh an toàn sữa; sản phẩm sữa không đồng đều về chất lượng. Thêm vào đó, điều kiện tự nhiên với vùng đồng bằng hẹp mật độ dân số cao, ít có đồng cỏ rộng để chăn nuôi. Người dân Việt Nam chưa có thói quen trồng cỏ sử dụng cho chăn nuôi gia súc. Ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính từ bò sữa rất lớn.
Hội nhập sâu rộng về kinh tế thế giới, Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết là thách thức lớn đối với ngành chăn nuôi, đặc biệt với ngành chăn nuôi bò sữa. Bởi khi đó, các sản phẩm chăn nuôi, trong đó có sữa tại các nước có lợi thế như Newzealand, Úc, Mỹ,…sẽ được nhập vào nước ta. Theo nghiên cứu của IFCN (Mạng lưới trang trại quốc tế, 2013), chi phí sản xuất sữa trung bình của thế giới ước tính là 46 USD/100kg sữa tươi nguyên liệu, của Nhật Bản là 128 USD, các nước thành viên châu Âu 40-55 USD, Mỹ là 41,4 USD,…Ở nước ta, tùy thuộc điều kiện, sản xuất ra 100kg sữa tươi chi phí khoảng 42-52 USD. Đây là một thách thức không nhỏ đối với người chăn nuôi bò sữa ở nước ta.
Tăng cường các giải pháp phát triển ngành chăn nuôi bò sữa
Đàn bò sữa nước ta phát triển nhanh, bình quân tăng trưởng trong giai đoạn 2001-2014 đạt 14,04%. Trong đó, giai đoạn 2001-2010, tốc độ tăng trưởng bình quân số lượng bò là 13,47%, giai đoạn 2010-2014 tăng trưởng 15,35%. Bên cạnh đó, tổng sản lượng sữa tươi sản xuất hàng năm tăng liên tục, tổng sản lượng giai đoạn 2001-2010 tăng 18,87% và giai đoạn 2010-2014 tăng 17,89%.
Nhằm phát triển, nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm từ bò sữa trong quá trình hội nhập, theo PGS. TS Hoàng Kim Giao, việc phát triển đàn bò sữa không nên chạy theo số lượng mà cần ưu tiên hướng tới chất lượng thông qua con giống; phát triển trang trại tập trung ứng dụng công nghệ cao gắn với việc sản xuất chế biến sữa. Giảm dần chăn nuôi bò sữa quy mô nhỏ, phân tán; khuyến khích quy mô chăn nuôi trong nông hộ dần dần ổn định ở số lượng 50-100 đầu bò sữa. Hướng tới chăn nuôi bền vững, hiệu quả và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Để đạt được những mục tiêu trên, cần tăng cường các giải pháp đồng bộ để phát triển đàn bò sữa. Cùng với đó, ngành chăn nuôi bò sữa cần quy hoạch theo hướng xác định các vùng khuyến khích đầu tư phát triển, vùng không khuyến khích và không nên phát triển. Bên cạnh đó, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi bò sữa, chú trọng về chất lượng con giống.
Về thức ăn cho đàn bò sữa, cần đưa tiêu chuẩn, khẩu phần thức ăn phù hợp với từng cá thể, xây dựng quy trình chăn nuôi phù hợp với lứa tuổi vật nuôi, phù hợp với năng suất sữa ở từng giai đoạn của bò, phù hợp với môi trường điều kiện sinh thái của từng vùng, địa phương. Đồng thời, ngành chăn nuôi, các viện, trường cần phối hợp đưa các giáo trình dạy phù hợp với tập quán và điều kiện chăn nuôi của từng vùng.
Liên doanh, liên kết chặt chẽ giữa người chăn nuôi với các nhà máy, cơ sở thu mua chế biến là công tác quan trọng. Mối liên doanh này tạo chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu dùng. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có các chính sách nhằm tạo điều kiện về đất, mặt bằng, hỗ trợ về xử lý môi trường, hỗ trợ cơ sở vật chất về đường, điện, đặc biệt ở vùng sâu, xa; hỗ trợ việc nhập khẩu máy móc, trang thiết bị phục vụ công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa./.
BT