Phát triển ngành thủy lợi bền vững, vận hành theo cơ chế thị trường

Thứ năm, 23/11/2017 17:37
(ĐCSVN) - Sáng 23/11, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo "Định hướng chiến lược thủy lợi Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050".

Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: BT)

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết, ngành thủy lợi Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, trong đó, góp phần tạo ra sự khác biệt của ngành nông nghiệp, giải quyết vấn đề quản lý rủi ro thiên tai,…Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, ngành thủy lợi vẫn còn nhiều tồn tại, đặc biệt về thể chế quản lý tổng hợp tài nguyên nước, dẫn đến tổ chức quản lý thực hiện còn nhiều yếu kém. Ngành thủy lợi vẫn còn chưa đạt được nhiều kỳ vọng trước tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, cần xây dựng hệ thống ngành với định hướng tầm nhìn hàng trăm năm trở lại vẫn thích ứng được với biến đổi khí hậu.

“Cùng với đó là phát triển của thượng nguồn, phát triển nội vùng, đứng trước những yêu cầu đổi mới của ngành nông nghiệp, thủy lợi cần đáp ứng yêu cầu thích ứng biến đổi khí hậu, giảm rủi ro thiên tai, giúp quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường” – Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh.

Đại diện Tổng cục Thủy lợi cho biết, thực hiện chiến lược phát triển thủy lợi Việt Nam giai đoạn 2009-2016, ngành đã tiếp nhận, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến trong dự báo, cảnh báo hạn hán, lũ lụt; chuyển giao, ứng dụng công nghệ trong quản lý vận hành công trình thủy lợi. Hoàn thiện quy trình tưới tiên tiến, chuyển giao các mô hình tưới tiên tiến cho cây cà phê, hồ tiêu tại Đắk Lăk, Lâm Đồng,… Đến nay, có khoảng 148.000ha được tưới bằng thiết bị phun mưa, nhỏ giọt.

Bên cạnh đó, đã đầu tư, nâng cấp hiện đại hóa hệ thống thủy lợi, xây dựng hệ thống thủy lợi lớn đa mục tiêu như: Cửa Đạt, Ngàn Trươi – Cẩm Trang, Bản Mồng, Tả Trạch, Vân Phong,… Nâng cấp, cải tạo các hệ thống thủy lợi: Cầu Sơn – Cấm Sơn, Yên Lập, Kẻ Gỗ, sông Nhuệ.

Dù vậy, trên thực tế, thực thi pháp luật thủy lợi hiệu lực chưa cao, cơ chế, chính sách chưa đi vào cuộc sống, thiếu chính sách thúc đẩy xã hội hóa, khuyến khích đầu tư, ứng dụng công nghệ. Chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước ngành nước còn chồng chéo, chưa phân rõ nhiệm vụ quản lý nhà nước và quản lý khai thác.

Trình độ cán bộ làm công tác thủy lợi không đồng đều, cấp cơ sở thiếu cán bộ, chậm triển khai đào tạo, đào tạo lại cho đội ngũ cán bộ quản lý. Hạ tầng thủy lợi xây dựng qua nhiều giai đoạn chưa đồng bộ, hồ đập, xuống cấp mất an toàn, thiếu kênh mương nội đồng. Đầu tư chủ yếu phụ thuộc ngân sách nhà nước, thiếu kinh phí bảo dưỡng, nâng cấp thường xuyên, chưa quan tâm đến tưới cho cây trồng cạn.

Theo Tổng cục Thủy lợi, định hướng ngành đến năm 2030, tầm nhìn 2050 sẽ phát triển thủy lợi bền vững về tài chính trên cơ sở vận hành theo cơ chế thị trường, có sự tham gia của người dân và các thành phần kinh tế để đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp có tưới. Tạo nguồn nước cho dân sinh, công nghiệp, dịch vụ, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường và quản lý hiệu quả nguồn nước.

Trong đó, thực hiện xây dựng và trình ban hành 4 Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Thủy lợi; tập trung rà soát, hoàn thiện chính sách về giá dịch vụ thủy lợi, khuyến khích đầu tư công – tư, thủy lợi nội đồng gắn với củng cố tổ chức thủy nông cơ sở, thúc đẩy toàn xã hội tham gia hoạt động thủy lợi. Rà soát, xây dựng ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật. Đẩy mạnh các dự án đầu tư công – tư, đặc biệt trong xây dựng công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, công trình phục vụ tái cơ cấu; đổi mới phân cấp đầu tư, tăng cường tính tự chủ và chịu trách nhiệm của cơ sở.

Tại Hội thảo, đại diện của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, trong chiến lược phát triển ngành thủy lợi, cần quan tâm nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn khuyến nông cho canh tác và tưới tiêu các loại cây trồng phi lúa gạo có giá trị cao, nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối trên cơ sở tùy theo từng vùng. Tăng cường mạng lưới quan trắc thủy văn và thông tin thời gian thực. Áp dụng các luật, quy định, biện pháp nhằm tăng cường ưu đãi, trách nhiệm giải trình và kết quả hoạt động cho các dịch vụ thủy lợi; cung cấp cơ sở quy định quyền sử dụng nước, các quyền và trách nhiệm, chuyển giao quản lý thủy lợi./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực