|
Các diễn giả tại điểm cầu chính, trụ sở Báo Dân Việt/Nông thôn Ngày nay (Ảnh: Phạm Hưng) |
Ngày 19/7, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp với Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Hội nghị trực tuyến với chủ đề: “Khởi nghiệp đầu tư làm nông nghiệp thông minh, triển vọng và thách thức”.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, tham gia vào sản xuất nông nghiệp thông minh sẽ giúp ngành nông nghiệp Việt Nam tăng khả năng kết nối giữa người sản xuất với thông tin, quản lý sản xuất tốt hơn, giảm bớt sự phức tạp của các thủ tục hành chính nhiều cấp để sử dụng trực tiếp các dịch vụ công của Nhà nước cho nông nghiệp.
Phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao đang là một trong những xu hướng được nhiều nông dân, hợp tác xã áp dụng, và đã chứng minh được tính hiệu quả, góp phần mang lại diện mạo mới cho ngành nông nghiệp. Thực tế cũng đã chứng minh về những lợi ích, giá trị mà nông nghiệp thông minh mang lại cho sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp thông minh của Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức như: Thiếu các nghiên cứu về các mô hình quản trị số để thiết kế được các nền tảng phần mềm phù hợp với nhu cầu của các chuỗi giá trị; cơ sở dữ liệu số phục vụ nông nghiệp chưa được thiết kế và số hoá đồng bộ; khả năng cung ứng công nghệ cho nông nghiệp thông minh còn hạn chế; thị trường máy móc, thiết bị nông nghiệp còn chưa phát triển; tỷ lệ tự động hóa trong nông nghiệp chưa cao; mỗi doanh nghiệp cung ứng sản phẩm của một nhà cung cấp khác nhau nên các sản phẩm cho nông nghiệp thông minh trên thị trường chưa đồng bộ hoặc không giao tiếp được với nhau; công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật vẫn chưa theo kịp thực tiễn yêu cầu sản xuất; đầu tư cho phát triển nông nghiệp thông minh còn hạn chế; chưa có cơ chế ưu đãi về tín dụng và đất đai cho phát triển nông nghiệp thông minh…
|
Các thành viên Ban tổ chức và diễn giả tại điểm cầu chính Hà Nội (Ảnh: Phạm Hưng) |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Văn Hoài, Phó Tổng biên tập báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt chia sẻ: Khởi nghiệp nông nghiệp thông minh đang là trào lưu rất phát triển trên thế giới từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc... Ở Việt Nam cũng đang có xu thế khởi nghiệp nông nghiệp thông minh được các địa phương tạo điều kiện và đến nay đã đạt kết quả ban đầu rất khả quan. Tuy nhiên, khởi nghiệp nông nghiệp thông minh còn gặp nhiều khó khăn như về máy móc, thị trường...
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Tiến, nguyên Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, chủ trương phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao đã được thể hiện trong các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết 19, Nghị quyết 20 vừa được Ban chấp hành Trung ương Đảng thông qua. Tin rằng, việc phát triển nông nghiệp thông minh ở Việt Nam sẽ thực sự bền vững.
Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Tiến Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn và Đầu tư khởi nghiệp quốc gia (NSCI) nhận định: Nhờ áp dụng những yếu tố công nghệ mà những mô hình khởi nghiệp từ nông nghiệp đã có những bước chuyển mình rõ rệt. Rất nhiều mô hình đã chứng minh xu thế khởi nghiệp nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp thông minh là sự lựa chọn đúng đắn.
Có mặt tại Hội nghị ở điểm cầu Thanh Hóa, ông Trần Văn Tân, Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ tỉnh Thanh Hóa, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới, người đã góp công đưa sản phẩm rau má quê nhà lên hàng đặc sản, thậm chí còn xuất khẩu sang Nhật Bản với giá cao gấp nhiều lần đã chia sẻ: "Năm 2018 bắt đầu dấn thân vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, quá trình khởi nghiệp đã gặp muôn vàn khó khăn như: Tích tụ ruộng đất; cơ chế thủ tục… Tuy đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng không nản lòng. Đến thời điểm này, chúng tôi đã chọn và tìm ra được con đường đúng đắn, đó là, xây dựng vùng nguyên liệu trồng rau má Thanh Hóa cũng như có nhà máy chế biến. Hiện, vùng nguyên liệu trồng rau má, tía tô, diếp cá… phát triển trên 200ha. Trong quá trình khởi nghiệp nếu muốn thành công thì điều đầu tiên phải xây dựng được vùng nguyên liệu và liên kết với nông dân, HTX để cùng phát triển. Sau khi liên kết với nông dân cũng đã giúp bà con có công ăn việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, đặc biệt không để đất bỏ hoang. Tính đến thời điểm này, giá thu mua rau má tươi của chúng tôi 15.000 – 20.000 đồng/kg; người dân có thu nhập bình quân 12 – 15 triệu đồng/tháng, có những hộ thu nhập cao nhất 40-60 triệu đồng/tháng".
|
Lâm Ngọc Tuấn, nông dân Việt Nam xuất sắc 2022, Giám đốc HTX Tuấn Ngọc - 1 trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2023 ở TP. HCM bên mô hình trồng rau thủy canh áp dụng công nghệ (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Đồng tình và chia sẻ, ông Nguyễn Đức Chinh, Chủ trang trại Gen Xanh, xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) - nông dân Việt Nam xuất sắc tại điểm cầu Hà Nội cũng bày tỏ, hiện nay, trang trại của ông Chinh đang xuất bán 4-5 tấn rau hữu cơ các loại cho khách hàng Hà Nội, dự kiến thu nhập bình quân đạt gần 1 tỷ đồng/ha/năm. "Tôi đã dành thời gian nghiên cứu khảo sát nhu cầu của khách hàng, và nhận thấy nhu cầu tiêu dùng sản phẩm rau hữu cơ rất lớn, nhất là nhu cầu của các gia đình có con nhỏ, tuy nhiên bản thân họ cũng khó tiếp cận nguồn rau hữu cơ thường xuyên, giá bán lại cao… Vì thế tôi luôn suy nghĩ phải làm được việc gì đó để tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp hữu cơ với giá cả phải chăng. Sau đó, trong quá trình học ở Nhật Bản, tôi đã học được nhiều kĩ thuật sản xuất rau hữu cơ với giá thành hợp lí và quyết tâm xây dựng trang trại Gen Xanh" – ông Chinh nói.
Cũng tại Hội nghị, ông Lâm Ngọc Tuấn, nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022, Giám đốc HTX Tuấn Ngọc - 1 trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2023 ở TP. HCM cho biết, HTX trồng rau thủy canh ở Thủ Đức được bắt đầu từ năm 2017 đến nay. Trong quá trình sản xuất gặp nhiều khó khăn, trong đó khó khăn nhất là đất đai sản xuất ở thành phố thu hẹp, HTX phải chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang công nghệ cao, nông nghiệp đô thị. "Khi áp dụng được nông nghiệp công nghệ cao vào trồng rau thủy canh, năng suất cây trồng được cải thiện đáng kể, tiết kiệm được nước, nhân lực, nguồn tài nguyên. Chúng tôi sử dụng nước ít hơn, tối ưu hóa được điện, phân bón. Trong mùa mưa bão, chúng tôi vẫn sản xuất bình thường, không bị ảnh hưởng từ yếu tố thời tiết" - ông Lâm Ngọc Tuấn thông tin.
Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh là lĩnh vực mới ở Việt Nam và chưa phát triển như kỳ vọng nên trong quá trình sản xuất của bà con sản xuất rất gian nan. Chúng ta có nhiều công nghệ như công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ số... do đó, cái chính là vận dụng, áp dụng mang lại hiệu quả, thực chất sản xuất, kinh doanh là đạt hiệu quả. Các đại biểu, các nhà quản lý, chuyên gia nhất trí rằng, cần phải lựa chọn được công nghệ tốt và phù hợp nhất vào sản xuất mới đem lại hiệu quả cũng như cần phải có liên kết sản xuất để đầu tư công nghệ hợp lý, hiệu quả. Bên cạnh đó, phải phát triển nông nghiệp đa giá trị kết hợp với các yếu tổ lịch sử, hay du lịch sinh thái để nâng cao giá trị cho sản phẩm. Song song là tiếp cận chính sách, cần có đội ngũ tư vấn để tổ chức sản xuất để thuyết phục các cơ quan nhà nước vào cuộc hỗ trợ./.