Phục hồi thị trường du lịch hậu COVID-19

Thứ năm, 21/05/2020 17:14
(ĐCSVN) - Việc thúc đẩy du lịch nội địa ngay trong mùa hè và nghiên cứu lộ trình từng bước mở cửa du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép là lựa chọn tối ưu để phục hồi hoạt động du lịch.

Chiều 21/5, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp cùng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) và Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), Báo điện tử VnExpress.net tổ chức hội nghị “Giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu COVID-19”.

Hội nghị lần này có sự tham gia của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong lĩnh vực hàng không, lữ hành, khách sạn cùng một số chuyên gia..., góp phần mang tới cho thị trường du lịch kế hoạch hành động thiết thực trong bối cảnh hiện nay.

 Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Dịch COVID-19 tại Việt Nam đã được khống chế nhưng ngành du lịch vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh du lịch nội địa và mở cửa du lịch quốc tế khi đảm bảo điều kiện cho phép để kích cầu du lịch nội địa, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng khởi xướng kế hoạch "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam". Theo đó, ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết, nhiều hoạt động đã được triển khai, nhiều tỉnh chủ động kích cầu ngành như Quảng Ninh, Nghệ An... Trước đó, hội nghị "Thời điểm vàng khám phá vẻ đẹp Việt" đã diễn ra thành công với 700 đại biểu tham dự. Tại sự kiện, nhiều nghiên cứu, giải pháp được trình bày nhằm khắc phục du lịch. Tuy nhiên, theo Tổng cục trưởng, để thực sự giúp cho du lịch Việt Nam phục hồi và tăng trưởng trở lại, còn rất nhiều việc cần phải làm.

Đối với thị trường du lịch nội địa, cần có tiếng nói và sự kết nối đồng bộ hơn nữa giữa các địa phương, điểm đến, các hãng hàng không, các công ty lữ hành, các chuỗi khách sạn, dịch vụ vui chơi giải trí để các chương trình kích cầu nội địa thực sự hiệu quả, hấp dẫn và mang lại tính cộng hưởng, lan tỏa rộng rãi đến với nhu cầu của khách du lịch.

Tổng cục trưởng cho rằng, đây là thời điểm mà các tập đoàn, doanh nghiệp lớn nên chủ động thể hiện vai trò dẫn dắt thị trường thông qua khởi tạo liên kết kích cầu du lịch nội địa với những gói sản phẩm khép kín, hấp dẫn, với giá ưu đãi, nhưng cũng cần linh hoạt để đáp ứng các nhu cầu thường xuyên thay đổi của du khách. Sự bắt tay hợp tác của các doanh nghiệp lớn trong ngành du lịch chắc chắn tạo cú hích mạnh hơn, hiệu quả hơn, góp phần định hướng và khôi phục thị trường du lịch trong nước thời gian tới.

Đối với thị trường du lịch quốc tế, Tổng cục trưởng nhấn mạnh, Việt Nam đang có nhiều lợi thế khi là một trong những quốc gia kiểm soát thành công dịch COVID-19 sớm nhất, được các nước trên thế giới đánh giá rất cao. Đến nay, đã hơn 30 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng và được truyền thông quốc tế thường xuyên nhắc tới, vì vậy Ngành cần tranh thủ hiệu ứng truyền thông để nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn.

Tổng cục trưởng đề nghị, với thị trường quốc tế, các đại biểu cần chia sẻ ý kiến, đưa ra giải pháp an toàn để có thể triển khai đề xuất trên; thảo luận việc chuẩn bị, lộ trình, cách thức tiếp cận các thị trường quốc tế đảm bảo hiệu quả cao nhất; trước hết chuẩn bị đón khách quốc tế từ các thị trường có khả năng tăng trưởng cao như Trung Quốc, Hàn Quốc, cũng như một số nước có đủ điều kiện như Úc, New Zealand...

Các đại biểu tham dự hội nghị 

Hội nghị “Giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu COVID-19” gồm 2 phiên. Phiên thứ nhất đề cập đến các giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và vai trò dẫn dắt hệ sinh thái du lịch của các doanh nghiệp lớn. Phần thảo luận, các đại biểu đã xác định những vấn đề đặt ra trong phục hồi du lịch sau giãn cách xã hội, cân nhắc cách làm, đề xuất giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa. Từ đó, ngành du lịch tạo lập hệ sinh thái du lịch với vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam, sự kết hợp của các doanh nghiệp; doanh nghiệp với chính quyền và các bên liên quan; các hành động cần thiết, cam kết của doanh nghiệp...

Phiên thứ hai, các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, mô hình của một số nước, vùng lãnh thổ để cân nhắc các giải pháp đón đầu du lịch quốc tế của Việt Nam; đánh giá các cơ hội khả thi, an toàn đặc biệt với các thị trường có tiềm năng tiến hành du lịch song phương khi dịch COVID-19 kết thúc. Trên cơ sở đó, các bên liên quan đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành xem xét các chính sách liên quan đến mở cửa đón khách du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép; nối lại một số đường bay nhằm phục hồi giao thương, du lịch.../.

Tin, ảnh: Hà Thảo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực