Quảng Nam: Quý III năm 2023, tốc độ tăng trưởng phục hồi chậm

Thứ năm, 05/10/2023 19:48
(ĐCSVN) – Quý III năm 2023, mặc dù tốc độ tăng trưởng tỉnh Quảng Nam đang đà cải thiện so với các tháng đầu năm (quý I giảm 9,8%, quý II giảm 8,6%) nhưng tốc độ tăng trưởng phục hồi chậm do ngành công nghiệp của tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp chế biến chế tạo.

Đây là thông tin được đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Quảng Nam cho biết tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý III và một số nhiệm vụ trọng tâm quý IV năm 2023, do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức vào chiều 05/10.

Theo Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam, trong 9 tháng qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường...; song, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai kịp thời, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và địa phương, kinh tế - xã hội của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Trong đó, đáng chú ý là hoạt động dịch vụ diễn ra khá nhộn nhịp và ghi nhận mức tăng trưởng khá ở nhiều nhóm ngành; hoạt động du lịch đã có nhiều khởi sắc, đặc biệt là khách quốc tế; sản xuất nông nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định; công tác bảo đảm an sinh xã hội được các cấp, ngành quan tâm thực hiện; giáo dục, đào tạo được đầu tư với kết quả nổi bật; nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, lễ hội truyền thống được tổ chức thành công, sôi nổi.

 Đại diện Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam thông tin tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2023

Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều tồn tại, hạn chế trên các lĩnh vực cũng đã bộc lộ, đáng kể như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) giảm sâu so với cùng kỳ năm trước; thu ngân sách nhà nước và kim ngạch xuất nhập khẩu giảm; sản xuất công nghiệp khởi sắc hơn tháng trước nhưng chưa phục hồi hoàn toàn; giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, chưa đạt kỳ vọng; doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, giảm quy mô, hoạt động và số dự án đầu tư trong nước và nước ngoài đều giảm 

Theo Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam, trong bối cảnh chung của nền kinh tế địa phương, lĩnh vực thương mại và dịch vụ, du lịch 9 tháng đầu năm có những chuyển biến tích cực. Trong đó, tổng lượt khách tham quan, lưu trú đạt hơn 0,53 triệu lượt khách (khách quốc tế ước đạt hơn 0,3 triệu lượt khách, khách nội địa ước đạt 0,23 triệu lượt khách). Doanh thu từ tham quan, lưu trú du lịch ước đạt 650 tỷ đồng và thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 1.457 tỷ đồng. So với cùng thời điểm năm 2022, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch 9 tháng đạt hơn 6,4 triệu lượt khách, tăng 1,56 lần (khách quốc tế ước đạt hơn 3 triệu lượt khách, tăng 8 lần; khách nội địa ước đạt gần 3,4 triệu lượt khách, giảm 1,1 lần). Doanh thu du lịch đạt 6.590 tỷ đồng và thu nhập xã hội từ du lịch đạt 15.487 tỷ đồng.

Về đầu tư công, đại diện Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam khẳng định: Tính đến 29/9/2023, tổng vốn đầu công giải ngân trên địa bàn toàn tỉnh 4.060 tỷ đồng, đạt 43,8%, tăng gần 2.150 tỷ đồng so với tháng quý II và cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Để đạt kết quả trên, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án và giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, một số dự án đầu tư công giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt chủ trương và điều chỉnh chủ trương đầu tư; điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án thu hồi đất để tiếp tục thúc đẩy đầu tư và đảm bảo điều kiện triển khai các công trình, dự án trên địa bàn.

Về thu hút đầu tư, toàn tỉnh hiện có 907 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký đạt 4.782 tỷ đồng, giảm 78 doanh nghiệp (giảm 1.331 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước và tăng 265 doanh nghiệp (tăng 980 tỷ đồng) so với lũy kế đến hết quý II. Trong 9 tháng, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 348 doanh nghiệp, giảm 31,1% (giảm 157 doanh nghiệp); số doanh nghiệp đã giải thể 111 doanh nghiệp, giảm 34,7% (giảm 59 doanh nghiệp); số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động 863 doanh nghiệp, tăng 12,7% (tăng 97 doanh nghiệp).

Công tác xúc tiến đầu tư, trong 9 tháng đầu năm, tỉnh đã cấp mới 16 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 1.834 tỷ đồng, điều chỉnh 19 dự án, chấm dứt hoạt động 04 dự án, lũy kế đến nay có 1.137 dự án đầu tư trong nước đang còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 225 nghìn tỷ đồng; cấp mới 01 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư 01 triệu USD, thu hồi 03 dự án theo đó tổng số dự án FDI còn hiệu lực là 193 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 6 tỷ USD.

Quang cảnh buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế- xã hội quý III và 9 tháng năm 2023 

Về nhiệm vụ công tác trọng tâm quý IV năm 2023, thông tin tại cuộc họp cho biết, trong thời gian còn lại từ nay đến cuối năm 2023, tỉnh Quảng Nam tiếp tục tập trung triển khai tốt các nhiệm vụ trên các lĩnh vực. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu các ngành cần tích cực, khẩn trương nghiên cứu các nội dung, yêu cầu của các Bộ, ngành Trung ương góp ý để thực hiện rà soát, bổ sung vào hồ sơ Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung  thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước, nhất là triển khai đồng bộ, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm quản lý thu, thu hồi nợ thuế, chống thất thu ngân sách nhằm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2023.

Ưu tiên chỉ đạo, quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm kích cầu tiêu dùng; liên kết giữa kích cầu thương mại và kích cầu du lịch. Chủ động triển khai hiệu quả các phương án phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống. 

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số. Tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động các loại tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh….

Tại cuộc họp, đại diện UBND tỉnh và các sở, ngành cũng trao đổi, trả lời nhiều vấn đề được đại diện các cơ quan báo chí đặt ra liên quan đến công tác quản lý tài nguyên-môi trường, hoạt động của các doanh nghiệp và sự kiểm tra, giám sát, xử lý thu hồi tài sản, thuế do các doanh nghiệp hoạt động sai quy định, gây thiệt hại cho địa phương và người dân; việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quản lý, khai thác tài nguyên đất đai và bố trí tái định cư cho các dự án; công tác xử lý và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh, trong đó có chủ cơ sở bánh mỳ Phượng ở Hội An; công tác xử lý lạm thu trong trường học đầu năm học mới 2023-2024; việc quản lý, thu hồi các di tích bị thất lạc…/.

Tin, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực