Quảng Ngãi hướng tới có sản phẩm OCOP 5 sao

Thứ năm, 14/12/2023 19:41
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được kết quả tích cực, tạo ra những chuyển biến mới, đồng bộ trong sản xuất, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện từ năm 2019 đến nay, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Quảng Ngãi đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và đạt những kết quả ban đầu rất quan trọng, tạo nên động lực mới trong trong phát triển kinh tế nông thôn góp phần xây dựng thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh.

Tính đến tháng 11/2023, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 166 sản phẩm đạt OCOP, trong đó có 9 sản phẩm OCOP 4 sao và 157 sản phẩm OCOP 3 sao. Cụ thể, giai đoạn 2019 - 2022, UBND tỉnh công nhận 118 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao còn thời hạn. Năm 2023, UBND cấp huyện công nhận 45 sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Dự kiến đến hết năm 2023 có khoảng thêm 60 sản phẩm đạt OCOP 3 sao; 6-10 sản phẩm đạt OCOP 4 sao; vượt chỉ tiêu đề ra (năm 2023 có 50 sản phẩm đạt OCOP). Có 12/13 địa phương có sản phẩm đạt OCOP (huyện Sơn Tây chưa có sản phẩm OCOP). Đặc biệt, những sản phẩm được gắn sao bước đầu hình thành một số sản phẩm đặc trưng gắn với từng địa phương như: Nước mắm Mười Quý Bình Sơn, hành tỏi Lý Sơn, sản phẩm quế Trà Bồng, trái cây Nghĩa Hành...

Sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ngãi. (Ảnh: HTX OCOP Quảng Ngãi)

Đến nay, Quảng Ngãi đã xây dựng 12 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP (trong đó, Nhà nước hỗ trợ 6 điểm; xã hội hóa 100%: 6 điểm). Các sản phẩm OCOP Quảng Ngãi đã được trưng bày và bán tại các cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, các siêu thị, các sàn thương mại điện tử như Voso.vn, Posmart.vn, lazada, shopee, tiki. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh triển khai các gói quà tặng OCOP đã được các tổ chức, cơ quan, đơn vị sử dụng làm quà tặng cho đoàn viên công đoàn, bạn bè, người thân, bước đầu mang lại hiệu ứng tốt giúp chủ thể bán được hàng hóa trong dịp hội nghị, hội thảo và lễ, Tết.

Qua đó, nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp của tỉnh; cải thiện đời sống của nông dân các vùng nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững; góp phần xây dựng nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả với chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu; khai thác tốt tiềm năng, nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi cũng đã phối hợp với các địa phương hướng dẫn các HTX nông nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh xây dựng nhãn hiệu tập thể cho một số sản phẩm. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 71 nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý được bảo hộ của tỉnh Quảng Ngãi; trong đó có 16 nhãn hiệu chứng nhận, 53 nhãn hiệu tập thể và 02 chỉ dẫn địa lý (quế Trà Bồng, tỏi Lý Sơn).

Đến nay, Chương trình OCOP tại Quảng Ngãi đã đạt được những kết quả tích cực, tạo ra những chuyển biến mới, đồng bộ trong sản xuất, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn và thực hiện chương trình xây dựng NTM; công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm bước đầu được thực hiện chặt chẽ, công khai, kết quả đánh giá đã tạo được uy tín, thuyết phục cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình OCOP vẫn còn những hạn chế, khó khăn nhất định. Cán bộ quản lý OCOP các cấp chủ yếu là kiêm nhiệm, phụ trách nhiều công việc, nên hiệu quả hoạt động còn nhiều hạn chế; vai trò của chính quyền cấp xã trong việc triển khai chương trình còn chưa thể hiện rõ; quy mô, năng lực quản trị các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều sản phẩm chất lượng chưa cao, chưa đa dạng, phong phú; sản phẩm chế biến, chế biến sâu chưa nhiều,... Các sản phẩm OCOP đã tạo được tính cạnh tranh trên thị trường, góp phần cho sự phát triển kinh tế của địa phương nhưng hiện nay tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa có sản phẩm OCOP đạt 5 sao.

Thời gian tới, Quảng Ngãi phấn đấu mỗi năm có thêm khoảng 50 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt OCOP hạng 3 - 4 sao. Định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh có khoảng 550 sản phẩm đạt OCOP 3-4 sao và có ít nhất 1 sản phẩm đạt OCOP 5 sao. Định hướng đến năm 2030, đưa OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế trọng tâm ở khu vực nông thôn (kể cả đô thị) trong tiến trình thực hiện xây dựng thành công Chương trình MTQG xây dựng NTM và phát triển kinh tế. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân, thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Quảng Ngãi xác định phát triển thêm nhiều sản phẩm OCOP là nội dung quan trọng của tiêu chí phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; là nhiệm vụ trọng tâm triển khai thực hiện thường xuyên, lâu dài của chính quyền địa phương.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi đề ra một số giải pháp nâng tầm giá trị sản phẩm trong thời gian tới. Theo đó, định hướng OCOP là chương trình phát triển kinh tế quan trọng của cộng đồng; thực hiện tốt công tác truyền thông về Chương trình OCOP; chú trọng đến công tác đào tạo nâng cao năng lực các tổ chức là chủ thể các sản phẩm OCOP; lựa chọn các sản phẩm là đặc trưng, thế mạnh của địa phương để tham gia Chương trình OCOP và phải xuất phát từ ý tưởng; xây dựng và ban hành kịp thời chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP,...

NK

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực