Quảng Ninh cần thu hút đầu tư có chọn lọc để phát triển bền vững

Thứ sáu, 12/07/2019 22:20
(ĐCSVN) – Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: Thực hiện ba đột phá chiến lược, tỉnh Quảng Ninh tiên phong trong việc đầu tư ngân sách của tỉnh tập trung vào các dự án, công trình động lực có tính lan toả cao. Tuy nhiên, tỉnh cần thu hút đầu tư có chọn lọc để phát triển bền vững.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình phát biểu định hướng tại buổi làm việc. (Ảnh: Thành Trung)

Chiều 12/7, Đoàn công tác của Trung ương do đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương dẫn đầu đã có buổi làm việc chuyên đề với tỉnh Quảng Ninh về tình hình kết quả hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp của tỉnh Quảng Ninh và định hướng mục tiêu, phương hướng phát triển Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cùng các đồng chí đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị trong tỉnh.

Thu nội địa tăng bình quân 12,6%/năm

Báo cáo khái quát đến Đoàn công tác, các đồng chí lãnh đạo tỉnh khẳng định: Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, tăng trưởng kinh tế Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020 ước đạt 11,1%, hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIV của tỉnh đề ra. Tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP) năm 2018 đạt 5.110 USD, gấp 1,3 lần so với 2015; dự kiến năm 2020 đạt 6.535 USD, gấp 1,68 lần so với năm 2015.

Thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn giai đoạn 2016-2018 đạt 117.162 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 ước đạt 201.000 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa tăng bình quân 12,6%/năm. Đặc biệt, năm 2018, tổng thu NSNN đạt trên 40.548 tỷ đồng, gấp 1,2 lần so với năm 2015, trong đó, thu nội địa đạt 30.530 tỷ đồng, gấp 1,5 lần thu nội địa năm 2015; tốc độ tăng trưởng năm 2018 đạt 11,1%, cao nhất trong 6 năm gần đây.



Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Thành Trung)

Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ, từ 43,4% (năm 2015) lên 44,8% (năm 2018) và dự kiến tăng 48% vào năm 2020. Công nghiệp giảm từ 53,4% (năm 2010) xuống còn 50,2% (năm 2015) và 49,2% (năm 2018); dự kiến còn 47% vào năm 2020. Nông nghiệp giảm từ 8,7% (năm 2010), xuống còn 7,3% (năm 2015) và 6% (năm 2018); dự kiến còn 5% vào năm 2020.

Thực hiện ba đột phá chiến lược, tỉnh Quảng Ninh tiên phong trong việc đầu tư ngân sách của tỉnh tập trung vào các dự án, công trình động lực có tính lan toả cao; quyết liệt đi đầu thực hiện các dự án lớn theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Từ năm 2013 đến nay, tỉnh đã triển khai đầu tư theo hình thức PPP với 44 dự án, tổng số vốn 47.000 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2016-2018 đạt 183.654 tỷ đồng, dự kiến giai đoạn 2016-2020 đạt 340.850 tỷ đồng, tăng hơn 1,5 lần so giai đoạn 2011-2015.

Trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, Quảng Ninh đã mạnh dạn đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thí điểm áp dụng những mô hình mới; triển khai hợp nhất các cơ quan tham mưu giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp có chức năng, nhiệm vụ tương đồng theo nguyên tắc thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo; đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng; đồng bộ công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra; chủ động các giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá khách quan những thành tựu, kết quả nổi bật đã đạt được; những khó khăn, hạn chế của tỉnh Quảng Ninh; phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới. Các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến trao đổi về các kết quả đạt được và thành tựu cơ bản trong thực hiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp của tỉnh Quảng Ninh và định hướng mục tiêu, phương hướng phát triển Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong điều kiện sát với thực tiễn của địa phương; bàn về những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, nhất là nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, yếu kém; dự báo tình hình quốc tế, trong nước, vùng và lợi thế, cơ hội, điểm yếu, thách thức của tỉnh trong dự thảo báo cáo. Các đại biểu cũng đã tham gia ý kiến về quan điểm, mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn 2045 cũng như về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trên các lĩnh vực.

Cần thu hút đầu tư có chọn lọc để phát triển bền vững

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình ghi nhận và đánh giá cao về những thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực từ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và an sinh xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh Quảng Ninh.



Các đồng chí trong Đoàn công tác phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Thành Trung)

Đồng chí Nguyễn Văn Bình đặc biệt đánh giá cao 5 điểm sáng có tính đột phá của tỉnh Quảng Ninh, đó là: đánh giá, xác định đúng được các lợi thế phát triển của tỉnh, có triết lý phát triển và quyết liệt trong triển khai; làm tốt công quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; là địa phương tiên phong triển khai nhiều mô hình mới, cách làm hay, năng động, sáng tạo luôn đổi mới, đi đầu trong xây dựng kinh tế thị trường định hướng XHCN, phát triển kinh tế tư nhân, hội nhập kinh tế quốc tế, sắp xếp và tinh gọn và nâng cao hiệu quả của hệ thống chính trị, quản lí nhà nước; có đột phá về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; xác định đúng và phát triển mạnh mẽ những cực phát triển để tạo lan tỏa dẫn dắt.

Trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị Quảng Ninh cần đặt trong tổng thể liên kết vùng, trong sự phát triển của vùng và cả nước để thấy được lợi thế so sánh và phát huy được các lợi thế của mình. Về dịch vụ, bên cạnh phát triển du lịch, với tiềm năng lợi thế về hạ tầng giao thông, cảng biển, khả năng kết nối với các tỉnh vùng Tây Bắc và phía Nam Trung Quốc…, đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị tỉnh nghiên cứu phát triển dịch vụ logistic nhằm khai thác hết tiềm năng thế mạnh của tỉnh.

Về phát triển công nghiệp, nhấn mạnh cơ cấu hiện nay tỷ trọng công nghiệp giảm là đúng với cơ cấu hiện nay của tỉnh nhưng là điểm có thể khai thác tạo động lực phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Với ưu thế về hạ tầng giao thông, tỉnh có tiềm năng phát triển công nghiệp nếu lựa chọn định hướng và cách làm đúng. Gợi ý tỉnh nghiên cứu mô hình khu tự do thương mại thành công trên thế giới, trong đó tập trung vào xây dựng môi trường và các điều kiện kinh doanh hết sức thông thoáng để cạnh tranh thu hút đầu tư. Phát triển công nghiệp hướng tới công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường để hài hòa với phát triển du lịch. Tỉnh cần thu hút đầu tư có chọn lọc, lựa chọn những gì tốt nhất không chỉ cho hôm nay và còn cả mai sau để phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Cùng với đó, đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương yêu cầu Quảng Ninh cần nghiên cứu thực hiện theo Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chinh trị về định hướng phát triển công nghiệp quốc gia để thay vì tập trung vào các khu công nghiệp; nghiên cứu xây dựng một vài cụm ngành công nghiệp trong đó các doanh nghiệp tham gia có mối liên hệ, đan xen lẫn nhau, sản phẩm doanh nghiệp này là đầu ra doanh nghiệp khác để đảm bảo tiết kiệm chi phí và hiệu quả, tạo động lực mới trong phát triển công nghiệp của tỉnh. Phát triển nông nghiệp cần gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển cả hạ tầng và văn hóa. “Phát triển kinh tế phải có tầm nhìn, quyết liệt nhưng không được nóng vội, cơ chế đột phá phải dựa trên nền tảng lợi ích lâu dài của địa phương và quốc gia để phát triền bền vững” – đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Đồng chí cũng lưu ý, cần chú trọng làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, trong đó xây dựng bộ máy tinh gọn nhưng quan trọng phải đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo nguyên tắc lãnh đạo toàn diện của Đảng; bộ máy hành chính phải thống nhất, ổn định và thông suốt./.

Thành Trung - Hiền Hòa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực