Quý I/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,06%

Thứ sáu, 31/03/2023 19:50
(ĐCSVN) – Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, đến ngày 28/3/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,06% so với cuối năm 2022, tăng 11,17% so với cùng kỳ năm 2022. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ.
leftcenterrightdel
 Hình ảnh tại buổi họp báo (Ảnh: M.P)

Chiều 31/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2023. 

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, riêng trong tháng 2/2023 vừa qua, NHNN đã phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng và tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Về mức tăng trưởng tín dụng 2,06%, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú  đánh giá mức tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm 2023 không cao so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này xuất phát từ tình hình khó khăn tại nhiều lĩnh vực khiến nhu cầu vốn của doanh nghiệp chững lại. 

Về điều hành lãi suất, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trong hơn 2 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm ổn định lãi suất thị trường trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, áp lực lạm phát trong nước gia tăng.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất tái chiết khấu từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.

Bên cạnh đó, trong tháng 2/2023, Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với các ngân hàng thương mại, khuyến khích các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi để có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh. Theo đó, các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2-0,5%/năm đối với các kỳ hạn 6 đến 12 tháng kể từ ngày 6/3/2023. Trên cơ sở đó, ngân hàng thương mại có điều kiện để điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng giảm chi phí tài chính.

Trong quý 2, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết sẽ tiếp tục điều hành lãi suất uyển chuyển, linh hoạt; phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất.

“Bối cảnh quý 2 toàn cầu chưa hẳn đã thuận lợi. Fed có thể chưa tăng lãi suất ngay trong tháng 5 và mức độ tăng có thể chậm lại nhưng những bất lợi mới phát sinh là sự đổ vỡ của ngân hàng quốc tế. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chính sách đầu tư của các tập đoàn lớn trên thế giới… Dù vậy, NHNN vẫn kiên trì mục tiêu hỗ trợ vốn tín dụng cho doanh nghiệp, người dân để phục hồi kinh tế”, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết. 

Đại diện lãnh đạo NHNN nói bên cạnh các gói hỗ trợ lãi suất sử dụng ngân sách nhà nước thì NHNN cũng vận động các ngân hàng dùng nguồn lực của mình hỗ trợ lãi suất để đồng hành cùng doanh nghiệp.

Hiện tại, NHNN vẫn tiếp tục định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Liên quan đến gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội và nhà ở công nhân, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết sắp  tới  sẽ có văn bản chính thức. Phó Thống đốc nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đồng thuận, thống nhất giữa các ngân hàng trong gói tín dụng này để có một cơ chế cho vay thống nhất, chứ không phải mỗi ngân hàng một cách cho vay.

Cơ chế cho vay sẽ do các ngân hàng quyết định nhưng lãi suất sẽ giảm 1,5% với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư nhà ở công nhân, nhà ở xã hội và nhà xây lại chung cư cũ. Cùng với đó là giảm 2% với người mua với cơ chế thông thoáng.
"Mỗi người chỉ vay một lần, cho một căn nhà ở xã hội để đảm bảo sự công bằng", ông Tú nhấn mạnh.

Nói thêm về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Hà Thu Giang cho biết thêm thời gian qua NHNN cũng đã tổ chức nhiều  cuộc họp với NHTM để bàn cách thực hiện sao cho hiệu quả. Khách hàng vay phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật và các điều kiện vay vốn theo quy định hiện hành của các ngân hàng thương mại. Khi doanh số đạt 120.000 tỷ đồng thì chương trình sẽ dừng, nhưng không quá thời hạn 31/12/2023. Lãi suất cho vay dự kiến từ 8,7% đối với doanh nghiệp, và 8,2% đối với người mua nhà. Thời gian áp dụng 3 năm cho chủ đầu tư và 5 năm cho người mua nhà.

Bà Hà Thu Giang nhấn mạnh, Chương trình 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, nhà dành cho người thu nhập thấp là nguồn huy động của các ngân hàng thương mại, thể hiện tinh thần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp của NHTM. Tính gộp ra phần giảm lãi suất cho cả doanh nghiệp xây dựng và người mua là là 3 – 3,5%, từ đây sẽ tăng khả năng tiếp cận nhà ở cho người dân” – bà Hà Thu Giang nhấn mạnh.

Chính sách của NHNN là khuyến khích tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn cho các phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; đồng thời kiểm soát rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản tiềm ẩn rủi ro nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững. 

Phía NHNN cũng khẳng định thị trường bất động sản gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó chủ yếu liên quan đến vấn đề pháp lý; nguồn vốn chỉ là một trong các vướng mắc và tín dụng chỉ là một trong các kênh huy động vốn cho thị trường bất động sản. Bởi vậy, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, cần nhiều giải pháp chính sách đồng bộ từ các bộ, ngành, địa phương. 

Về phía ngành ngân hàng, trong thời gian qua, NHNN luôn chủ trương cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp. Chính sách của NHNN là khuyến khích tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn cho các phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; đồng thời kiểm soát rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản tiềm ẩn rủi ro nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực