|
Sản xuất công nghiệp đang phục hồi mạnh mẽ |
Với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 10 tháng tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực chính dẫn dắt tăng trưởng, đồng thời khẳng định vị trí quan trọng của ngành công nghiệp trong nền kinh tế quốc dân.
Theo báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại tháng 10/2024 của Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 4,0% so với tháng trước và 7,0% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, IIP tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2023, mức tăng trưởng vượt bậc so với mức 0,5% của năm trước đó.
Ngành chế biến, chế tạo ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất, đạt 9,6%, đóng góp 8,3 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Đây được coi là động lực chính thúc đẩy sự phục hồi trên diện rộng của ngành công nghiệp.
Các chính sách hỗ trợ đồng bộ từ Chính phủ, cùng với đà tăng trưởng từ cuối năm 2023, đã tạo nền tảng vững chắc cho sự phục hồi này. Báo cáo nêu, nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, các biện pháp hỗ trợ sản xuất trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu đã được triển khai quyết liệt, mạnh mẽ. Ngoài ra, sự gia tăng các đơn đặt hàng mới theo chu kỳ cuối năm cũng góp phần thúc đẩy sản xuất.
Một số ngành công nghiệp trọng điểm ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội, như: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 26,3%, giường tủ bàn ghế tăng 24,8%, hoá chất tăng 14,6%. Ngành sản xuất xe có động cơ, dệt may, và điện tử đều đạt mức tăng hai con số.
Về địa phương, 59/63 tỉnh thành có chỉ số sản xuất tăng. Đặc biệt ngành chế biến, chế tạo của Bắc Giang tăng 27,7%, Thanh Hoá tăng 19,5%, Lai Châu tăng 43,9%.
Ngành sản xuất và phân phối điện của Khánh Hoà tăng 175,2%, Cao Bằng tăng 48,5%.
Bên cạnh sự phục hồi tích cực, một số lĩnh vực vẫn đối mặt với khó khăn. Ngành khai khoáng giảm 7,2%, kéo giảm 1,1 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Sản lượng khí đốt thiên nhiên, dầu mỏ thô và than sạch đều giảm mạnh. Một số địa phương như Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, và Gia Lai có chỉ số sản xuất giảm, phản ánh những thách thức trong công nghiệp chế biến và phân phối điện.
Tháng 10/2024 đánh dấu mốc phục hồi rõ nét của sản xuất công nghiệp sau những khó khăn từ đầu năm. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đạt 51,2 điểm, tăng so với mức 47,3 điểm của tháng 9, cho thấy niềm tin vào sự phục hồi mạnh mẽ của ngành.
Để duy trì đà phục hồi, các doanh nghiệp cần tiếp tục tận dụng các chính sách hỗ trợ và đầu tư nâng cao năng lực sản xuất. Theo đó, cải tiến công nghệ, mở rộng thị trường và tăng cường quản trị là những yếu tố cốt lõi để đảm bảo sự phát triển bền vững. Sự phục hồi nhanh và trên diện rộng của sản xuất công nghiệp không chỉ giúp Việt Nam vượt qua những thách thức kinh tế toàn cầu, mà còn tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế quốc dân./.