Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh việc siết chặt quản lý thị trường đối với nhóm mặt hàng này trong thời gian tới.
Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu,
gian lận thương mại và hàng giả (Ảnh: H.T)
Phóng viên (PV): Ngày 19/6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chị thị số 17/CT-TTg về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Xin ông cho biết ý nghĩa, tác dụng của Chỉ thị này trong việc siết chặt quản lý thị trường dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm?
Ông Đàm Thanh Thế: Cần phải thẳng thắn thừa nhận rằng, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là nhóm hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng có diễn biến phức tạp từ thời gian trước đây.
Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), phối hợp với các bộ ngành địa phương cũng đã vào cuộc và phát hiện xử lý nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…, góp phần lành mạnh môi trường phát triển kinh tế, bảo vệ người tiêu dùng.
Tuy nhiên, những kết quả làm được vẫn chưa đạt yêu cầu thực tế đặt ra. Còn nhiều vấn đề về tình trạng buôn lậu, đặc biệt gian lận thương mại sở hữu trí tuệ, kể cả các mặt hàng có ảnh hưởng sức khoẻ người tiêu dùng đòi hỏi lực lượng chức năng cần tiếp tục có giải pháp đồng bộ.
Xác định nhiệm vụ trọng tâm, cách đây gần 3 năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (lúc đó là Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) đã có Công điện số 90 ngày 13/7/2015 về phát động cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Công điện 90 bước đầu nhận diện đấu tranh đạt kết quả nhất định, nhiều đường dây ổ nhóm kinh doanh hàng giả kém chất lượng đã bị xử lý.
Tính đến tháng 4/2018, đã xử lý 12 nghìn vụ vi phạm, nộp ngân sách trên 75 tỷ đồng, trị giá hàng hoá vi phạm gần 100 tỷ đồng, khởi tố 17 vụ án hình sự với 29 đối tượng.
Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa tương xứng với tình hình diễn biến phức tạp hiện nay, lĩnh vực này ngày càng tiềm ẩn nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp, cần sự đấu tranh lâu dài của các cơ quan chức năng.
Do đó, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ-Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Trương Hoà Bình đã chỉ đạo các đơn vị lấy ý kiến xây dựng một Chỉ thị để kết nối các bộ ngành cùng vào cuộc đấu tranh quyết liệt hơn trong giai đoạn mới.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ban hành Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.
Tôi cho rằng, Chỉ thị 17 này bao trùm toàn bộ vấn đề liên quan chăm sóc sức khoẻ người tiêu dùng trong đó Thủ tướng đã giao cho Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 cũng như các bộ, ngành đơn vị như công an, biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, quản lý thị trường, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội… các công việc hết sức cụ thể.
Chỉ thị này ngoài việc yêu cầu các đơn vị tăng cường đấu tranh xử lý các đường dây, ổ nhóm vụ việc mà còn yêu cầu xây dựng các cơ chế chính sách, quy chuẩn chất lượng, giảm thiểu tối đa việc các đối tượng lách luật, vi phạm quy định…
Cùng với đó, các đơn vị liên quan cũng phải phối hợp làm tốt việc tuyên truyền người dân nhận thức được, cảnh giác để không bị lừa mua sản phẩm kém chất lượng, ảnh hưởng sức khoẻ người tiêu dùng, đồng thời phát động toàn dân cung cấp, tố giác hành vi vi phạm cho các cơ quan chức năng tập trung xử lý.
PV: Thực trạng hiện nay cho thấy tình hình buôn lậu, hàng giả kém chất lượng diễn ra rất phức tạp, tỷ lệ phát hiện, xử lý còn thấp, xin ông cho biết nguyên nhân của thực trạng trên?
Ông Đàm Thanh Thế: Cần phải khẳng định rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng buôn lậu hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng đã tồn tại lâu nay, đến nay, khi sự vào cuộc của các cơ quan chức năng mạnh mẽ hơn, thì các vi phạm lộ diện ngày càng nhiều hơn.
Tôi cho rằng, Chỉ thị số 17 của Thủ tướng Chính phủ nêu rất đúng về thực trạng tỷ lệ bắt giữ xử lý vi phạm vẫn còn khá thấp so với thực tế vi phạm. Theo tinh thần chung của Chỉ thị, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành và địa phương kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện chỉ đạo của Chính phủ. Một số đơn vị đã tích cực vào cuộc, đặc biệt ở các địa phương tình hình kinh doanh sôi động như Hà Nội, TP.HCM…
Mới đây, ngày 6/7, Chi cục quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho biết, chỉ trong 1 ngày đồng loạt ra quân kiểm tra 10 điểm kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn thành phố, các tổ công tác QLTT đã phát hiện tạm giữ được 2.028 sản phẩm mỹ phẩm các loại vi phạm, tổng trị giá 149 triệu đồng. Còn tại TP.HCM, 28 đoàn thuộc lực lượng QLTT đồng loạt ra quân kiểm tra 70 điểm kinh doanh thuốc tân dược, mỹ phẩm trên địa bàn TP.HCM đồng loạt kiểm tra kinh doanh thuốc tân dược, mỹ phẩm trên toàn địa bàn TP.HCM và phát hiện nhiều vi phạm nghiêm trọng.
Cơ quan chức năng đã phát hiện số lượng lớn nhiều loại thuốc tân dược, đông dược với nhãn mác toàn tiếng Trung Quốc và cũng không công bố tiêu chuẩn chất lượng.
Thời gian gần đây, các hoạt động kinh doanh dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc cũng khá phổ biến trên mạng internet, việc phát hiện xử lý cũng chưa được nhiều.
Tuy nhiên, trên cơ sở vào cuộc kiểm tra bước đầu này, chúng tôi mong muốn các cơ quan vào cuộc tuyên truyền mạnh mẽ để các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân chấp hành nghiêm túc quy định nhà nước về quản lý trong lĩnh vực này.
Có thể nói, trong thời gian đầu thực hiện Chỉ thị 17 của Thủ tướng, các lực lượng chức năng đã có hưởng ứng bước đầu khá tích cực, ở một số đơn vị nhưng chưa thật sự đồng đều, kết quả còn thấp so với yêu cầu thực tế.
Tuy nhiên, theo tôi quan trọng nhất là các đơn vị phải tích cực vào cuộc, chính từ trong quá trình triển khai thực tế, những khó khăn phát sinh sẽ được tổng hợp, báo cáo kiến nghị để kịp thời tháo gỡ.
Từ đó, các ban, bộ, ngành và Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách quy định pháp luật, hoàn thiện khung pháp lý để hạn chế tối đa các đối tượng lách quy định, kinh doanh, buôn bán các sản phẩm dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng.
PV: Trong Chỉ thị 17 có nêu “vi phạm có nguyên nhân chủ yếu là các bộ, ngành, các địa phương, các lực lượng chức năng chưa chủ động, quyết liệt trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, có nơi buông lỏng quản lý”. Để khắc phục tình trạng trên, ông có thể cho biết cần những giải pháp gì trong thời gian tới?
Ông Đàm Thanh Thế: Với vai trò của mình, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các lực lượng chức năng, đồng thời tổng hợp kết quả, đề nghị xem xét kỷ luật trách nhiệm do thực thi công vụ chưa tốt.
Ngoài nguyên nhân từ các cơ quan chức năng chưa vào cuộc thật sự quyết liệt, chúng ta cũng rà soát, xem lại chế tài xử lý. Theo tôi, nếu chế tài xử lý quá nhẹ, các cơ sở vi phạm chủ yếu chỉ phạt hành chính vài chục triệu so với mức siêu lợi nhuận trong sản xuất kinh doanh các mặt hàng giả kém chất lượng là chưa thích đáng.
Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng tham mưu đề nghị cơ quan chức năng, bộ, ngành có các chính sách phù hợp để phát hiện, xử lý, từ đó có đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm.
Đáng chú ý, thời gian qua có một số vụ việc gây nhiều bức xúc trong dư luận như vụ Công ty TSC tại Hà Nội, vụ Vinaca tại Hải Phòng (làm thuốc chữa ung thư từ bột than tre). Trong các vụ việc trên, có tình trạng một số Hiệp hội trao tặng thương hiệu sản phẩm cho nhiều doanh nghiệp, trong đó có cả những doanh nghiệp vi phạm pháp luật, làm cho người tiêu dùng hoang mang.
Vì vậy, theo tôi, cần phải kiểm soát chặt cả những cơ quan chứng nhận chất lượng, công nhận bằng sáng chế, phải xử lý nghiêm cá nhân người đứng đầu.
Về phía các cơ quan kiểm tra chuyên ngành cũng phải nhanh chóng có các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng, từ đó, tăng cường năng lực hậu kiểm chất lượng các mặt hàng dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm…
Tôi cho rằng, cần đề cao trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ, các thủ trưởng đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm trước cấp trên giao cho, thực hiện nghiêm việc quy trách nhiệm người đứng đầu. Căn cứ vào yêu cầu công việc, cần luân chuyển, điều động thường xuyên quyết liệt hơn, tránh phát sinh tiêu cực, nâng cao hiệu quả công việc. Cần tăng cường việc xử lý cán bộ vi phạm từ cấp Trung ương đến địa phương, đánh giá cán bộ thường xuyên. Với vụ việc cán bộ buông lỏng quản lý, vi phạm nghiêm trọng cần phải xử lý hình sự./.