Sóc Trăng phấn đấu sản lượng lúa đặc sản đạt trên 1 triệu tấn

Thứ tư, 01/07/2020 15:27
(ĐCSVN) – Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, đến cuối năm 2020, địa phương này phấn đấu đạt sản lượng lúa đặc sản trên 1 triệu tấn.

Sóc Trăng xây dựng và phát triển thành công các mô hình sản xuất lúa theo hướng an toàn, bền vững. (Ảnh: K.V)

Đến nay, diện tích xuống giống lúa toàn tỉnh đạt trên 294.279 ha, đã thu hoạch được trên 189.900 ha, ước sản lượng hơn 1,2 triệu tấn, trong đó, lúa đặc sản, lúa thơm các loại chiếm gần 53% diện tích, sản lượng chiếm hơn 52%. Được biết, tỉnh Sóc Trăng đã có đề án Phát triển sản xuất lúa đặc sản của tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2020 hình thành vùng sản xuất đạt 137.500 ha, ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gạo thơm Sóc Trăng có thương hiệu trên thị trường trong nước và xuất khẩu, với sản lượng đạt 800.000 tấn.

Là địa phương nằm ở ven biển, thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đất đai màu mỡ, thích hợp cho việc phát triển nông nghiệp, nhất là trồng lúa. Lúa đặc sản ở Sóc Trăng từ lâu đã chiếm tới 50% diện tích gieo trồng, được xác định là cây chủ lực, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Thời gian qua, Sóc Trăng đã xây dựng và phát triển thành công các mô hình sản xuất lúa theo hướng an toàn, bền vững. Ðồng thời, quy hoạch vùng sản xuất lúa đặc sản, trong đó ưu tiên phát triển các vùng sản xuất giống lúa ST tập trung, hình thành vùng nguyên liệu ổn định, vùng sản xuất theo chuỗi gắn kết từ đầu vào tới đầu ra của sản phẩm. Ðiển hình như mô hình tôm – lúa là thế mạnh trong việc tạo ra sản phẩm gạo an toàn. Nhờ nguồn dinh dưỡng dồi dào từ nuôi tôm để lại, trên cánh đồng lúa thơm ST thuộc huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, lúa xanh tốt tự nhiên. Khi sản xuất dòng lúa này, nhà nông tiết kiệm được tối đa chi phí phân bón, thuốc trừ sâu bệnh, lúa đạt năng suất cao, chất lượng thơm ngon, hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất lúa thường. Ðây là điểm sáng giữ được môi trường sinh thái trong lành, một mô hình sản xuất tiêu biểu của tỉnh Sóc Trăng duy trì suốt 20 năm qua.

Hiện, tỉnh Sóc Trăng là địa phương dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long về diện tích sản xuất lúa thơm ST với khoảng 13.000 ha. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã khuyến khích ưu tiên phát triển mô hình lúa – tôm gắn với dòng lúa này nhằm tiến tới hình thành sản phẩm gạo sạch, hữu cơ, góp phần nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam.

Về quy mô, đề án sẽ được thực hiện trên diện tích 17.000 ha, bao gồm toàn bộ vùng sản xuất tôm – lúa của huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Thời gian thực hiện từ năm 2020 đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, sau gần 10 năm tham gia các cuộc thi quốc tế về lúa gạo, gạo ST25 do nhóm nghiên cứu lúa thơm Sóc Trăng đại diện cho gạo Việt Nam lần đầu giành được thứ hạng cao nhất và đăng quang danh hiệu “Gạo ngon nhất thế giới”.

Ðây là cơ hội vàng để tỉnh Sóc Trăng, nơi sản sinh ra nhiều loại gạo ngon từ hơn thế kỷ qua xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất gạo ngon của Việt Nam… Giống lúa ST25 của Việt Nam do nhóm kỹ sư Hồ Quang Cua, Nguyễn Thị Thu Hương và Tiến sĩ Trần Tấn Phương lai tạo. Ðây là giống lúa cao sản, có thể trồng 2 đến 3 vụ/năm; thân cứng và cao cây, lá xanh lâu tàn nên nuôi hạt tốt, nếu bón phân cân đối sẽ không bị đổ ngã; không nhiễm bệnh sọc trong, đạo ôn lá và khoan cổ bông… ST25 chịu phèn, mặn tốt cho nên có thể trồng ở đất đồng hoặc luân canh lúa – tôm.

Trong điều kiện thời tiết tốt, năng suất ST25 có thể đạt 8,5 tấn/ha, trung bình khoảng 6 đến 7 tấn/ha. Phát triển giống lúa này cũng là tiềm năng để nông dân Sóc Trăng nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cao từ cây lúa. Năm 2020, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đề ra mục tiêu sản lượng lúa sẽ đạt trên 2 triệu tấn/năm, trong đó sản lượng lúa đặc sản là trên 1 triệu tấn./.

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực