Tăng cường các giải pháp thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế ngành nông nghiệp

Thứ tư, 10/01/2018 16:36
(ĐCSVN) - Thực hiện các cam kết tự do hóa thương mại, ngành nông nghiệp Việt Nam đã mở cửa thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông sản có lợi thế cạnh tranh, đồng thời nhập khẩu những mặt hàng không có thế mạnh. Tuy nhiên, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đang đặt ra không ít những thách thức cho ngành nông nghiệp của Việt Nam.
Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đã được xuất khẩu đến thị trường các quốc gia trên thế giới
 (Ảnh minh họa. Ảnh: BT)

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, hội nhập với quốc tế, nông sản Việt Nam đã được xuất khẩu đến 180 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng nhanh và bền vững. Nếu như năm 2007, giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản chỉ đạt mức 12,6 tỷ USD, thì đến năm 2016 đã đạt 32,14 tỷ USD và năm 2017 đạt con số 36,37 tỷ USD. Với các mặt hàng xuất khẩu, đã có 10 nhóm hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD mỗi năm; xuất khẩu nông sản luôn duy trì mức xuất siêu trung bình từ 7-8 tỷ USD/năm, góp phần quan trọng trong việc tránh thâm hụt trong cán cân thương mại quốc tế.

Dù vậy, theo đánh giá của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, mặc dù quá trình mở cửa quốc tế mang lại nhiều lợi ích nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức phải đối mặt. Đó là gia tăng cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu; việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ tăng sức ép cho các ngành hàng sản xuất trong nước về giá và chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngành Nông nghiệp được dự báo gặp bất lợi nhất là chăn nuôi, đặc biệt là bò, sữa và các sản phẩm từ sữa do có lộ trình giảm thuế nhanh từ 1-3 năm. Cùng với đó là yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ. Khi một số hiệp định thương mại tự do quy định đầu vào có nguồn gốc xuất xứ thuần túy đặt ra cho Việt Nam bài toán về nguồn hàng nhập khẩu nguyên liệu mới từ các nước nội khối hoặc phát triển vùng nguyên liệu nội địa.

Bên cạnh đó, một số nông sản Việt Nam như: thủy sản, hồ tiêu, gạo,… vẫn còn những lô hàng xuất khẩu chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn kỹ thuật của nước nhập khẩu. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp khó khăn trong đáp ứng yêu cầu về dãn nhán, đóng gói do trình độ công nghệ quản lý và khả năng tài chính còn hạn chế.

“Năng lực phòng vệ của các cơ quan quản lý nhà nước và các hiệp hội của các ngành hàng vẫn còn hạn chế, nhiều nông sản giá rẻ khó kiểm soát chất lượng đang tìm đường vào Việt Nam gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà sản xuất trong nước” – Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Nhằm tháo gỡ những rào cản trong hội nhập kinh tế quốc tế, theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp năm 2017-2020 xác định nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hướng đến ngành nông nghiệp có giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

“Bộ NN&PTNT nhận thấy rõ, hội nhập quốc tế của nông sản Việt Nam không chỉ đơn thuần là có kim ngạch xuất khẩu lớn hơn mà quan trọng hơn Việt Nam có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao, mang lại nhiều lợi ích cho các tác nhân trong chuỗi” – Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phân tích thêm.

Nhằm nâng cao năng lực và sức cạnh tranh, trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị khép kín, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu.

Tiến hành đánh giá rà soát tình hình chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành chuẩn theo nhu cầu lợi thế và thị trường, tập trung phát triển thị trường trong nước và quốc tế; phát triển các kênh phân phối, đảm bảo yêu cầu và vệ sinh an toàn thực phẩm. Từng bước xây dựng thương hiệu mạnh; tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng.

Cùng với đó, đánh giá dự báo nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, điều chỉnh lại quy mô sản xuất phù hợp trên cơ sở khai thác tối đa lợi thế tiềm năng của mỗi vùng, của từng địa phương. Kêu gọi và thúc đẩy khu vực tư nhân xây dựng kế hoạch đầu tư kinh doanh phù hợp hơn với các nội dung tái cơ cấu của ngành nông nghiệp.

Ngoài ra, tạo cầu nối giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng tham gia chia sẻ thông tin, triển khai các mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững. Hỗ trợ các tổ chức ngành nghề, hiệp hội ngành hàng, hội nông dân, hợp tác xã trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ thực hiện các dự án thành công./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực