Tăng cường nghiên cứu giống cây trồng thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu

Thứ ba, 18/10/2016 17:28
(ĐCSVN) - Biến đổi khí hậu với tác động của hạn hán, xâm nhập mặn,…ngày càng phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành trồng trọt thời gian qua. Để ứng phó với tình hình trên, việc chuẩn bị những giống cây trồng chống chịu được trong điều kiện sản xuất khó khăn là một trong những giải pháp quan trọng của ngành trồng trọt.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Xuân Định – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Trần Xuân Định (Ảnh: BT)

Phóng viên (PV):
Thưa ông, hiện nay, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả sản xuất ngành trồng trọt. Điều này có thể thấy rõ trong những tháng đầu năm 2016 vừa qua ở khu vực miền núi phía bắc, Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung bộ, Đồng bằng sông Cửu Long. Vậy, trước tình hình này, ngành trồng trọt đã có chiến lược, chương trình hành động gì để ứng phó và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu?

Ông Trần Xuân Định: Như chúng ta đã chứng kiến, biến đổi khí hậu và các tác động của nó xảy ra nhanh hơn dự báo; mức độ khốc liệt hơn, tần suất cao hơn với các hiện tượng khí hậu cực đoan như hạn hán, xâm nhập mặn, rét đậm, rét hại, sương muối và băng giá.

Năm 2016 chúng ta phải đối mặt với hiện tượng El-Nino kéo dài nhất trong lịch sử quan trắc với cường độ mạnh tương đương chu kỳ mạnh nhất đã xảy ra trong lịch sử. Khu vực bị tác động mạnh nhất là Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tại Tây Nguyên, khô hạn khốc liệt làm hàng nghìn ha cà phê, cây rau màu, lương thực bị thiệt hại; vùng duyên hải Nam Trung bộ với các tỉnh như Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên đã 2 vụ liền không có nước dẫn đến hàng chục nghìn ha đất lúa phải ngừng sản xuất. Xâm nhập mặn sâu và nồng độ cao ở các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long làm thiệt hại hàng chục nghìn ha lúa, hàng nghìn ha cây ăn quả bị ảnh hưởng và giảm năng suất.

Ảnh hưởng của khô hạn và xâm nhập mặn đến sản xuất trồng trọt những tháng đầu năm 2016 hết sức trầm trọng, GDP nông nghiệp có sự suy giảm. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự sụt giảm giá trị sản xuất trong nông nghiệp là trồng trọt, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các điều kiện liên quan đến thời tiết bất thường. Tính đến 24/6/2016, hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài đã làm thiệt hại 249.620 ha lúa, 19.203 ha hoa màu, 37.369 ha cây ăn quả tập trung, 163.768 ha cây lâu năm… với tổng giá trị lên đến 142.144 tỷ đồng. Với lúa, so với cùng kỳ năm 2015, diện tích gieo cấy vụ Đông Xuân cả nước giảm 31,1 nghìn ha, năng suất giảm 3,6 ta/ha và sản lượng giảm 1,326 triệu tấn và chủ yếu giảm ở ĐBSCL.

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, ở lĩnh vực trồng trọt, Bộ NN&PTNT đã ban hành đề án phát triển ngành trồng trọt đến 2020, tầm nhìn 2030 tại Quyết định số 824/QĐ-BNN-TT ngày 16/4/2012. Trong đó có nội dung phát triển sản xuất trồng trọt phải trên cơ sở đổi mới tư duy, tiếp cận thị trường; ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học về giống, công nghệ sinh học, công nghệ cao, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất, nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái.

Bên cạnh đó, ngày 23/5/2016, Bộ NN&PTNT cũng đã ban hành đề án tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo đến 2020 và tầm nhìn 2030. Đề án cũng đưa ra giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu gồm: nghiên cứu và áp dụng các giải pháp kỹ thuật nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu; điều chỉnh mùa vụ, địa bàn sản xuất, nghiên cứu và áp dụng các giống lúa có khả năng chống chịu, áp dụng các hệ thống canh tác phù hợp (luân canh, đa canh, xen canh,....) để giảm rủi ro, khai thác lợi thế tự nhiên.

Đồng thời nghiên cứu và áp dụng các biện pháp nhằm giảm phát thải, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, điều chỉnh hợp lý sử dụng nước theo hướng tiết kiệm nước cho sản xuất lúa gạo, giảm lượng sử dụng vật tư nông nghiệp. Thực hiện quy hoạch sản xuất và sắp xếp lại các cụm dân cư theo các kịch bản biến đổi khí hậu ở vùng lúa; đầu tư phát triển hệ thống rừng phòng hộ và xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống thủy lợi, đường xá, nhằm ứng phó biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, Bộ NN&PTNT giao Cục Trồng trọt thực hiện rà soát quy hoạch và quy hoạch mới các cây trồng chủ lực nhằm bố trí cây trồng thích hợp với điều kiện đất đai, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn; ban hành các quy trình tưới tiết kiệm và chuyển đổi mạnh mẽ đất khó tưới sang gieo trồng các loại cây rau màu, cây ăn quả, cây công nghiệp sử dụng ít nước hơn.

PV: Với việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, ngành trồng trọt đã nghiên cứu, triển khai được những giống cây gì để thích ứng với biến đổi khí hậu (như chịu hạn, chịu mặn,...). Xin ông có thể cho biết những mô hình đang triển khai thành công?

Ông Trần Xuân Định: Hiện chương trình nghiên cứu, chọn tạo giống lúa cho vùng bị ảnh hưởng của mặn đã có những thành công bước đầu. Một số giống lúa do các nhà khoa học Viện lúa ĐBSCL nghiên cứu đã được đánh giá và thử nghiệm công nhận sản xuất như: AS996, OM2517, OM5451, OM6677, OM576, OM6976... cho sản xuất những vùng khó khăn về nước tưới, chịu ảnh hưởng phèn, mặn. Đây là các giống có khả năng chịu phèn, mặn khá.

Vùng bán đảo Cà Mau các giống lúa ngắn ngày, chịu phèn mặn và điều kiện khó khăn. Các giống chủ lực: OM4900, OM6976, OM2517, OM5451, IR50404; giống bổ sung như ST5, GKG1, OM7347, OM5472, OM576, OM5954, Jasmine 85, RVT...là những giống lúa được chọn tạo trong nước.

Tuy nhiên bước đầu các giống lúa này có khả năng chịu mặn trung bình khá, hiện các nhà khoa học đang tập trung nghiên cứu đưa các gen chịu mặn để nâng cao khả năng chịu mặn của lúa lên 4 đến 5 phần nghìn; đồng thời chọn lọc lại, phục tráng các giống lúa mùa địa phương như một bụi đỏ, ba bụi..là những giống có khả năng chịu mặn rất tốt của ĐBSCL. Về nhóm rau màu và các giống đậu xanh, đậu tương có khả năng sinh trưởng tốt trong điều kiện hạn và mặn cũng đã được chọn tạo và khuyến cáo cho vùng chuyển đổi của Cà Mau, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Riêng vùng Bán đảo Cà Mau, mô hình lúa-tôm rất thành công và phát triển bền vững, đang được các địa phương nhân rộng với 1 vụ lúa là các giống lúa lai như Bte1; giống của CT Pioneer, khi bị xâm nhập mặn sẽ là vụ tôm. Khu vực duyên hải Nam Trung bộ, việc chuyển đổi đã được triển khai bước đầu khá thành công với mô hình chuyển từ lúa sang gieo trồng đậu xanh, đậu đen và mè nhất là ở Ninh Thuận, Bình Thuận. Mô hình sử dụng tưới tiết kiệm và có nhiều giải pháp được nông dân phát minh như giải pháp tưới 3 trong 1, hệ thống tưới được thiết kế đơn giản và tiện lợi sử dụng cho thanh long, cây ăn quả rất hiệu quả. Ngoài ra các giải pháp chuyển đổi mùa vụ, che phủ, tủ đất giữ ẩm để tiết kiệm nước tưới đã và đang được tuyên truyền phổ biến cho nông dân ứng dụng.

PV: Với việc triển khai chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ngành có tính đến yếu tố thị trường nhằm giải quyết đầu ra sản phẩm cho người dân? Trong công tác khuyến nông, ngành có những hướng dẫn gì giúp bà con canh tác để ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu?

Ông Trần Xuân Định: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tất nhiên phải tính đến các yếu tố thị trường; vấn đề rải vụ, đa dạng hóa các cây trồng chuyển đổi đều tính đến giảm áp lực thị trường với vấn đề tiêu thụ, cân đối cung cầu. Tuy nhiên đây cũng là vấn đề khó vì đòi hỏi sự minh bạch thông tin và nhất là sự cung cấp kịp thời nhanh chóng các thông tin cũng như công tác dự báo thị trường cho các địa phương.

Một số cây trồng chuyển đổi như ngô gồm ngô đường, ngô nếp,…chủ yếu là thị trường nội địa. Ngô phục vụ cho thức ăn chăn nuôi và ngô hạt cũng tương tự song không ít thời điểm ngô hạt nhập nội có giá rất rẻ khiến ngô hạt sản xuất trong nước tiêu thụ khó khăn và nông dân có lãi thấp.

Chuyển đổi cây ăn quả ở một số vùng với các loại cây có múi, cây đặc sản của vùng, hiện có thị trường khá rộng và với việc giải quyết các rào cản bằng đàm phán song phương, mở thị trường thì cây ăn quả đang trở thành mũi nhọn của tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt. Một số cây màu chịu hạn như mè, đậu xanh, đậu đen, kê, cây thức ăn chăn nuôi chủ yếu giải quyết tiêu thụ nội địa và không gặp nhiều khó khăn về thị trường.

Với công tác khuyến nông, ngành đã có sự chỉ đạo thống nhất và phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hệ thống khuyến nông các địa phương triển khai thực hiện các mô hình giống lúa mới chịu mặn, chuyển đổi cây trồng có khả năng chịu hạn, sử dụng ít nước, các mô hình lúa-tôm…Đồng thời, tổ chức in ấn, xuất bản các tờ rơi hướng dẫn các giải pháp ứng phó khi bị xâm nhập mặn; đào tạo tập huấn cho nông dân. Cục Trồng trọt và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp in ấn hàng chục vạn tài liệu cung cấp cho nông dân các tỉnh ĐBSCL và duyên hải Nam Trung bộ.

PV: Trên thế giới, nhiều nước đã nghiên cứu một số giống cây trồng thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu (ví dụ như trồng khoai tây chịu mặn cho năng suất và giá trị kinh tế cao ở Hà Lan,...). Vậy, Việt Nam học hỏi được những kinh nghiệm gì từ các nước trong việc tạo giống cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu?

Ông Trần Xuân Định: Về vấn đề này, khoa học công nghệ của chúng ta đã có các động thái khá nhanh. Ngoài các chương trình hợp tác để du nhập giống tốt, chịu khô hạn, chịu mặn thì các nhà khoa học nông nghiệp cũng nhanh chóng tiếp cận và ứng dụng các công nghệ mới cho lai tạo và chọn lọc giống cây trồng chống chịu với sâu bệnh và mặn. Công nghệ di truyền phân tử, sử dụng công nghệ đánh dấu phân tử cho việc lai tạo và chọn lọc giống, xác định sự có mặt của gen chống chịu và quá trình lai tạo, chọn lọc nhanh hơn.

Hiện chúng ta cũng kế thừa được các thành tựu khoa học, sử dụng các gen kháng từ các nguồn vật liệu là các giống địa phương hoặc nguồn nhập nội để đưa các gen chịu mặn (Saltol) chịu úng (Sub1, Sub2…) chịu hạn, kháng đạo ôn (Pi2, Pi5), kháng bạc lá (như Xa4, Xa5, Xa7,…). Có một số giống qua đánh giá chịu mặn nhân tạo trong dung dịch đã có sức chịu tốt ở giai đoạn sau gieo. Hy vọng với việc ứng dụng công nghệ DNA, việc lai tạo và chọn ra các giống cây chịu mặn, chịu hạn, kháng sâu bệnh  sẽ được triển khai nhanh trong những năm tới.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

 

Bùi Thủy (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực