Ảnh minh họa (Ảnh: KD)
Nhiều chính sách ưu đãi cho tín dụng khu vực nông nghiệp nông thôn
Để ưu đãi tín dụng khu vực nông nghiệp nông thôn, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp. Cụ thể, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và tái cấp vốn để hướng dòng vốn tín dụng vào nông nghiệp; Tạo điều kiện cho các Tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới tại các vùng sâu, vùng xa, các địa bàn nông nghiệp, nông thôn phù hợp với điều kiện thực tế để đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Kết quả là tín dụng nông nghiệp của hệ thống ngân hàng luôn có tỷ trọng của tín dụng cho ngành nông nghiệp giao động ở mức xung quanh 10%, gia tăng bình quân trên 10% năm. Năm 2010, dư nợ tín dụng đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn đạt 381.900 tỷ đồng đã tăng lên đến khoảng 825.000 tỷ đồng vào tháng 11/2015. Riêng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) – ngân hàng gắn bó mật thiết nhất với khu vực nông nghiệp, nông thôn có tổng nguồn vốn huy động đến tháng 6/2016 đạt trên 847.471 tỷ đồng và tổng dư nợ tín dụng đạt 700.622 tỷ đồng. Vốn tín dụng nông nghiệp chiếm trong tổng tín dụng của toàn ngành khoảng 18-19%, nếu cộng cả dư nợ của Ngân hàng Chính sách thì chiếm khoảng 20-22%, tương ứng với mức đóng góp cho GDP cả nước của ngành nông nghiệp.
Ngoài ra còn có các chương trình hỗ trợ cho vay qua các chương trình tín dụng mục tiêu; Chính sách cho vay hộ nghèo, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn Chính sách tín dụng nông nghiệp nông thôn thời gian qua cũng được điều chỉnh tăng mức tín dụng cho vay không có tài sản đảm bảo cũng được nâng lên gấp 4-5 lần, từ dưới 10 triệu đồng đối với nông dân, 50 triệu đồng/trang trại và 100 triệu đồng/HTX lên tương ứng 50-200-500 triệu đồng. Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, thay thế Nghị định số 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng cho nông nghiệp nông thôn cũng tăng mức cho vay không thế chấp có thể tối đa lên đến 100 triệu với cá nhân, 300 triệu với hộ kinh doanh, lên đến 3 tỷ đối với liên hiệp hợp tác xã.
Các ngân hàng cũng đơn giản hóa thủ tục vay vốn cho khách hàng nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ về pháp lý, an toàn vốn vay, đặc biệt là đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, như: Rà soát và hoàn thiện hồ sơ tín dụng theo hướng tiết giảm tối đa thủ tục, giấy tờ; đưa ra các sản phẩm tín dụng phù hợp với hoạt động sản xuất của nông dân như cho vay liên vụ, cho vay qua sổ tín dụng, xuống tận địa bàn để cho vay, thu nợ (gốc, lãi) ngay tại địa bàn của người vay thay vì phải đến trụ sở ngân hàng, áp dụng cho vay qua sổ đối với những khoản vay dưới 50 triệu đồng.
Vẫn còn những khó khăn
Mặc dù đã có nhiều chính sách để ưu đãi tập trung dòng vốn tín dụng vào nông nghiệp nông thôn như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và tái cấp vốn để hướng dòng vốn tín dụng vào nông nghiệp, áp sàn dư nợ tín dụng nông nghiệp. Tuy nhiên, tỷ trọng vốn tín dụng nông nghiệp vẫn rất thấp. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tỷ trọng vốn tín dụng nông nghiệp chiếm trong tổng tín dụng của toàn ngành sau 3 năm thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP chỉ khoảng 18-19%, nếu cộng cả dư nợ của Ngân hàng Chính sách thì chiếm khoảng 20-22%. Tính đến cuối tháng 6/2016, tổng dư nợ tín dụng nông nghiệp nông thôn ước đạt 886 nghìn tỷ đồng, cũng chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 18% tổng dư nợ nền kinh tế.
Theo số liệu điều tra tiếp cận nguồn lực hộ nông thôn Việt Nam (VARHS) năm 2014, chỉ có hơn 38% số hộ nông dân (nông lâm nghiệp thủy sản) có vay vốn tín dụng, trong số đó có gần 37% vay được vốn tín dụng từ các ngân hàng, còn lại tới hơn 63% vẫn phải vay từ các nguồn phi chính thức (như họ hàng, bạn bè và thậm chí là tín dụng đen…). Kết quả khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn cũng cho thấy có trên 80% doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nông nghiệp rất khó hoặc không thể tiếp cận vay vốn tín dụng. Điều đó cho thấy, cơ cấu vốn của các Ngân hàng thương mại thời gian qua chưa thực sự ưu đãi khu vực nông nghiệp nông thôn.
Theo ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trên thực tế, các Ngân hàng thương mại hiện nay hầu hết là các Ngân hàng cổ phần, và quyết định đầu tư của ngân hàng hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định đầu tư của các cổ đông, những người luôn lựa chọn kênh đầu tư ít rủi ro nhất và có lợi nhuận nhất. Trong khi lĩnh vực nông nghiệp nông thôn thường được đánh giá là rủi ro cao (thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường,…), lợi nhuận thấp hơn các khu vực khác thì quyết định của các cổ đông ngân hàng hạn chế đầu tư vào nông nghiệp nông thôn là điều dễ hiểu.
Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi, tạo điều kiện phát triển tín dụng nông nghiệp nông thôn, tuy nhiên dự nợ tín dụng nông nghiệp nông thôn vẫn rất thấp. Tính đến hết năm 2015, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn toàn quốc đạt 843.795 tỷ đồng, nhưng cũng mới chỉ chiếm tỷ trọng 18,12% tín dụng chung đối với nền kinh tế.
Các sản phẩm tín dụng của các tổ chức tín dụng cung cấp cho khu vực nông thôn chủ yếu là các sản phẩm truyền thống như cho vay theo món, cho vay hạn mức và cho vay tài trợ dự án. Các sản phẩm tín dụng chuyên biệt cho khu vực nông nghiệp, nông thôn thường được nhắc đến chỉ gồm cho vay lưu vụ, cho vay thu mua nông sản. Hình thức cho vay qua tổ nhóm đôi khi còn mang tính hình thức, sự liên kết giữa các thành viên trong nhóm không cao, và trách nhiệm của nhóm trưởng chủ yếu chỉ là đại diện. Xét về số lượng các loại hình dịch vụ sẵn có, chất lượng tiếp cận nhìn chung còn ở mức thấp.
Mặc khác, do chi phí hoạt động cao khi các ngân hàng cho vay món nhỏ lẻ tín dụng cho nông nghiệp, vì vậy, nếu không có số lượng chi nhánh rộng lớn thì một số các ngân hàng thương mại cũng ngại cho vay nông nghiệp, thường chỉ cho vay đoạn giữa và cuối là thu mua và chế biến sản phẩm. Vì vậy, nhu cầu tín dụng để đầu tư cho sản xuất ban đầu thực sự bất lợi.
Ông Thịnh cũng cho biết, nhằm khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, quy mô nhỏ của các hộ nông dân, chính sách tín dụng nông nghiệp nông thôn đã đẩy mạnh hình thức cho vay theo tổ nhóm và hợp tác xã HTX để mở rộng quy mô từng khoản vay đồng thời nâng cao khả năng giảm sát, quản lí vốn vay và giảm chi phí giao dịch. Tuy nhiên, tỷ lệ HTX được vay vốn tín dụng thời gian qua là rất thấp. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2015 cả nước chỉ có 0,67% HTX nông nghiệp được hỗ trợ vay vốn tín dụng, và cũng chỉ có 2,25% HTX nông nghiệp được tiếp cận với Quỹ hỗ trợ HTX.
Ngoài ra một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, hiện nay chưa hình thành hệ thống tín dụng quy mô nhỏ chuyên nghiệp cung ứng cho nông nghiệp nông thôn cả số lượng và trình độ cán bộ tín dụng. Cùng với đó, các sản phẩm tín dụng cung ứng của các tổ chức tín dụng còn đơn điệu. Chủ yếu cho vay theo món, cho vay hạn mức, cho vay lưu vụ, cho vay thu mua nông sản, thời hạn và hạn mức vay vốn không phù hợp với chu kỳ sản xuất nông nghiệp…. Bên cạnh đó, quy định mức trần lãi suất cho vay cố định và hạn chế tỷ lệ nợ xấu làm phát sinh nhiều thủ tục vay vốn. Đặc biệt, điều kiện, thủ tục vay vốn vẫn còn nhiều phức tạp. Chính sách tín dụng chưa tích hợp được với hệ thống chính sách khác ở nông nghiệp nông thôn (bảo hiểm, vốn hóa đất đai và thị trường lao động).
Tiếp tục hoàn thiện chính sách cho tín dụng nông nghiệp nông thôn
Để khắc phục những tồn tại trên, theo các chuyên gia kinh tế, cần tiếp tục điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn vay của các ngân hàng thương mại ưu tiên cho nông nghiệp nông thôn, nhất là các khoản vay trung hạn và dài hạn. Để khắc phục cơ cấu vốn vay và khắc phục việc các ngân hàng thương mại không muốn cho vay khu vực nông nghiệp vì rủi ro thì Chính phủ nên có các chương trình cho vay đầu tư nông nghiệp chung và dài hạn, ủy thác vốn của các chương trình cho các ngân hàng thương mại tham gia. Chính phủ có thể hỗ trợ một phần lãi suất và phí thực hiện giải ngân. Bên cạnh đó, tăng cường hỗ trợ và phát triển bảo hiểm nông nghiệp đối với một số nông sản chủ lực trong các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Đặc biệt, cần tiếp tục đơn giản các thủ tục và điều kiện vay vốn. Thay vì yêu cầu phải có sổ đỏ đất và các tài sản thế chấp khác, cần xem xét các điều kiện khác có thể đảm bảo thế chấp để vay vốn ngân hàng như: tài sản trên đất (nhà xưởng), tài sản hình thành từ vốn vay, dự án đầu tư, hợp đồng hợp tác, hợp đồng bảo hiểm,…. của hộ nông dân, trang trại, doanh nghiệp và hợp tác xã….
Ngoài ra, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng nông nghiệp nông thôn phù hợp với đặc thù của chu kỳ sản xuất từng sản phẩm trong nông nghiệp. Trước hết, để khắc phục tình trạng đơn điệu các sản phẩm tín dụng cho khu vực nông nghiệp nông thôn như thời gian qua, các tổ chức tín dụng, nhất là khu vực chính thức cần đẩy mạnh đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, nhất là các hình thức cho vay theo tổ, nhóm liên kết, và cho vay theo chuỗi liên kết. Đồng thời, các tổ chức tín dụng cần nghiên cứu cung cấp các khoản vốn vay kịp thời, linh hoạt, phù hợp với nhu cầu vốn (về hạn mức vay vốn) và chu kỳ sản xuất kinh doanh của từng loại sản phẩm nông nghiệp (về thời hạn vay vốn)…/.