Tăng giá điện - làm sao để người thu nhập thấp bớt thiệt?

Thứ hai, 28/02/2011 18:18

 Đ/c Hoàng Quốc Vượng Thứ Trưởng Bộ Công thương.
 Ảnh: K.D

(ĐCSVN)- Ngày 1/3, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tăng giá điện bình quân năm 2011 là 1.242 đ/kWh, tăng 165 đ/kWh so với 2010 chính thức có hiệu lực. Cạnh đó, biểu giá bán lẻ điện cũng quy định hỗ trợ giá điện cho những hộ thuộc diện thu nhập thấp, vùng núi, hải đảo tùy theo từng mức sử dụng điện. Tuy nhiên, nhiều đối tượng cần hỗ trợ giá điện, lại không được hưởng quyền lợi chính đáng này...

Cụ thể, trước khi tăng giá điện Chính phủ tính toán kỹ việc tăng giá không ảnh hưởng quá nhiều tới đời sống người dân, đặc biệt là những hộ nghèo. Các hộ thuộc diện hộ nghèo theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định được hỗ trợ giá điện cho 50 kWh/tháng, mức hỗ trợ là 30.000đ/hộ/tháng, kinh phí hỗ trợ lấy từ tiền bán điện. Khung giá bán điện sinh hoạt tại những khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo chưa nối lưới điện quốc gia gồm giá trần và giá sàn, trong đó giá sàn bằng 1,5 lần giá bán điện bình quân năm, giá trần bằng 2,5 lần giá bán điện bình quân năm.

Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Theo quyết định về biểu giá điện của Thủ tướng, cơ chế hỗ trợ giá điện các hộ thuộc diện nghèo sử dụng điện hàng tháng trong mức 50kWh/tháng được hỗ trợ trực tiếp 30.000 đồng/hộ/tháng. “Danh sách hộ nghèo do UBND các tỉnh thực hiện; đồng thời tiếp nhận kinh phí hỗ trợ giá điện cho hộ nghèo từ nguồn ngân sách Nhà nước, ước tính số tiền hỗ trợ hơn 1 nghìn tỉ. Ngoài ra, đối với hộ nghèo có mức tiêu thụ điện hàng tháng trong 50kWh, do được hỗ trợ giá trực tiếp 30.000 đồng/hộ/tháng, vì thế, thực tế các hộ nghèo chỉ phải trả 20.000 đồng, tức là đã được hỗ trợ giá điện đến 60% tiền điện và giá bán lẻ điện thực tế áp dụng cho các hộ nghèo chỉ còn 400 đ/kWh”, ông Vượng khẳng định.

Cơ chế hỗ trợ giá điện cho hộ thu nhập thấp cho những hộ thường xuyên có mức sử dụng điện 50kWh/tháng cũng được hỗ trợ giá điện do được mua điện cho 50kWh của bậc thang đầu tiên hàng tháng với giá bằng 80% giá bán điện bình quân, không có lợi nhuận. Để được hỗ trợ giá, các hộ thu nhập thấp đăng ký với bên bán điện. Trường hợp trong 3 tháng liên tiếp tổng lượng điện sử dụng của hộ đã đăng ký lớn hơn giá điện từ bậc thang thứ hai và các bậc tiếp theo trong những tháng còn lại trong năm.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, với các hộ sử dụng điện sinh hoạt, đặc biệt là những hộ nghèo, hộ thu nhập thấp ảnh hưởng của điều chỉnh giá điện sẽ không đáng kể. Hộ tiêu thụ 100kWh/tháng, tiền điện phải trả tăng thêm là 32.000 đồng. Hộ tiêu thụ 200kWh/tháng, tiền điện phải trả tăng 39.000 đồng. Hộ tiêu thụ 300kWh/tháng, tiền điện phải trả tăng lên 45.000 đồng. Hộ tiêu thụ 400kWh/tháng, tiền điện phải trả tăng lên 52.000 đồng.

 Ảnh nguồn: Internet

Mặc dù mức hỗ trợ giá điện theo quyết định về biểu giá mới của Thủ tướng quy định rất rõ ràng như vậy song với những người lao động nghèo, học sinh, sinh viên đang thuê trọ tại các thành phố lớn vẫn phải chịu thiệt bởi mức giá điện của chủ nhà trọ đặt ra. Chị Vũ Huyền Trang, công nhân Nhà máy may Thượng Đình, trọ tại Phùng Khoang (Từ Liêm - Hà Nội) cho biết: Chưa tới thời điểm tăng giá điện, nhưng ngay khi có thông tin sẽ tăng giá điện, chủ phòng trọ đã đến báo trước là giá điện tháng 3 sẽ tăng từ 3.000 đ/“số”, lên 4.000 đ/“số”. “Mỗi tháng tôi dùng chỉ 40 “số” điện, nhưng luôn phải trả cho chủ phòng với giá điện kinh doanh, khiến chi phí hàng tháng bị đội lên rất nhiều”.

Đối với sinh viên, còn phụ thuộc vào chu cấp của gia đình thì giá điện đã trở thành gánh nặng không nhỏ. Bạn Hoàng Thị Hiền, sinh viên Trường ĐH Mở Hà Nội, cho biết: “Tiền điện cứ tăng vùn vụt, chưa bao giờ thấy giảm. Nếu chủ nhà tăng giá lên 4000đ/số thì tiền điện đã chiếm ¼ số tiền chi tiêu hàng tháng của sinh viên học xa nhà”. Theo sinh viên này, giá điện phòng trọ là do chủ nhà quy định, người thuê không có sự lựa chọn. Tình trạng chung ở các khu trọ đông sinh viên, công nhân thuê như quận Cầu Giấy, khu Cầu Diễn, Phùng Khoang - huyện Từ Liêm, quận Thanh Xuân... giá điện đều ở mức trên trời: Dao động từ 2.500 - 3.000 đ/kWh trước thời điểm 1/3. Sau thời điểm này, chắc chắn giá điện tại đây còn tiếp tục tăng cao.

 Ông Phạm Mạnh Thắng
Cục Phó Cục điều tiết điện lực

Mặc dù ngành điện và các cơ quan chức năng nhiều lần lên tiếng bảo vệ quyền lợi hợp lý cho người thuê trọ tại các thành phố, tuy nhiên đến nay thì giá điện vẫn không có biến chuyển là mấy. Thông tư 08 của Bộ Công Thương có hiệu lực 1/3/2010, quy định người ở trọ muốn lắp công tơ riêng phải có giấy ủy quyền của chủ nhà trọ. Ngoài ra, người thuê trọ có giấy tạm trú ít nhất 12 tháng và số người ở cùng phòng bình quân 4 người (tương đương 1 hộ gia đình) thì được làm thủ tục tính định mức điện sinh hoạt bậc thang. Sinh viên Nguyễn Diệu Linh, Trường ĐH Hà Nội, cho rằng: “Người thuê trọ muốn lắp công tơ riêng gần như là không thể. Em yêu cầu được lắp thì chủ trọ lấy cớ không cho thuê phòng nữa. Việc xin giấy tạm trú, yêu cầu lắp công tơ riêng… thủ tục rất rườm rà, mất nhiều thời gian, nên chẳng mấy ai muốn làm”. Thông tư 08 ra đời được 1 năm, nhưng rất khó đi vào cuộc sống. Ít chủ nhà trọ nào chịu mất đi lợi nhuận thu được từ tiền điện, nước để đảm bảo quyền lợi cho người thuê trọ. Vì thế, tiền điện vẫn do chủ nhà tự ý đặt ra, người lao động nghèo, sinh viên - học sinh thuê trọ vẫn là người chịu thiệt.

Trước tình hình trên, ông Phạm Mạnh Thắng, Cục phó Cục điều tiết điện lực, cho biết: Năm 2010, sinh viên, công nhân thuê trọ cũng là điện sinh hoạt. Nhưng chủ trọ thu tiền cao hơn ngành điện rất nhiều. Một số giải pháp đã được đưa ra, nhưng thực tế không xảy ra như chúng ta dự kiến. Vấn đề pháp lý, người ký hợp đồng mua điện là chủ nhà, chứ không phải người thuê. Ngoài ra, người thuê muốn đăng ký mua thì phải có pháp lý ràng buộc. Thực tế, người thuê ký mua điện không nhiều. Chúng tôi kiểm tra rất nhiều, trách nhiệm thuộc sở công thương các tỉnh. Theo luật, chủ trọ không được mua điện để bán lại, nhưng chưa giải quyết được. Chúng tôi đang nghiên cứu đưa ra giải pháp cho 2011, nghiên cứu thí điểm dùng Công tơ điện trả trước bằng thẻ. Đối tượng mua điện ngắn hạn, tạm thời thì mua thẻ trả trước gắn vào công tơ. Đây chỉ là giải pháp tạm thời, giải quyết được phần nào, bởi hiện tượng chủ nhà sẽ tìm mọi cách để chèn ép người thuê... Trước mắt vẫn cần phải tiếp tục tìm ra những giải pháp lâu dài hơn nhằm bảo đảm quyền lợi của những người có thu nhập thấp, người thuê trọ.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực