Tăng giá điện: Lời giải của sự cần thiết và hợp lý

Thứ sáu, 18/02/2011 17:43

Ảnh: VOV

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ đầu tháng 3/2011 sẽ điều chỉnh giá điện. Như vậy, chỉ còn gần nửa tháng nữa là người tiêu dùng sẽ phải mua điện với mức giá mới cao hơn.

Điện sẽ tăng 18%?

Bộ Công thương đã chính thức trình Chính phủ phương án tăng giá điện 18% so với mức hiện hành. Theo Bộ Công thương, mức tăng giá điện lên 18% mà Bộ này đề xuất đã được tính toán trên cơ sở chi phí đầu vào, mục tiêu kiểm soát lạm phát và hạn chế tối đa tác động đến đời sống của người dân. Mức điều chỉnh giá điện tăng 18% tuy không đáp ứng được yêu cầu của ngành điện nhưng là mức hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Nếu giá điện tăng ở mức thấp hơn sẽ rất khó khăn không chỉ cho ngành điện, mà còn khó thu hút và khuyến khích các nhà đầu tư khác vào phát triển nguồn điện vốn đang thiếu trầm trọng ở nước ta.

Theo tính toán của chuyên gia trong ngành điện, mức tăng 18% là “khiêm tốn” và EVN sẽ vẫn lỗ nặng. Với việc tăng giá điện 18%, ngành điện sẽ vẫn phải tiếp tục chấp nhận mức lợi nhuận thấp và phải tiếp tục cắt giảm các chi phí trong sản xuất và kinh doanh điện; đồng thời sẽ bị lỗ một khi phát sinh các chi phí như thiếu điện, phải huy động thêm nguồn điện chạy dầu, hay mua điện ngoài với giá cao...

Theo các chuyên gia, nếu giá điện tăng 18% thì giá thành của 1 kWh sẽ tăng thêm hơn 160 đồng, thành 1.271 đồng/kWh, tổng số tiền điện tăng thêm sẽ vào khoảng 19.000 tỷ đồng. Tổng số tiền điện tăng thêm đối với các ngành sản xuất là 9.600 tỷ đồng, tăng giá thành từ 0,02 - 9,03%.

Theo tính toán, các hộ nghèo có mức tiêu thụ điện 50 kWh/tháng trở xuống thì số tiền phải trả tăng thêm vào khoảng trên 5.000 đồng/tháng, các hộ có mức tiêu thụ điện trung bình dưới 100 kWh/tháng sẽ trả thêm trên 20.000 đồng/tháng. Các hộ có thu nhập trung bình hoặc khá, mức tiêu thụ đến 200 kWh/tháng sẽ trả tiền tăng thêm trên 55.000 đồng/tháng. Các hộ có thu nhập cao với lượng điện tiêu thụ đến 400 kWh/tháng sẽ phải trả thêm từ khoảng 100.000 - 140.000 đồng/tháng.

Đại diện Bộ Công thương và Tài chính cho biết, dự kiến theo đề án tăng giá điện trình Chính phủ, giá của những số điện đầu sẽ không điều chỉnh. Đây được xem là một biện pháp để hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, người có thu nhập thấp.

Thắt chặt chi tiêu

Ông Nguyễn Hữu Ninh, cán bộ đã nghỉ hưu ở tổ 22 Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội lo lắng: “Trước thời điểm tăng giá điện năm 2010, mỗi tháng gia đình tôi chỉ dùng hết 60.000 - 70.000 đồng, nhưng sau khi tăng giá thì tiền điện của gia đình tôi tăng lên gấp đôi và khi áp dụng mức giá điện giờ cao điểm thì mỗi tháng gia đình tôi dùng đến 300.000 đồng tiền điện. Bây giờ nếu tiếp tục tăng như thế này không hiểu sẽ còn lên bao nhiêu nữa?”. Anh Nguyễn Hoàng Sơn, công nhân thuê trọ tại Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: “Tôi là người ở trọ, với giá điện ở thời điểm hiện tại, tôi phải trả 3.000 đồng/số điện. Việc tăng giá điện sẽ kéo theo các mặt hàng khác cũng tăng, với mức lương như hiện nay tôi sẽ phải thắt chặt chi tiêu.

Khi nghe thông tin giá điện sẽ tăng trong thời điểm đầu năm 2011, ông Nguyễn Văn Khiêm - giám đốc một nhà in tư nhân ở Hà Nội đã đứng ngồi không yên. Hiện công ty ông có trên 40 lao động thường xuyên và một xưởng sản xuất khá lớn, mỗi tháng tiêu thụ khoảng 80 triệu đồng tiền điện. “Mới đầu năm, DN vừa đi vào hoạt động trở lại, nguồn thu chưa ổn định mà giá điện tăng sẽ khó khăn cho chúng tôi”, ông Khiêm than thở và nhẩm tính, với phương án tăng giá như dự kiến, mỗi tháng công ty ông sẽ ngốn 90 triệu đồng tiền điện.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, tăng giá điện 15-20% là hợp lý. Mức tăng này là chấp nhận được trong ngắn hạn vì không gây ra nhiều biến động cho kinh tế vĩ mô. Trong những năm qua, lạm phát đã tăng vài chục phần trăm nên giá điện dù có tăng nhưng cũng không kịp. Việc điều chỉnh giá điện một phần bù lại sự mất giá, phần khác để bù lại mức tăng giá thật./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực