Tạo sức lan tỏa, xây dựng nét văn hóa tiêu dùng hàng Việt

Thứ tư, 08/01/2020 16:30
(ĐCSVN) - Năm 2019, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo sâu sát, toàn diện công tác tuyên truyền; qua đó tạo sức lan tỏa, từng bước xây dựng được nét văn hóa tiêu dùng của người dân.

Ngày 8/1 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội đã tổ chức giao ban đánh giá kết quả thực hiện cuộc vận động năm 2019, triển khai kế hoạch thực hiện năm 2020.

Năm 2019, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp, ngành, đoàn thể đã tập trung chỉ đạo sâu sát, toàn diện công tác tuyên truyền, qua đó tạo sức lan tỏa, từng bước xây dựng được nét văn hóa tiêu dùng của người dân.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: TA)

Đáng chú ý, trong Chương trình đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, đẩy mạnh phát triển thương mại, bình ổn thị trường, Ban chỉ đạo tiếp tục phối hợp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện triển khai các dự án hạ tầng thương mại trên địa bàn. Đến nay, toàn thành phố có 145 siêu thị, 26 trung tâm thương mại, khoảng 1.400 cửa hàng tiện lợi, 455 chợ.

Để phát triển hạ tầng thương mại, thành phố xây dựng Đề án quản lý, đầu tư, cải tạo và phát triển chợ trên địa bàn; triển khai “Mạng lưới máy bán hàng tự động đặt tại địa điểm công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020”; tích cực ứng dụng CNTT trong các hoạt động thanh toán, mua sắm, đẩy mạnh sử dụng mã hình QR truy xuất nguồn gốc trực tuyến các sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên địa bàn… góp phần tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, chống gian lận thương mại.

Ngoài ra, các doanh nghiệp trên địa bàn chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ tiên tiến, áp dụng khoa học quản lý, tiết kiệm chi phí gián tiếp để nâng cao chất lượng hàng hóa, tạo sự đa dạng mẫu mã sản phẩm, coi trọng khách hàng, tăng cường quảng bá sản phẩm, từng bước thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trong chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích", đã có trên 123 nghìn lượt tham gia bình chọn, tăng 143,3% so với năm 2018. Ngày 1/11/2019, Ban chỉ đạo Cuộc vận động thành phố đã tổ chức công bố kết quả chương trình bình chọn và trao chứng nhận “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” cho 146 sản phẩm, dịch vụ của 105 doanh nghiệp thuộc 11 ngành hàng tham gia.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, vẫn còn một số ngành, đơn vị chưa chủ động quan tâm, triển khai thực hiện. Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn khó kiểm soát dù các lực lượng chức năng đã vào cuộc quyết liệt, dẫn đến giảm lòng tin của người tiêu dùng...

Triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2020, thành phố Hà Nội tiếp tục tập trung đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, tập trung vào người tiêu dùng, người sản xuất, hệ thống phân phối. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; quảng bá, tôn vinh sản phẩm, hàng hóa Việt Nam chất lượng cao, nhất là các sản phẩm, dịch vụ được bình chọn, công nhận “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”; tổ chức các hội chợ hàng Việt, đưa hàng Việt đến người tiêu dùng qua các chương trình bán hàng Việt tại các quận, huyện, thị xã, khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố và hệ thống phân phối nước ngoài. Đồng thời, lên án đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, tuyên truyền nhân rộng các mô hình điển hình, tôn vinh tổ chức, cá nhân, sản phẩm được công nhận hàng Việt Nam chất lượng cao; đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, quảng bá hàng Việt Nam chất lượng cao đến người tiêu dùng như tổ chức hội chợ hàng Việt. Thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý thị trường, giá cả sản phẩm chống hàng giả, hàng kém chất lượng, phòng chống buôn lậu, hàng cấm và gian lận thương mại, góp phần kiềm chế lạm phát, bình ổn giá đối với mặt hàng thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững…/.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực